Cụ thể, 10 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn quy định tại khoản3 Điều 13 của Luật Khí tượng thủy văn gồm:
Một là, sân bay dân dụng.
Hai là, đập, hồ chứa nước thuộc loại quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông (sau đây gọi tắt là đập, hồ chứa).
Ba là, bến cảng thuộc cảng biển loại I và loại II theo danh mục cảng biển, bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải công bố.
Trường hợp cảng biển có nhiều bến cảng thì Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì, tổ chức lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, cơ quan khí tượng thủy văn tại địa phương khu vực cảng biển quyết định lựa chọn, chỉ định một hoặc một số bến cảng có tính đại diện về điều kiện tự nhiên khí tượng thủy văn cho khu vực cảng biển để tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định này. Các bến cảng còn lại được quyền khai thác, chia sẻ thông tin quan trắc và có nghĩa vụ đóng góp kinh phí theo tỷ lệ bình quân để thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định này.
Bến cảng thuộc cảng quân sự thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Ảnh minh họa. |
Bốn là cầu có khẩu độ thông thuyền từ 500 mét trở lên.
Năm là, tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp.
Sáu là, cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch.
Bảy là, vườn quốc gia.
Tám là, tuyến đường cao tốc tại khu vực thường xuyên có thời tiết nguy hiểm được xác định theo phân vùng rủi ro thiên tai do Tổng cục Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và được cập nhật định kỳ 3 năm một lần.
Chín là, cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên.
Nghị định 48 cũng quy định trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh phải tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và trước ngày 15/12 hằng năm cập nhật, bổ sung danh mục công trình và chủ công trình gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chủ sở hữu đối với đập, hồ chứa, tổ chức quản lý trực tiếp vườn quốc gia, công trình mang tính chất đặc thù phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân khai thác đối với sân bay, bến cảng, cầu, tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình, cáp treo, tuyến đường cao tốc, cảng thủy nội địa có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để tổ chức thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định này.
Chủ các công trình trên mà đang khai thác, sử dụng nhưng chưa quan trắc khí tượng thủy văn thì phải tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo thời hạn như sau: Công trình đập, hồ chứa loại vừa có cửa van điều tiết lũ chậm nhất sau 1 năm và công trình đập, hồ chứa loại vừa có tràn tự do chậm nhất sau 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (ngày 1/6/2020);
Công trình bến cảng, cầu có khẩu độ thông thuyền từ 500m trở lên không qua vùng cửa sông ven biển, eo biển, vịnh hoặc các đảo vùng nội thủy; tuyến đường cao tốc; cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên; công trình mang tính chất đặc thù gồm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn thuộc các cụm Dịch vụ Kinh tế - Kỹ thuật (DK1) và sân bay quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh phải tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn chậm nhất sau 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.