Trao đổi với báo chí trước thềm kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính-ngân sách, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Thời gian qua, công tác cải cách thể chế của Bộ Tài chính luôn được gắn với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, qua đó hệ thống pháp luật tài chính đã có bước hoàn thiện quan trọng với số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
“Với nhiều cách làm sáng tạo như một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định và một thông tư sửa nhiều thông tư, có nhiều văn bản đã tác động mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) và tạo cơ sở pháp lý để đơn giản hoá TTHC, cắt giảm ĐKKD, hiện đại hoá quản lý, qua đó đã từng bước chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tuy có tăng áp lực, trách nhiệm lên cơ quan quản lý nhưng tạo thuận lợi cho người dân và DN), cũng như minh bạch thông tin, quy trình, thủ tục để triển khai thực hiện...”- Bộ trưởng cho hay.
Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các yêu cầu về cải cách TTHC như: Gắn công tác cải cách TTHC, cắt giảm ĐKKD với công tác cải cách thể chế; Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC theo quy định của pháp luật ngay từ khâu dự thảo; Chủ động rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC trong lĩnh vực tài chính, nhất là TTHC liên quan tới người dân, DN; Công khai, minh bạch tất cả các TTHC.
“Công tác cải cách TTHC, cắt giảm ĐKKD được triển khai quyết liệt, nhiều TTHC được cắt giảm, đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện và chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và DN góp phần cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các chỉ số nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới cải thiện được thứ bậc xếp hạng...”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, Bộ đã thực hiện rà soát cắt giảm 248 TTHC và đơn giản hóa đối với 962 TTHC thì từ năm 2016 đến nay (đến ngày 2/10/2018), đã thực hiện rà soát cắt giảm 174 TTHC và đơn giản hóa 888 TTHC. Thuế vẫn là lĩnh vực cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nhiều nhất khi có 95 TTHC được cặt giảm, 300 TTHC được đơn giản hóa.
Tính đến tháng 10/2018, bộ TTHC lĩnh vực tài chính còn lại 987 thủ tục. Với những nỗ lực đó, Bộ Tài chính luôn nằm trong nhóm 3/19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) trong 4 năm qua (2014- 2017) và là Bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) trong 6 năm liên tiếp (2013- 2018).
Không dừng lại ở kết quả đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ tiếp tục chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ những TTHC không cần thiết, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Hiện tại, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính đã xây dựng được phương án và đang trình Lãnh đạo Bộ xem xét phê duyệt cắt giảm trên 140 TTHC và đơn giản hóa 28 TTHC, cụ thể: Lĩnh vực thuế cắt giảm 7 TTHC, đơn giản 2 TTHC; Lĩnh vực hải quan cắt giảm 5 TTHC, đơn giản 9 TTHC; Lĩnh vực KBNN cắt giảm 10 TTHC, đơn giản 12 TTHC; Lĩnh vực chứng khoán cắt giảm 36 TTHC; Lĩnh vực tài chính khác cắt giảm 88 TTHC, đơn giản 5 TTHC.
Đồng thời, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, dự kiến sẽ cắt giảm 117 ĐKKD trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính...
“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC đáp ứng yêu cầu hội nhập, phấn đấu các chỉ số cải cách đạt chuẩn xếp hạng các nước ASEAN 4 và hướng tới tiêu chuẩn của các nước OECD...”- Bộ trưởng khẳng định.