Đảm bảo thanh tra có trọng tâm, trọng điểm
Theo Bộ Nội Vụ, mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu Thanh tra Bộ, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về thanh tra, gắn với việc tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ. Hoạt động thanh tra vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, vừa bám sát, đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước của ngành Nội vụ; tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thanh tra.
Hoạt động thanh tra tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đồng thời chú trọng việc thực hiện có hiệu quả các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra. Tiếp tục đổi mới phương pháp tiến hành thanh tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, bảo đảm tiến độ các cuộc thanh tra theo đúng quy định pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
Theo đó, trong quý I/2023, Thanh tra Bộ Nội vụ chủ trì tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tại Thông tấn xã Việt Nam. Cùng với đó, Thanh tra Bộ sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức; tiếp nhận vào làm công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý tại UBND các tỉnh Lào Cai, Hà Nam, Lai Châu.
Quý II/2023 sẽ công bố thanh tra về tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Phú Yên, Bạc Liêu, Bình Định, Tiền Giang.
Trong các quý còn lại của năm, Thanh tra Bộ Nội vụ sẽ thanh tra việc việc tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý, nghỉ hưu đối với viên chức tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; tuyển dụng công chức, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính).
Cùng với đó, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng tiến hành thanh tra việc tuyển dụng công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương; công tác phòng, chống tham nhũng tại Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ.
Ngoài ra, trong quý III, IV của năm 2023, Bộ Nội vụ cũng thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức; tiếp nhận vào làm công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; nâng ngạch công chức tại UBND các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Sóc Trăng, Tây Ninh, Cao Bằng.
Thực hiện đầy đủ việc công bố kết luận thanh tra
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì tiến hành các cuộc thanh tra chuyên ngành về công tác thi đua, khen thưởng tại UBND thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Long An; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì tiến hành các cuộc thanh tra chuyên ngành về công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại UBND tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Bình, Đồng Nai, Lạng Sơn, Yên Bái, Đắk Nông, Kiên Giang.
Bộ Nội vụ nêu rõ: Đối với các cuộc thanh tra thuộc thẩm quyền, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra theo quy định.
Đối với cuộc Thanh tra do Thanh tra Bộ thực hiện, Chánh Thanh tra Bộ chỉ đạo việc tổ chức công bố quyết định thanh tra; làm việc với lãnh đạo cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra về kết quả thanh tra khi kết thúc thanh tra trực tiếp; chỉ đạo xây dựng Kết luận thanh tra và gửi lấy ý kiến tham gia của đối tượng thanh tra, trình Lãnh đạo Bộ phụ trách Thanh tra Bộ xem xét cho ý kiến trước khi ký ban hành; tổ chức việc công bố kết luận thanh tra. Trường hợp cần thiết có thể ủy quyền cho Trưởng đoàn thanh tra công bố kết luận thanh tra.
Chánh Thanh tra Bộ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ xem xét, quyết định kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đối với các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị tại kết luận thanh tra do Thanh tra Bộ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành.