Theo Bộ NN&PTNT, Luật Chăn nuôi 2018 quy định quản lý nuôi chó, mèo, chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định pháp luật về thú y.
Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở; thực hiện xử lý theo quy định pháp luật về thú y. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo pháp luật.
Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT quy định chủ nuôi chó, mèo (từ 1 con trở lên) phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã. Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
Bộ NN&PTNT cho rằng mặc dù pháp luật nước ta đã có quy định quản lý nuôi chó, mèo; nhưng các quy định đang rất chung chung, chưa có sự phân biệt, quy định cụ thể về nuôi chó giữ nhà hay nuôi chó cảnh.
Trong khi tình trạng chó nhà tấn công, cắn chết người đã và đang xảy ra tại Việt Nam những năm gần đây gây bức xúc trong dư luận, hoang mang cho người dân.
Một số nước trong khu vực và trên thế giới đã ban hành các quy định, điều kiện nghiêm ngặt về sở hữu và nhập khẩu một số loài chó dữ. Một số nước khác còn ban hành danh sách các giống chó dữ cấm nuôi.
Hơn nữa, bên cạnh nuôi làm cảnh, một số đàn chó, mèo ở nước ta vẫn đang được người dân nuôi với mục đích lấy thịt. Việc nuôi tập trung số lượng lớn đàn chó, mèo với mục đích lấy thịt trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân xung quanh.
Một số địa phương đã có văn bản gửi Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề nghị giải quyết. "Điều 66 Luật Chăn nuôi quy định về quản lý nuôi chó, mèo không giao thẩm quyền cho Bộ NN&PTNT quy định chi tiết điều này. Trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi đang đề xuất xây dựng văn bản quy định để siết chặt quản lý đối với hoạt động nuôi chó, mèo, bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh, hiệu lực và hiệu quả của pháp luật", Bộ NN&PTNT thông tin.
Theo báo cáo mới đây của Sở NN&PTNT TP HCM, địa phương có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi tại hơn 105.000 hộ. Trong đó có hơn 29.000 con chó lai, hơn 26.000 chó ngoại và hơn 121.000 chó ta, chiếm gần 67% tổng đàn.
Theo báo cáo, nhiều trường hợp chó gây ồn ào, ô nhiễm môi trường, vệ sinh nơi công cộng, chó tấn công người, chạy ra ngoài đường gây tai nạn giao thông.
Cùng với đó, tại TP HCM, thời gian qua phát sinh một số hộ dân nuôi chó với số lượng lớn, gây mùi hôi, tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực, phát sinh đơn thư khiếu nại kéo dài, chưa giải quyết được dứt điểm.
Tháng 3/2024, Sở NN&PTNT có những đề xuất quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP, trình UBND TP xin ý kiến. Dự thảo đề xuất người dân phải đăng ký và kê khai việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã. Dự thảo cũng đề xuất hạn chế nuôi các giống chó to con, bản tính hung dữ như chó pitbull.