Ủng hộ việc bỏ hộ khẩu để giảm bớt thủ tục, giấy tờ cho người dân, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu - giám đốc công an tỉnh Nghệ An cho rằng đây là một điều tất yếu cho mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ cho người dân và yêu cầu quản lý nhà nước.
Theo ĐB, bỏ một số giấy tờ không có nghĩa là buông lỏng công tác quản lý. Công tác quản lý vẫn được tiến hành một cách bình thường, thậm chí chặt chẽ hơn, trên cơ sở các số liệu về dân cư được các cấp các ngành, đặc biệt là Bộ Công an đang tiến hành trực tiếp hoàn thiện. "Yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, với yêu cầu quản lý chặt chẽ xã hội, không mâu thuẫn với nhau. Đây là một quá trình đã được chuẩn bị rất chu đáo và đến thời điểm hiện nay, bỏ như thế là hoàn toàn hợp lý."- ĐB khẳng định.
“Hiện cuộc cách mạng 4.0 phát triển rất mạnh. Trong tất cả các vấn đề quản lý xã hội thì quản lý con người là khó nhất. Tuy nhiên khi chúng ta có công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn, có thể dễ dàng tích hợp tất cả các dữ liệu vào một thẻ căn cước chứ không cần người dân đi ra đường phải mang theo mình rất nhiều giấy tờ nữa” –ông phân tích..
Trước câu hỏi của pv về những lo ngại của người dân đối với các vấn đề chuyển giao tài sản, thủ tục đất đai... nếu không có hộ khẩu có thể dẫn đến hậu quả nhầm lẫn hoặc sai lệch, ĐB cho biết: Khi có nghi ngờ trong công tác làm thủ tục thì cơ quan chức năng sẽ thẩm tra, xác minh, chứ không phải bỏ đi là không kiểm tra. Việc kiểm tra, xác định sự thật là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, còn người công dân thì người ta chỉ xuất trình thế thôi.
'Với một việc đã chuẩn bị rất chu đáo rồi thì có thể trích xuất thông tin, trả lời ngay rất chính xác. Tôi lấy ví dụ ở Nghệ An chúng tôi, tất cả dữ liệu liên quan đến chứng minh nhân dân chúng tôi có thể lên máy tính tra cứu, không có khó khăn gì." - ĐB khẳng định.
Nói về thực tế ở địa phương, ĐB cho biết: "Ở Nghệ An, chúng tôi đã triển khai đến tất cả các xã rồi, người ta làm xong dữ liệu truyền lên và tỉnh sẽ quản lý. Việc triển khai sẽ rất nhanh thôi. Tôi vẫn cho rằng chủ trương là hoàn toàn hợp lý, một là bỏ bớt giấy tờ cho người dân để làm mọi thủ tục nhanh chóng, hiệu quả hơn; hai là không ảnh hưởng gì đến quản lý. Về mặt kinh tế mà nói có thể thấy là vô cùng nhiều. Khi bỏ cái cũ sang cái mới, bao giờ cũng cần thời gian. Tuy nhiên, quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an là cố gắng làm sớm để quản lý xã hội một cách thuận lợi. Hà Nội đang làm rất hiệu quả."
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng thẳng thắn cho rằng thay đổi một chính sách đã không phù hợp là chuyện hết sức bình thường và không lo gì xáo trộn.
ĐB nói: "Tôi thấy hộ khẩu không có tác dụng. Bởi lẽ chính quyền quản lý dân cư đâu cứ phải theo hộ khẩu".
Theo góc nhìn của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, việc quản lý nhân khẩu bằng hộ khẩu thực ra không hiệu quả. Hiện nay người dân thay đổi chỗ ở liên tục. Vì thế, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc đăng ký cư trú, tạm trú mới là cái quan trọng chứ không phải là vấn đề hộ khẩu.
"Sổ hộ khẩu là một trong những cái tạo ra ách tắc, thậm chí là gây tốn kém cho đất nước"-ĐB nhận định.
Trước lo ngại về việc nếu bỏ hộ khẩu ngay bây giờ sẽ gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống, ông nhận định: Thay đổi một chính sách đã không phù hợp là chuyện hết sức bình thường, nếu bỏ hộ khẩu đi thì trong luật từ nay sẽ ghi rõ ràng, đối với những lĩnh vực liên quan đến hộ khẩu như trước đây thì nay sẽ không áp dụng nữa. Và như thế thì mọi người cứ thực hiện theo, việc này chỉ có làm cho người dân giảm nhẹ gánh nặng chứ không hề gây ra xáo trộn nào cả. Nếu có xáo trộn thì đó là sự xáo trộn cần thiết.
Cùng quan điểm ủng hộ chính phủ trong quyết sách này, ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, khi chúng ta đã tích hợp được các dữ liệu vào thẻ căn cước công dân thì việc bỏ sổ hộ khẩu, CMND là cần thiết. Hơn nữa, chúng ta đang Chính phủ điện tử thì việc bỏ sổ hộ khẩu là hoàn toàn đúng tiến trình, phải làm nhanh, làm sớm, phải phủ sóng toàn quốc.
Theo ông, khó khăn nhất khi triển khai chính sách này là nguồn lực, cả về kinh phí lẫn cơ sở vật chất, con người. Hai là phải đồng bộ được cơ sở dữ liệu dân cư của các địa phương, bộ ngành để quản lý đồng nhất, tránh tình trạng chỗ này triển khai nhưng chỗ kia chưa triển khai.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: "Chắc chắn phải quản lý. Đã là nhà nước thì phải có chức năng quản lý, chứ không thể ai muốn vào thì vào. Bỏ hộ khẩu sẽ đơn giản hoá thủ tục nhưng không có nghĩa là bỏ quản lý.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an sẽ có họp báo để thông tin đầy đủ và trả lời tất cả những câu hỏi xung quanh việc bãi bỏ hộ khẩu.