Chỉ Bộ Công an thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh?
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Dự thảo Luật do Chính phủ trình bổ sung chức năng GĐTP và quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao” là một trong các tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự. Vấn đề này qua thảo luận, ĐBQH có hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành dự thảo Luật vì cho rằng, việc bổ sung quy định này là cần thiết, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng trong việc giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, đặc biệt từ ngày 01/01/2020 các cơ quan tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không bổ sung quy định này, vì Viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định sẽ không đảm bảo tính khách quan và sẽ làm phát sinh bộ máy, biên chế.
Nêu quan điểm tại phiên họp, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Bùi Mạnh Cường cho biết, VKSND tối cao đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ giám định trên với 3 lý do chính.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Bùi Mạnh Cường phát biểu |
Lý do thứ nhất, về lý luận, hiện nay luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định có 3 cơ quan điều tra chuyên trách: Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Trong chức năng nhiệm vụ của cơ quan điều tra có nhiệm vụ giám định và trưng cầu giám định. Trên thực tế trong ba cơ quan điều tra chuyên trách luật đang giao cho Cơ quan điều tra của Bộ Công an và Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng thực hiện việc giám định còn Cơ quan điều tra của VKSND tối cao không được giao. Đây là điểm VKSND tối cao thấy rằng chưa phù hợp với luật.
Trong khi đó VKSND tối cao có phòng kỹ thuật hình sự và đang thực hiện nhiệm vụ của mình và chỉ cần bổ sung thêm nhiệm vụ. Còn đối với phòng kỹ thuật hình sự của bộ Quốc phòng luật quy định có chức năng này nhưng trên thực tế chưa thực hiện. Chính vì thế, hiện nay việc giám định chỉ duy nhất trên toàn quốc chỉ có Bộ Công an thực hiện.
Lý do thứ hai, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, VKSND tối cao đang thực hiện theo luật mới từ 2017 VKSND tối cao thực hiện 38 điều tra tội danh trong đó chủ yếu tội tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Với nhiệm vụ nặng nề liên quan đến giám định âm thanh, hình ảnh, chữ viết rất nhiều. “Thực tế với các nguồn tin của tội phạm chúng tôi nhận được chủ yếu là do bị hại bức xúc có đơn gửi đến kèm theo file hoặc một băng ghi âm. Đơn thì đọc được nhưng file thì cần giám định nhưng việc giám định rất khó khăn. Có trường hợp có 3, 4 hoặc 5 tháng chúng tôi không nhận được kết quả giám định. Trong khi thời hạn giải quyết đơn tố giác tội phạm tối đa chỉ có 2 tháng. Trong khi những vấn đề này rất nhạy cảm nếu chậm đi một ngày nào thì trôi đi việc làm rõ vụ việc”, ông Cường nêu thực tế.
Lý do thứ 3, việc thêm nhiệm vụ này hoàn toàn không làm phát sinh tăng bộ máy. Hiện VKSND tối cao đang thực hiện tiên giản biên chế và bộ máy ở tất cả các lĩnh vực. Năm 2019 tinh giản 515 biên chế và năm 2020 cũng đang thực hiện giảm 10%. Thực tế nhiệm vụ chúng tôi tăng lên nhiều nhưng không hề tăng biên chế. Kinh phí, Viện kiểm sát tính ra khoảng 9,4 tỷ đồng để trang bị tất cả các thứ. Khinh phí này chỉ cần điều chỉnh chi thường xuyên để làm. Đặc biệt, trên các nước các viện công tố trên thế giới đều có chức năng này.
“Với thực tế bổ sung nhiệm vụ này chỉ có lợi và điều kiện thực tế, chúng tôi tha thiết UBTVQH và Quốc hội bổ sung nhiệm vụ này cho VKSND tối cao”, ông Cường bày tỏ.
Đồng tình với việc thêm nhiệm vụ cho VKSND tối cao, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc tăng cường nhiệm vụ này rất tốt và sẽ giúp điều tra, truy tố, xét xử tốt hơn. Tuy nhiên ông Phúc bày tỏ băn khoăn và đề nghị đề nghị làm rõ khi có một vụ việc giám định hình sự bằng hình ảnh, âm thanh có sự sai khác giữa hai kế quả của Bộ Công an và VKSND tối cao thì lấy kết quả bên nào?
Đáp lời, Phó Viện trưởng Bùi Mạnh Cường cho biết, hiện nay chỉ có cơ quan điều tra của Bộ Công An có chức năng giám định âm thanh hình ảnh nếu có kiếu nại thì không có cơ hội khác quan để làm việc này.
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng, Lê Quý Vương cho biết, Bộ Công an bày tỏ quan điểm không đồng tình vì trước hết chưa thấy cần thiết. Vì đây là nội dung phát sinh sau khi phiên họp 37 của UBTVQH mới đề nghị bổ sung chức năng giám định về âm thanh, kỹ thuật số điện tử chứ không phải dự thảo ngay từ đầu.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, thực tế vừa qua Viện khoa học hình sự từ năm 2012 đến nay đã tiếp nhận 42 vụ trưng cầu giám định âm thanh, 18 vụ trưng cầu kỹ thuật số điện tử và cơ bản đáp ứng yêu cầu. Số lượng giám định không phải nhiều và đáp ứng yêu cầu và đáp ứng được việc điều tra. Cùng với đó, luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có giao cho VKSND tối cao điều tra có phòng kỹ thuật hình sự nhưng không có chức năng nhiệm vụ về giám định tư pháp.
Trình 2 phương án để Quốc hội cho ý kiến
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện cơ quan điều tra của VKSND tối cao được điều tra 2 loại án: loại án xâm phạm hoạt động tư pháp và loại án tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
Theo bà, việc điều tra loại án tham nhũng trong hoạt động tư pháp thực tế cực kỳ khó khăn. “Chính vì thế, hằng năm Quốc hội nhiều lần phê bình VKSND tối cao tại sao mỗi năm trên dưới 20, 30 vụ. Đến khi đưa ra Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng và Quốc hội đã nhiều lần đánh giá cần phải chống tham nhũng ngay trong các lực lượng có chức năng chống tham nhũng. Do đó, cá nhân tôi ủng hộ”, bà Nga bày nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga |
Trình bày quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vì trong cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát đã có Phòng Kỹ thuật hình sự, nay chỉ "giao thêm nhiệm vụ. Cùng với đó sẽ có thêm một kênh nữa để đóng góp đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, khách quan trong công tác này.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, ngay từ đầu Bộ Công an có ý kiến nhất quán không đồng ý. Tuy nhiên đây là ý kiến của một thành viên Chính phủ còn Chính phủ theo cơ chế tập thể trình theo đa số.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, vì vẫn còn có 2 ý kiến khác nhau nên Chính phủ, VKSND tối cao phải có đánh giá tác động đầy đủ và có báo cáo trình bày lý do cần thiết hay không cần thiết việc bổ sung này.
“Đề nghị Chính phủ cần có báo cáo chính thức chứ không sau này rất phức tạp. Tôi đề nghị UBTVQH cho phép vẫn để 2 phương án để Quốc hội thảo luận cho ý kiến”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói.