Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) và Cục An ninh kinh tế Nông, lâm, ngư nghiệp (A86) tổ chức Đoàn kiểm tra, xác minh thông tin ớt bột nhiễm Aflatoxin có thể gây ung thư.
95/262 mẫu ớt vượt ngưỡng dư lượng
Theo đó Thanh tra Bộ này đã thành lập 2 Đoàn kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh ớt bột của 11 tỉnh, thành phố, đại diện cho cả 3 vùng gồm: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa–Vũng Tàu, Bình Phước.
Nội dung kiểm tra tập trung vào điều kiện bảo quản ớt khô nguyên liệu, ớt bột khô sau chế biến tại cơ sở sản xuất và ớt bày bán tại cơ sở kinh doanh (các chợ và siêu thị) và tiến hành lấy mẫu phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm Aflatoxin B1 và Aflatoxin tổng số.
Đoàn kiểm tra đã tổ chức kiểm tra 03 đợt lấy mẫu (đợt 1: Từ 17-26/01/2018, đợt 2: từ 01-04/02/2018 và đợt 3 từ 07-08/3/2018) lấy 262 mẫu ớt bột, ớt khô nguyên liệu tại các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong chợ dân sinh và siêu thị.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Q. Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, kết quả phân tích mẫu cho thấy: Số mẫu vượt ngưỡng dư lượng Aflatoxin cho phép là 95 mẫu/262 mẫu, chiếm 36,25 %. Trong đó: Tại cơ sở sản xuất, kho bảo quản chiếm 30,7 %, tại hộ kinh doanh trong chợ chiếm 48,6 %, tại siêu thị chiếm 21,62%.
Về nguyên nhân, ông Tiến cho biết: Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh ớt bột khô là quy mô hộ gia đình, điều kiện chế biến, bảo quản không đảm bảo dẫn tới có độc tố vi nấm Aflatoxin trong sản phẩm ớt bột. Người sản xuất và kinh doanh thiếu hiểu biết về quy trình sản xuất, bảo quản để không tạo độc tố.
“Hơn nữa, nhiều địa phương có độ ẩm cao, mưa nhiều, không có thiết bị sấy, chủ yếu phơi tự nhiên, bao gói sơ sài dẫn đến ớt bột thường bị nhiễm nấm mốc Aspergillus flavus, Aspergillus parasiticus, đây là nguyên nhân chính sinh ra độc tố Aflatoxin”- Q.Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Xử lý hàng loạt cơ sở vi phạm
Cũng theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, các cơ quan chuyên trách của Bộ NN&PTNT đã phối hợp với A86 đã xử lý đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh ớt bột có vi phạm.
Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất chưa đảm bảo điều kiện sản xuất như không có phòng bảo ôn hoặc hút ẩm (theo TCVN 2080: 2007 - Ớt Chilli và ớt Capsicum, nguyên quả hoặc xay (dạng bột) thì độ ẩm bảo quản ớt bột là 11%), Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay điều kiện sản xuất rồi mới được sản xuất tiếp.
Đoàn cũng đã tiến hành kiểm tra 5 Công ty nhập khẩu và kinh doanh ớt bột. Kết quả cho thấy, mặc dù có Giấy chứng nhận sản phẩm đảm bảo ATTP nhưng Phiếu kết quả kiểm nghiệm trong thời gian 06 tháng hoặc 01 năm, trong khi đó có rất nhiều lô hàng được nhập về trong thời gian này, cơ sở không rút mẫu kiểm tra chất lượng trong đó có chỉ tiêu độc tố nấm mốc Aflatoxin.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở nghiêm túc xem xét lại khâu bảo đảm điều kiện sản xuất, điều kiện bảo quản theo quy định pháp luật; kiểm tra, giám sát chất lượng từng lô hoặc kiểm tra xác xuất đối với ớt bột nói riêng và các hàng nông sản có nguy cơ lây nhiễm nấm mốc nói chung để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nòi giống người Việt Nam.
“Đoàn đã lập biên bản VPHC đối với 05 cơ sở sản xuất, nhập khẩu có vi phạm và trình Chánh thanh tra ban hành 05 Quyết định XPVPHC với số tiền 110 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm còn tồn trên thị trường và chịu mọi kinh phí cho việc thu hồi và tiêu hủy hàng vi phạm. Đồng thời chúng tôi cũng thông báo cho BQL các chợ tiến hành xử lý và đình chỉ kinh doanh những sản phẩm ớt bột có Aflatoxin vượt ngưỡng”- ông Tiến cho hay.
Để triển khai kế hoạch giám sát chủ động chỉ tiêu Aflatoxin, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý đối với cơ sở chế biến có mẫu phát hiện vi phạm; thông báo cho cơ quan kiểm tra của Bộ Công thương đối với mẫu lấy tại chợ, siêu thị có mẫu phát hiện vi phạm để xử lý theo quy định.
Được biết, mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý gia vị, ớt bột và các mặt hàng nông sản có nguy cơ lây nhiễm nấm mốc (lạc, đậu, vừng, hạt tiêu, hạt điều…), trong đó chú trọng công tác thanh, kiểm tra điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản ớt nguyên liệu, ớt bột.