Nhiều kết quả nổi bật
Năm 2023, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp, đồng thời, bám sát mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương. Việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra; công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục có nhiều đổi mới, hiệu quả cao hơn.
Kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được đánh giá cao; công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả; Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng, vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công tác THADS đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước. Công tác TGPL có nhiều kết quả ấn tượng, nhất là việc thiết lập cơ chế trực TGPL trong điều tra hình sự trên toàn quốc, số vụ việc TGPL tố tụng cao nhất từ trước đến nay. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế có nhiều dấn ấn quan trọng. Công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực phục vụ trực tiếp cho công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp… Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương
Còn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là sự tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn …, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành sát sao, kịp thời, quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của chính quyền các địa phương, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác, bám sát phương châm hành động nhiệm kỳ, từng năm của Chính phủ, của chính quyền các địa phương, công tác tư pháp tiếp tục đóng vai trò then chốt, có vị trí quan trọng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước và của từng địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, người dân.
Công tác tư pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, hệ thống pháp luật của nước ta tiếp tục được hoàn thiện; kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; chất lượng hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật được nâng cao; quy trình xây dựng VBQPPL tiếp tục được đổi mới; Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đạt được nhiều kết quả ấn tượng; Công tác thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính tiếp tục được quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác PBGDPL tiếp tục được đổi mới; Tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức Hệ thống THADS được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng chuyên nghiệp; kết quả thi hành án hằng năm đều tăng, đạt và vượt chỉ tiêu được giao; Việc triển khai các nhiệm vụ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp đạt được nhiều kết quả ấn tượng; Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản lý thanh lý tài sản tiếp tục được đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác phối hợp TGPL đạt được nhiều kết quả nổi bật; Tổ chức bộ máy, biên chế được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn mới; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống tư pháp đạt được nhiều kết quả nổi bật; Công tác pháp luật quốc tế ngày càng khẳng định được vị thế, có vai trò quan trọng đảm bảo yêu cầu pháp lý trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Công tác hợp tác quốc tế về pháp luật ngày càng được mở rộng với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thi hành pháp luật và cải cách tư pháp và từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành
Định hướng công tác đến hết nhiệm kỳ, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của Bộ, ngành Tư pháp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong những năm qua; Tiếp tục tham mưu thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Quốc hội; tập trung nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW; tổ chức công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn với xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm; chú trọng truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục quan tâm PBGDPL cho đối tượng đặc thù; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, bảo đảm tăng cường tiếp cận pháp luật cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được Quốc hội, Chính phủ giao hằng năm. Tăng cường năng lực, kỷ luật, kỷ cương đội ngũ công chức, người lao động Hệ thống THADS.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Tập trung rà soát, thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định liên quan hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gắn với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ;
Tích cực, chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong hoạt động đầu tư quốc tế; Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp địa phương; Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, ngành Tư pháp. Nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ nhằm bổ sung nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có năng lực, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Tập trung, đẩy mạnh hoạt động đầu tư công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Năm 2024, Bộ Tư pháp cũng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện.
Từ năm 2021 đến nay, Hệ thống THADS trong toàn quốc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đề ra những giải pháp nhằm giải quyết, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thu hồi tiền cho Nhà nước trong các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án. Nhờ đó, kết quả THADS từ đầu nhiệm kỳ đến nay liên tục tăng và năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, cụ thể:
Năm 2023, các cơ quan THADS đã thi hành xong 575.667 việc, tăng 36.377 việc (tăng 6,75%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 83,24% (tăng 0,74%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,74% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền: Đã thi hành xong hơn 89.505 tỷ đồng, tăng 14.264 tỷ đồng (tăng 18,96%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 46,44% (tăng 1,03%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,94% so với chỉ tiêu được giao.
Tính riêng kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 2.264 việc, tăng 369 việc (tăng 19,47%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 67,10% (giảm 2,08%) so với cùng kỳ năm 2022. Về tiền đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng, tăng 4.415 tỷ đồng (tăng 27,62%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 41,11% (tăng 4,43%) so với cùng kỳ năm 2022.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ quan THADS đã thi hành xong 1.609.462 việc, với trên 211.073 tỷ đồng. Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế: Đã thi hành xong hơn 6.856 việc, với hơn 40.488 tỷ đồng