Không kiểm soát được cá tầm nhập khẩu
Liên quan việc kiểm soát cá tầm nhập khẩu, báo cáo người đứng đầu Chính phủ, văn bản do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký, cho biết: Đầu năm 2021, Bộ NN&PTNT có công văn cho biết sau khi phối hợp địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại một số chợ như Yên Sở (Hà Nội), Bình Điền (TP HCM), kết quả cho thấy 8/11 mẫu không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP.
Từ đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục.
Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã chỉ đạo hải quan địa phương thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, giám định với các lô hàng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, bằng cảm quan và các trang thiết bị hiện có, hải quan không thể xác định được chủng loại cá tầm. Do vậy, hải quan lấy mẫu gửi giám định tại các cơ quan khoa học của CITES như Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (ST&TNSV), Viện nghiên cứu Hải sản (NCHS).
Kết quả giám định của Viện ST&TNSV cho thấy một lô cá tầm có thể có nhiều loại cá tầm khác nhau, hoặc mẫu cá tầm nhập khẩu giám định đều có kết quả tương đồng với các loại cá tầm khác, không có loại thuần chủng; không có mẫu nào được kết luận là cá tầm Siberi như khai báo của DN và nội dung giấy phép CITES do Cơ quan quản lý CITES cấp.
Viện NCHS thì cho biết phương pháp xác định dựa trên hình thái chỉ cho phép xác định tên loài của mẫu vật, không thể xác định được dòng lai, xuất xứ.
Theo tìm hiểu của PV, hiện có 16 DN đã tham gia nhập khẩu cá tầm. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, năm 2021, số lượng cá tầm nhập khẩu đạt hơn 1.878 tấn; kim ngạch nhập khẩu hơn 8,9 triệu USD. Các lô cá tầm nhập khẩu chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc, qua các cửa khẩu đường bộ và theo khai báo hải quan là cá tầm Siberi hoặc cá tầm Nga Acipenser Gueldenstaedtii.
Trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT
Theo Bộ Tài chính, hải quan là đơn vị không có chuyên môn, nghiệp vụ trong việc xác định giống, loài động vật nói chung và cá tầm nói riêng. Để có cơ sở giải quyết, TCHQ đã nhiều lần đề nghị Bộ NN&PTNT căn cứ kết quả giám định của các cơ quan khoa học CITES để kết luận cụ thể các lô cá tầm nhập khẩu có hợp pháp không. Đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT trao đổi, thống nhất với Cơ quan quản lý CITES Trung Quốc về giống, loài, con lai, con thuần chủng của cá tầm nhập khẩu trước khi cấp Giấy phép CITES nhập khẩu.
Cá tầm Trung Quốc nhập khẩu không kiểm soát được số lượng, chủng loại, bán phá giá, de dọa ngành chăn nuôi cá tầm trong nước (Hình: Một trang trại nuôi cá tầm tại Lâm Đồng). |
Trong các lần trao đổi, TCHQ đã nêu rõ quan điểm, trường hợp không xác định được chính xác giống, loài, con lai, con thuần chủng của các lô hàng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc thì tạm dừng cấp Giấy phép CITES nhập khẩu; thu hồi Giấy phép CITES đã cấp cho các lô hàng cá tầm nhập khẩu của các Cty trên cho đến khi xác nhận được các Cty này không vi phạm pháp luật về nhập khẩu cá tầm.
Tuy nhiên, phía Bộ NN&PTNT chỉ cung cấp tên các cơ quan khoa học CITES Việt Nam và không có hướng dẫn kiểm tra, xác định hoặc phương pháp giám định cho hải quan và DN thực hiện. Hiện các cơ quan giám định đang áp dụng phương pháp giám định bằng trình tự gen và hình thái nhưng không kết luận được cá tầm nhập khẩu có phù hợp với Giấy phép CITES và có thuộc Danh mục hay không.
Căn cứ Luật Thủy sản 2017 thì Bộ NN&PTNT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy sản, Bộ trưởng NN&PTNT có trách nhiệm trình Chính phủ ban hành Danh mục. Căn cứ Công ước CITES, Nghị định 26/2019/NĐ-CP thì cá tầm Siberi thuộc Phụ lục CITES, khi nhập khẩu phải có Giấy phép CITES do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và phải thuộc Danh mục.
Căn cứ Quyết định 339/QĐ-TCLN-VP ngày 23/10/2020 của Tổng cục Lâm nghiệp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thì cơ quan này có nhiệm vụ chủ tri, phối hợp với các cơ quan khoa học CITES Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực thi CITES tại Việt Nam.
Do vậy, Bộ NN&PTNT (Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES và Tổng cục Thủy sản) chịu trách nhiệm trong phối hợp, kiểm tra, xác định, kết luận hàng hóa nhập khẩu có phù hợp với Giấy phép CITES, thuộc Danh mục hay không. Việc Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Tài chính kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm; nhưng không phối hợp hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát cá tầm nhập khẩu đảm bảo phù hợp Giấy phép CITES và thuộc Danh mục gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong quá trình thực thi.
Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, giảm thiểu thiệt hại cho các bên liên quan, minh bạch chính sách quản lý với hàng hóa nhập khẩu; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hải quan khi thực thi đúng quy định, chính sách quản lý với hàng hóa nhập khẩu thuộc lĩnh vực quản lý Bộ NN&PTNT; Bộ Tài chính báo cáo đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng về giống, loài, con lai, con thuần chủng có đúng với Giấy phép CITES với hàng hóa (cá tẩm) nhập khẩu thuộc gần 100 tờ khai hải quan phát sinh từ tháng 2/2021 đến nay chưa được thông quan; có hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ trực thuộc phối hợp hải quan trong kiểm tra hàng hóa nhập khẩu có phù hợp giấy phép CITES do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp và có thuộc Danh mục hay không.
Đe dọa ngành chăn nuôi cá tầm trong nước
Theo Hiệp hội nuôi cá lạnh Lâm Đồng, nghề cá tầm ở Việt Nam hình thành và phát triển được 15 năm với sản lượng hiện hơn 3000 tấn, giá trị trên 500 tỷ đồng, tạo việc làm bền vững cho hàng ngàn lao động. Tháng 1/2021, Hiệp hội phản ánh cá tầm Trung Quốc nhập khẩu không kiểm soát được số lượng, chủng loại đang có mặt tràn lan tại thị trường Việt Nam và có hiện tượng bán phá giá, de dọa ngành chăn nuôi cá tầm trong nước, khiến các DN, các hộ gia đình chăn nuôi cá tầm đứng trên bờ vực phá sản. Tháng 10/2021, Hiệp hội tiếp tục phản ánh DN nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam vi phạm pháp luật vẫn không bị cấm mà vẫn tiếp tục được nhập khẩu với số lượng hàng ngàn tấn.