"Từ nhỏ bé Đào Ngọc Minh đã nhát nước đến nỗi chỉ dám lội những chỗ đến mắt cá chân. Buổi đầu đi học bơi hồi năm lớp 1, thằng bé gào khóc, hét to và không hợp tác", anh Đào Thanh Phương, bố của bé Ngọc Minh, kể.
Từ buổi học bơi thứ hai của con, anh Phương phải đi cùng. Song vì sợ, đến giờ đi bơi là Minh trốn, có hôm chui vào tủ quần áo không chịu ra. Bố đưa đi thì khóc dữ dội, hai chân con run cầm cập khi đứng trước bể. Nhưng ông bố trẻ không khoan nhượng với nỗi sợ của con vì theo anh, trẻ con dưới tuổi 12 cần nhất là phải được hướng đến vận động để có sức khỏe.
Từ chỗ thuê thầy dạy bơi, anh Phương trở thành người dạy chính của con. Đến buổi thứ 10, Minh tự bơi được, song chậm, quãng ngắn chỉ 3-5 mét và không hề hào hứng. Người cha kèm con bơi ngang bể, sau đó dọc bể. Dần dần hai bố con bơi với nhau từ bể 25 mét lên 50 mét.
Suốt mùa hè năm 2019, Minh theo chân bố tập luyện khắp các bể ở thành phố. Khi bố khoán thành tích, em sẽ cố gắng hoàn thành để nhận về một món quà nào đó. Sang lớp 2, Minh đã bơi một mạch được 7-10 vòng bể. Đi bơi là hoạt động gần như mỗi ngày của bé.
Bốn tháng trước, anh Phương và con trai tham gia một câu lạc bộ thể thao trên địa bàn. Hội có từ trước song ít hoạt động. Anh Phương khuấy động phong trào bằng cách rủ các gia đình có con nhỏ cùng đi bơi ở các hồ trong tỉnh. Ông bố hai con nghĩ, để thật sự làm chủ kỹ năng bơi lội, lũ trẻ cần phải được rèn luyện ngoài môi trường tự nhiên.
Lần đầu tiên ra hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), đứng trước không gian rộng lớn, bé Ngọc Minh choáng ngợp, "mặt cắt không còn giọt máu". Anh Phương ước lượng đường bơi 500 mét vừa sức con, trang bị đầy đủ kính, mũ và buộc phao theo người hỗ trợ. Ông bố bơi trước một quãng để con bám theo, nhưng được 1/3 đường thì bé sợ nước, bơi dạt vào bờ theo các bạn.
"Con không được bỏ cuộc. Có bố bơi cùng con mà", anh Phương từ dưới hồ nói vọng lên. Cậu bé nghe lời bố xuống nước, tiếp tục bơi đến đích theo hình tam giác. Người cha lúc bơi bước, lúc bơi sau khích lệ.
"Lượt về con khoái chí bơi một mạch 500 m không nghỉ. Lên tới bờ, được mọi người khen bơi dài nhất, con càng thêm vui. Về nhà, con tíu tít khoe với mẹ, với em", anh Phương nhớ lại.
Sau trải nghiệm này Ngọc Minh gan dạ lên thấy rõ. Quay trở lại bể bơi, em lấy can đảm nhảy xuống bể sâu 1,8 mét theo "mệnh lệnh" của bố. Cậu bé bảo: "Cháu biết bơi rồi nên không chìm được, lại tự bơi vào thành bể. Từ hôm đó cháu không còn sợ chỗ sâu nữa".
Sau hai lần bơi ở hồ Núi Cốc, bố con anh Phương cùng các gia đình khác chuyển sang hồ Quán Chẽ (Thái Nguyên). Lần này anh không cho con xuống nước, dù những đứa trẻ khác đều xuống. Trong lòng ông bố nghĩ "nếu con thực sự muốn sẽ lên tiếng". Pha thử lòng nhanh chóng hiệu nghiệm, cậu bé "ngứa chân tay" liền chủ động xin được xuống hồ vẫy vùng. Lần này anh Phương vẫn bơi cùng con và dạy cho con kỹ năng ôm phao nghỉ ngơi khi mệt.
"Khi con chủ động xin được xuống nước, tôi xem đây là một thành công. Bởi vì bơi ngoài hồ có nhiều nỗi sợ hãi vô hình, con không chỉ rèn được độ bền sức khỏe, còn rèn được cả ý chí", anh Phương cho hay.
Tuần trước, câu lạc bộ tổ chức chèo sub và bơi ở Na Hang (Tuyên Quang) - hồ thủy điện với diện tích lòng hồ hơn 8.000 ha, độ sâu 70 mét, hai bên bờ là rừng nguyên sinh hùng vĩ, ghềnh đá tự nhiên như "Hạ Long trên cạn". Ngọc Minh bơi một mạch được 1,5 km và vẫn còn sức để chèo sub với mọi người.
Anh Hoàng Trung Kiên, 38 tuổi, một thành viên trong câu lạc bộ cho biết, Ngọc Minh nhỏ tuổi nhất trong số những đứa trẻ của hội, song "bơi tốt, bạo dạn". "Cậu bé chủ động xin xuống bơi ở cái hồ rộng mệnh mông nhìn điểm cuối còn không rõ. Biết bơi nhưng để xuống được hồ tự nhiên bơi và còn bơi đường dài là cả một sự can đảm. Bé có được điều này là nhờ được bố truyền cảm hứng", anh Kiên cho hay.
Sau một mùa "khổ luyện", Ngọc Minh da ngăm đen, khỏe khoắn và cao trội hơn hẳn. Cậu bé đã biết bơi đường dài sinh tồn trong điều kiện sông nước, ao hồ. Từ sự va chạm thiên nhiên, hòa đồng với mọi người, cậu bé cũng tự tin hơn ở trên lớp.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình bơi, anh Phương luôn trang bị kính, mũ và đồ ăn có năng lượng cho con trước khi xuống nước. Một chiếc phao được buộc dây vào người luôn cần thiết khi bơi đường dài, phòng tránh đuối nước. Mỗi chuyến đi bơi khám phá của hội bao giờ cũng có thuyền sub đi theo hỗ trợ để đảm bảo an toàn.
Anh Phương dự định sẽ tập luyện cả mùa đông. Hai bố con sẽ trải nghiệm thêm nhiều chuyến xa hơn để con có tuổi thơ tránh xa phố phường đông đúc và gần gũi thiên nhiên.
"Như bao cha mẹ khác tôi cũng lo khi rèn con kiểu này, song yêu con đúng cách là từ từ buông cho con lớn. Hành trình đã qua cho thấy rõ, con tôi luôn thấy sau lưng, trước mặt hoặc bên trái, bên phải mình là bố và như thế con không còn sợ gì nữa", anh Phương bộc bạch.