5 sửa đổi cần lưu ý
Hội nghị nhằm tạo cơ hội cho DN nắm bắt các quy định mới về trị giá cũng như nêu các vướng mắc phát sinh của mình trong quá trình làm thủ tục hải quan để cơ quan Hải quan giải đáp, hướng dẫn.
Thông tư 60/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về trị giá hải quan đối với hàng hoá XNK, trong đó có 5 nội dung sửa đổi, bổ sung mà các đơn vị hải quan địa phương cần lưu ý khi thực hiện. Cụ thể, Thông tư 60 sửa đổi và bổ sung về phần mềm, theo đó phân tích cụ thể phần mềm điều khiển và phần mềm ứng dụng, làm căn cứ xác định trị giá hải quan cho máy móc thiết bị có phần mềm điều khiển tại Điều 6 của Thông tư 60.
Về phía cơ quan Hải quan, khi làm thủ tục hải quan, cán bộ Hải quan phải lưu ý các trường hợp khai NK máy móc thiết bị có phần mềm và trường hợp khai NK phần mềm để hướng dẫn DN kết nối các tờ khai hải quan, khai trị giá hải quan cho đúng, tránh phát sinh kiểm tra, ấn định, xử phạt sau này. Mặt khác, khi kiểm tra sau thông quan, đây cũng là cơ sở để cán bộ kiểm tra sau thông quan kết luận DN đã khai báo trị giá hải quan đúng hay chưa.
Liên quan đến việc Thông tư 60 quy định cơ quan Hải quan phải ban hành mẫu Thông báo trị giá hải quan đối với các trường hợp xác định trị giá hải quan, các cán bộ trị giá, cán bộ kiểm tra sau thông quan phải lưu ý thực hiện. Quy định này nhằm minh bạch về phương pháp, cách thức mà cơ quan Hải quan xác định trị giá, tránh khiếu nại về sau.
Để xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá XNK, nguyên tắc và phương pháp về hàng XK đã được quy định tại Khoản 15 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Nội dung quan trọng nhất trong xác định trị giá hải quan hàng hoá XK là Thông tư 60 đã quy định rõ cách xác định trị giá tương ứng theo các điều kiện giao hàng khác nhau. Theo đó, hàng hoá được giao/không được giao tại cửa khẩu xuất, từ đó khắc phục triệt để các vướng mắc trong thời gian qua.
Thông tư 60 cũng sửa đổi quy định về xác định trị giá hải quan của hàng hoá có tính đặc thù như hàng hoá NK đã qua sử dụng tại Việt Nam có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định, thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế; hàng hoá được vận chuyển đến Việt Nam bằng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, không có hợp đồng mua bán và hoá đơn thương mại. Theo đó, quy định về xác định trị giá hải quan cơ bản dựa trên trị giá khai báo. Một số trường hợp cơ quan Hải quan có căn cứ về việc trị giá khai báo không phù hợp nên Thông tư 60 quy định giao cơ quan Hải quan xác định trị giá hải quan.
Quy định cụ thể trách nhiệm của Hải quan, doanh nghiệp
Liên quan đến phương pháp quản lý hải quan trong lĩnh vực trị giá, Thông tư 60 bổ sung đối tượng quản lý là DN có rủi ro. Đây là một thay đổi quan trọng về phương thức quản lý hải quan, chuyển từ quản lý theo từng giao dịch sang quản lý theo chủ thể thực hiện XNK.
Bên cạnh đó, Thông tư 60 lần này quy định danh sách DN có rủi ro về trị giá hải quan là một nội dung trong cơ sở dữ liệu giá, là đối tượng để tổ chức kiểm tra trị giá trong và sau thông quan. Việc đưa đối tượng DN và Thông tư 60 là một cảnh báo cho cộng đồng DN về việc cơ quan Hải quan sẽ tăng cường kiểm tra các DN có rủi ro cao, đồng thời tạo thuận lợi cho các DN làm ăn tuân thủ pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị An Giang, Trưởng phòng Trị giá hải quan, Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan cho biết: Thời gian qua, việc thực hiện các quy định về trị giá hải quan phát sinh nhiều vướng mắc từ phía các DN. Để tháo gỡ các vướng mắc này, Thông tư 60 đã có các quy định cụ thể về hồ sơ, giấy tờ DN phải nộp trong các quy định xác định trị giá hải quan giúp DN chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ.
Bên cạnh đó, Thông tư 60 cũng đã quy định trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan Hải quan trong việc xác định trị giá và xác định trách nhiệm của DN trong việc khai báo nhằm đảm bảo tính minh bạch, đồng thời cập nhật thêm các quy định mới về trị giá hải quan.