Dưới sự điều phối của WHO, các nước thành viên được trao quyền đề xuất các biện pháp toàn diện dựa trên điều kiện thực tiễn của quốc gia, nhằm cân bằng lợi ích của các chủ thể liên quan như người hút thuốc, người không hút thuốc, nông dân trồng thuốc lá và cả Nhà nước cùng các cơ quan quản lý… Vì thế, ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan từ các nước là hết sức quan trọng.
Ưu tiên các biện pháp đẩy lùi tỷ lệ tử vong
Kể từ năm 2014, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn, đôn đốc và tập hợp các kiến nghị về việc kiểm soát thuốc lá từ Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Sự tham gia đồng bộ của các cơ quan này đóng vai trò then chốt trong việc hoàn thiện và toàn diện hóa chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá của quốc gia, hài hòa lợi ích các bên, với mục tiêu tối cao là bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Theo ước tính, tại Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Việt Nam đã tham gia COP từ rất sớm. Song, bất chấp nỗ lực nhiều năm qua, mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc vẫn chưa như kỳ vọng.
Hệ quả là đến nay Việt Nam vẫn là một trong những nước tiêu thụ thuốc lá cao trong khu vực. Tỷ lệ bệnh tật gia tăng cùng các vấn nạn khác trở thành gánh nặng cho ngành Y tế và xã hội. Do đó, các chuyên gia kêu gọi sự chủ động kịp thời của các bộ, ngành để đưa ra chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả, bao gồm việc giải quyết triệt để lỗ hổng pháp lý đối với thuốc lá mới.
Vượt ra phạm vi trong nước, với sự phản ánh thực tế, chân thật và chuyên môn từ những bộ, ngành liên quan, Việt Nam sẽ mang đến một tiếng nói tích cực, hài hòa, có sức ảnh hưởng đối với các chính sách kiểm soát thuốc lá trước cộng đồng quốc tế tại COP10 tới đây.
Phiên bế mạc COP9 - kỳ họp COP gần nhất. (Ảnh: M.N) |
Pháp luật bình đẳng và công bằng với mọi đối tượng, kể cả người hút thuốc
Hút thuốc lá đã được xác định là nhu cầu xã hội, kinh doanh thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, được pháp luật bảo vệ. Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã xác định và tôn trọng các quyền hợp pháp của người dân. Trên nguyên tắc đó, người hút thuốc hay giới trẻ đều cần được bảo vệ như nhau.
Do đó, các chuyên gia quốc tế tăng cường kêu gọi Chính phủ các nước cần xem xét đến các biện pháp giảm tác hại cho người hút thuốc với những lợi ích thực tiễn đã được chứng minh. Bên cạnh những loại dược phẩm nicotine thay thế như kẹo ngậm nicotine, miếng dán nicotine, xịt nicotine... còn có các sản phẩm thuốc lá mới đang phổ biến trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, thuốc lá mới chưa được đưa vào quản lý, tràn lan trên thị trường buôn lậu từ nhiều năm qua, dẫn tới nhiều vấn nạn cho xã hội. Do vậy, tại nhiều cuộc thảo luận chính thức của các bộ, ngành, nhiều chuyên gia đều cho rằng, cần sớm ban hành khung pháp lý để quản lý thuốc lá mới.
Các sản phẩm thuốc lá mới trên trang web chính thức của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). |
Phát biểu tại tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện quản lý ngay theo luật hiện hành” do Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam nêu ý kiến, cơ quan chức năng có nhiệm vụ bảo vệ người hút thuốc thông qua việc kiểm soát hàng hóa chính ngạch, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả.
Bà Lan nhấn mạnh: “Nếu đã gọi là thuốc lá thì dù truyền thống hay thế hệ mới cũng đều cần được phòng, chống tác hại. Đối người tiêu dùng, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức, giúp họ nhận biết tác hại. Khi biết là có hại nhưng họ vẫn chọn sử dụng thì đó là quyền tự do cá nhân. Cuối cùng, quyền tiếp cận thuốc lá vẫn là quyền hợp pháp”.
Đại diện một số bộ, ngành lại phân tích, việc kiểm soát buôn lậu khó khăn bởi tính chất đường mòn lối mở của địa hình Việt Nam; hơn nữa, khung pháp lý để quản lý thuốc lá mới đã có sẵn. Do đó, cấm không phải là biện pháp khả thi. Để cân bằng giữa những quan ngại và nhu cầu kiểm soát tất cả các loại mặt hàng thuốc lá, giải pháp thận trọng là thí điểm có thời hạn với thuốc lá mới.
COP được tổ chức 2 năm 1 lần với sự tham gia của 195 nước thành viên WHO. Đây là nơi các quốc gia thảo luận về đa dạng biện pháp kiểm soát thuốc lá, bao gồm thuế, bao bì, dán nhãn cảnh báo, kiểm soát buôn lậu, thương mại, phân phối và quảng cáo… với mục tiêu tiên quyết là tối thiểu hóa tỷ lệ thương vong do thuốc lá gây ra trong cộng đồng. Đồng thời, mỗi nước đều có quyền đưa ra biện pháp quản lý thuốc lá linh hoạt dựa trên điều kiện thực tiễn.