Theo Huffington Post và Washington Times, báo cáo của OpenTheBooks.com được đưa ra dựa trên việc phân tích các thông tin về sử dụng ngân sách liên bang mới được công bố gần đây, trong đó tập trung vào việc chi tiêu của các cơ quan liên bang Mỹ trước ngày 1/10 – ngày mà ngân sách liên bang phân bổ cho các cơ quan sẽ hết hạn, hay nói cách khác là thời điểm mà nếu những cơ quan liên bang Mỹ không sử dụng hết ngân sách được phân bổ sẽ phải bàn giao lại số tiền thừa.
Kết quả phân tích cho thấy, chỉ trong tháng 9 của năm 2018, các cơ quan liên bang của Mỹ đã chi đến 97 tỉ USD để giải ngân các hợp đồng, trong đó, chỉ tính riêng trong tuần cuối cùng của tháng 9, tổng số tiền mà các cơ quan này đã chi lên đến 53 tỉ USD. Điều này có nghĩa là số tiền chi trả của các cơ quan liên bang Mỹ trong 7 ngày cuối cùng của tháng 9/2018 đã nhiều hơn tổng số tiền 47 tỉ USD chi trong cả tháng 8.
“Trong tháng cuối cùng của năm tài khóa, các cơ quan liên bang vội vã chi số tiền còn lại trong ngân sách hàng năm của họ. Các cơ quan đó lo rằng nếu chi hết ít tiền hơn so với ngân sách được giao có thể sẽ khiến Quốc hội phân bổ cho họ ít tiền hơn trong năm tài khóa tiếp theo. Để tránh điều đó, các cơ quan liên bang đã chọn mua sắm hàng loạt thay vì thừa nhận rằng họ có thể hoạt động với ngân sách ít hơn số được phân bổ”, OpenTheBooks.com nhận định.
Trong số đó, theo trang web trên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi nhiều nhất trong tháng cuối cùng của năm tài khóa 2018. Phần lớn số tiền đều được chi trả cho các hợp đồng lớn như mua sắm vũ khí, sửa chữa máy bay… Tuy nhiên, Bộ này cũng bị cho là đã chi tới 2,3 triệu USD mua cua và 2,3 triệu USD mua tôm hùm. Huffington Post cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã không trả lời ngay khi tờ báo này đặt câu hỏi về việc chi quá nhiều tiền mua hải sản như vậy.
Ngoài Bộ Quốc phòng Mỹ, OpenTheBooks.com cũng đã phân tích thông tin về việc chi tiêu tại Bộ Y tế và dịch vụ chăm sóc con người, Bộ Các vấn đề cựu chiến binh và Văn phòng điều hành của Tổng thống. Kết quả cho thấy, ở các cơ quan này, việc chi tiền cho các loại thực phẩm đắt đỏ khá phổ biến. Trong đó, họ chi đến gần 300.000 USD mua bít tết và gần 25.000 để mua kẹo thanh.
Các nghị sỹ Mỹ, trong đó có có các Thượng Nghị sỹ đảng Cộng hòa Ron Johnson và Rand Paul, Nghị sỹ đảng Dân chủ Gary Peters, cựu Thượng Nghị sỹ Claire McCaskill đã viết thư gửi tới hơn 10 cơ quan liên bang của Mỹ để bày tỏ sự phản đối trước việc chi tiêu quá mức có thể xảy ra do chính sách “tiêu dùng hoặc mất”.
“Dù đây không phải là hiện tượng mới nhưng chính sách không tiêu thì mất có thể dẫn tới việc chi tiêu lãng phí và lạm dụng tiền đóng thuế của người dân”, các nghị sỹ trên trong một bức thư chung vào tháng 8/2018 nhấn mạnh. Ủy ban về Các vấn đề an ninh nội địa và chính quyền của Mỹ cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về nguy cơ lãng phí và lạm dụng chính sách này.