Thương hiệu "Rau sạch Đại ngàn"
Kể cho chúng tôi nghe về hành trình đến với vùng đất Yên Bình lập nghiệp, bà Hoa cho biết đó là một hành trình dài, một cái duyên đã đưa đẩy bà tìm đến vùng đất trù phú, nguyên sơ mà tạo lập nên cơ nghiệp có giá trị cho gia đình, cho xã hội như ngày hôm nay.
Cách đây hơn 12 năm, khi đang công tác tại một ngân hàng lớn ở trung tâm thành phố, sự nghiệp cũng đang trên đà thăng tiến nhưng nhiều áp lực khiến bà mệt mỏi, đau ốm triền miên.
Sau nhiều năm thổn thức, bà quyết định từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước, tìm một hướng đi mới cho cuộc đời mình với nghề nông nghiệp. Ngày nộp đơn nghỉ việc, ai cũng can ngăn, nhưng bà Hoa vẫn quyết tâm thay đổi cuộc đời mình.
Năm 2007, bà Hoa rời thành phố để đến xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) để bắt đầu trở thành nông dân. Ban đầu, bà chỉ mua một khu đất nhỏ để nuôi trồng, sau thấy vùng đất này nhiều tiềm năng để phát triển, bà quyết định đi tìm hiểu các mô hình nông nghiệp, học hỏi các chuyên gia để xây dựng một trang trại với quy mô lớn.
“Ban đầu, mình chỉ nuôi trồng để lấy thực phẩm sạch phục vụ cho gia đình nhưng rồi quá trình tìm hiểu, chăm sóc vật nuôi, cây trồng khiến mình đam mê nông nghiệp lúc nào cũng không hay. Nhưng khi bắt đầu, khát khao lớn nhất của tôi là xây dựng được một mô hình thực phẩm sạch.
Khát khao đó xuất phát từ việc chứng kiến, nhìn thấy người thân và những người xung quanh phải sử dụng những thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa, có các chất kích thích sinh trưởng… có khả năng gây ra những căn bệnh quái ác”, bà Hoa nói.
Sau hơn 12 năm xây dựng và phát triển, hiện trang trại có diện tích gần 60 ha, trong đó, lợn rừng giống sinh sản và thương phẩm với quy mô hơn 1000 con, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 10.000 lợn giống và hàng tấn lợn thương phẩm cho thị trường Hà Nội.
Bên cạnh đó, bà Hoa cũng trú trọng trồng rau hữu cơ, với chủng loại phong phú, ngoài các loại rau thông thường, bà Hoa đã nghiên cứu trồng và phát triển các giống rau rừng, rau đặc sản như: Rau sắng (Ngót rừng), rau Bò Khai (Dạ hiến), rau Mỏ, rau Sau Sau, rau Dền chua đỏ, rau Dớn, rau Báng (Páng)... tất cả đều mang thương hiệu "Rau sạch Đại ngàn" trên diện tích hơn 10 ha.
Không chỉ chăn nuôi, trồng rau hữu cơ, bà Hoa còn trồng các loại thảo dược, các loại cây trái, rau quả để bảo tồn nguồn gen quý của Việt Nam... đồng thời để đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Hoa Viên được đánh giá cao về mô hình nông nghiệp hữu cơ. |
Sự phát triển của trang trại Hoa Viên không những tạo nên nguồn cung thực phẩm sạch cho thị trường, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng/ năm, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Hiện tại, vào dịp thu hoạch, Trang trại Hoa Viên có khoảng 100 nhân công, trong đó phần lớn là các lao động ổn định, được đóng bảo hiểm và có mức thu nhập ổn định.
Xây dựng quy trình sản xuất khép kín
Những năm gần đây, trang trại Hoa Viên trở thành địa điểm thăm quan, học hỏi xây dựng mô hình nông trại hữu cơ. Trang trại xây dựng được một mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt hiệu quả cao, với quy trình sản xuất khép kín, không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi. Đó là điều không phải trang trại nào cũng làm được.
Bà Hoa cho biết, khi bắt đầu làm trang trại, đã xác định xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ là hướng đi có tính bền vững, lâu dài, không chỉ cung cấp những sản phẩm có lợi cho sức khỏe mà còn giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường và cân bằng tự nhiên.
Để làm được điều đó, bà Hoa đã vận dụng nhuần nhuyễn điều kiện tự nhiên của vùng để chăn nuôi để xây dựng một vòng tuần hoàn, khép kín.
Bắt đầu từ việc chăn nuôi, trang trại Hoa Viên nuôi lợn rừng bằng cách chăn thả bán hoang dã, tự thích nghi với tự nhiên. Trong quá trình chăn nuôi, không sử dụng thức ăn tổng hợp, không kích thích tăng trưởng mà bằng nguồn thức ăn chủ yếu từ rau, củ, quả do trang trại trồng.
Để phòng tránh bệnh cho lợn, trang trại sử dụng chế phẩm vi sinh để lên men thức ăn, các kháng sinh tự nhiên từ cây thuốc Nam: Gừng, tỏi, sài đất, khổ sâm, mía dò, lược vàng, hoàn ngọc, ngũ sắc, nhọ nồi, cỏ xước... Nguồn thảo dược này cũng được trồng trong trang trại để giảm chi phí và tăng năng suất.
Nước thải vệ sinh chuồng trại được xử lý bằng phương pháp bioga. Chất thải rắn được sử dụng để nuôi giun quế. Phân giun quế dùng để trồng rau hữu cơ. Thịt giun quế dùng để bổ sung chất dinh dưỡng cho lợn rừng. Đây chính là cơ sở nền tảng để phát triển sản xuất rau hữu cơ ở Trang trại Hoa Viên.
Nguyên tắc “5 không” chiếm trọn niềm tin
Để mang đến người tiêu dùng những nông sản hữu cơ, đồng nghĩa với việc quy trình sản xuất rau của trang trại phải loại bỏ hoàn toàn các thành phần hóa học ra khỏi khâu sản xuất. Vì vậy, bà Hoa luôn xác định rõ 5 tiêu chí cho các sản phẩm: không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không chất biến đổi gen và không chất kích thích sinh trưởng.
Trang trại Hoa Viên trở thành địa điểm tham quan, học hỏi xây dựng mô hình nông trại hữu cơ. |
Do đó, tất cả các công đoạn sản xuất từ làm cỏ, bắt sâu, chăm bón trang trại đều phải hoàn toàn tự nhiên. Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ như đối với cây trồng khác, những công nhân của trang trại làm cỏ bằng phương pháp thủ công.
Chia sẻ về nguyên tắc này, bà Hoa cho biết, trước khi bắt đầu trồng rau sạch, chúng tôi chủ động để cho thảm thực vật ở đây được phát triển một cách tự nhiên, các loài động vật và côn trùng được tự do phát triển, thậm chí chúng tôi còn nuôi thêm cóc, thằn lằn, kỳ nhông, chim sâu để bắt sâu bướm gây hại.
Sử dụng chính các loại côn trùng là thiên địch của nhau để loại trừ những loại côn trùng phá hoại. Chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học theo kinh nghiệm dân gian như gừng, ớt, tỏi, giềng… để diệt sâu bọ phá hoại rau, củ, quả.
Bà Hoa cũng cho hay, chính vì không sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cho trồng trọt và được chăm sóc theo đúng các quy trình sản xuất rau hữu cơ nên thời gian sinh trưởng của rau, củ, quả lâu hơn so với các loại rau, củ, quả khác trên thị trường được chăm bón bằng các loại chất kích thích. Tuy nhiên, đổi lại, các loại rau, củ, quả được chăm sóc, trồng trọt tại đây có chất lượng, hương vị thơm ngon tự nhiên và giàu chất dinh dưỡng hơn so với các loại rau khác.
Theo bà Hoa, các sản phẩm của trang trại đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn IFOAM Norm For Organic Production (Tổ chức Các phong trào Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế) và được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao.
Với tín nhiệm của khách hàng, hiện nay sản lượng rau hữu cơ của Hoa Viên mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn các loại. “Rau được hái lúc 5h sáng và vào nội thành khoảng 9h sáng và chỉ sau 1 tiếng là đã hết hàng”, bà Hoa nói.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Yên Bình - Nguyễn Giáp Dần cho biết, từ ngày có trang trại Hoa Viên tại Yên Bình, đời sống của người nông dân hai xã trên đã được cải thiện rõ rệt. Trang trại hiện đang sử dụng hàng trăm lao động thường xuyên, trong đó đa số là lao động nữ với mức thu nhập ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Phải khăng định rằng, những thành công ban đầu của trang trại đã làm đẹp thêm hình ảnh nông thôn mới ở Yên Bình.