Chiều qua (21/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2020.
Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về chi cải cách tiền lương, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Bên hành lang Quốc hội sáng nay (22/10), đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội – cho rằng việc tăng 7,33% là đúng tinh thần nghị quyết về cải cách tiền lương.
“Vấn đề là Chính phủ cân đối ngân sách cải cách tiền lương từ đâu. Đây là vấn đề quan trọng. Ngoài những đề xuất nói rằng giảm chi hành chính, tiết kiệm, tăng nguồn thu ngân sách, Chính phủ phải lưu ý là chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 18 về đổi mới bộ máy hệ thống chính trị, Nghị quyết 19 về đổi mới các đơn vị các sự nghiệp công lập, phải chuyển được công chức, viên chức ra khỏi bộ máy để cải cách tiền lương. Ví dụ như ngành y tế giảm được 25.000 biên chế, tiết giảm phần kinh phí ngân sách trung ương chi trả là hơn 2.100 tỉ và dùng nguồn đó để chi cải cách tiền lương”, đại biểu Lợi nói.
Cũng theo đại biểu Lợi, thực hiện được nâng mức lương cơ sở cho khối hành chính vào năm 2020 thì chúng ta sẽ có cơ hội để cải cách tiền lương vào năm 2021.
Bởi, theo báo cáo của Chính phủ tiến độ sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức bộ máy chính trị của chúng ta là rất chậm và hiệu quả chưa cao.
“Bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách không chịu nổi, chúng ta sẽ lạm phát về tiền lương. Tiền lương là chi trả theo sức lao động và phải cân đối với cung - cầu hàng hóa trên thị trường. Nếu tăng lương mà giá tăng lên thì tăng lương không có ý nghĩa. Cho nên tôi cho rằng muốn cải cách chính sách tiền lương, hơn 1 năm nữa thôi, chúng ta phải nhanh chóng, tích cực giảm nhẹ bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm; cần phải tự chủ về cả tài chính, bộ máy, cả biên chế, để tự lo tiền lương”, ông Lợi nói thêm.
Theo tính toán của Ủy ban Kinh tế, với đề xuất tăng lương vào năm sau, chúng ta sẽ phải dùng đến 40% khoản tăng thu của ngân sách địa phương, 50% khoản tăng thu của ngân sách trung ương.
Đại biểu Lợi cho rằng việc này chắc chắn sẽ đe dọa đến vấn đề đầu tư cho xây dựng cơ bản và hạ tầng cơ sở.
“Tuy nhiên, đầu tư cho tiền lương cũng chính là đầu tư cho phát triển và tôi nghĩ rằng trong giai đoạn hiện nay, khi tiền lương của công chức, viên chức đang thấp thì đầu tư cho tiền lương có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tạo ra hiệu suất, hiệu quả công tác hay nói cách khác tạo ra năng suất lao động. Trong giai đoạn hiện nay, việc đầu tư cho NLĐ thông qua cải cách chính sách tiền lương chính là đầu tư phát triển”, Đại biểu Lợi nhận định.
Vì vậy, theo đại biểu, “chúng ta phải chịu đựng cái này một vài năm để tạo ra động lực phát triển”.
“Nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta phải sắp xếp cho hợp lý bộ máy và phải xác định được vị trí việc làm vì hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị chưa hiểu rõ thế nào là vị trí việc làm, có khi anh đứng vào một vị trí nào đó thì anh coi là việc làm nhưng vị trí việc làm không phải chỉ là một nhiệm vụ mà vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu của toàn bộ các nhiệm vụ của chức năng mà anh đảm đương chứ chỉ một nhiệm vụ cơ bản thôi thì làm sao mà hết được thời gian làm việc của NLĐ. Cho nên việc xác định vị trí việc làm cực kỳ quan trọng”, Đại biểu phân tích.
Đại biểu Lợi cũng cho hay, hiện nay chúng ta đang sắp xếp vị trí việc làm, sắp xếp các bậc tiền lương theo quy định của Nghị quyết 27, tức là khu vực ngoài lực lượng vũ trang chỉ còn 2 bảng lương là bảng lương của chức vụ lãnh đạo và bảng lương của chuyên môn nghiệp vụ còn trong lực lượng vũ trang thì có 3 bảng lương. “Như vậy có nghĩa là chúng ta phải tập trung để xử lý các nguồn để cải cách tiền lương”, ông nhấn mạnh.
Đại biểu Lợi cũng lưu ý rằng tiền lương của một số cơ quan đơn vị thực chất đã đạt đến đỉnh cao của cải cách tiền lương của năm 2021 vì hiện nay chúng ta nói tiền lương thấp là mới nói lương cơ bản và các phụ cấp rất cơ bản, còn tổng tiền lương thu nhập về tiền lương của NLĐ rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực và khu vực viên chức đã cao hơn.
“Do đó, có thể khi cải cách chính sách tiền lương, toàn bộ các phần ngoài lương đưa vào phần cứng thì tự nhiên có thể có một số ngành, lĩnh vực sẽ không thay đổi so với thực tế tiền lương thu nhập hiện nay”, Đại biểu phân tích.
Theo Đại biểu này, đây là vấn đề hết sức quan trọng mà nếu không làm tốt tư tưởng thì “người ta có thể thấy rằng cải cách tiền lương cũng không có gì lớn”.
Còn về mặt bằng chung của công chức, viên chức, việc cải cách sẽ đạt yêu cầu công bằng, công khai và minh bạch hơn.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – nhấn mạnh đề xuất tăng lương vừa được Chính phủ trình là triển khai theo đề án tổng thể.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh. |
Đại biểu này cũng nhấn mạnh rằng phải đánh giá việc tăng lương trên nhu cầu thực tiễn hiện nay.
“Mỗi năm chúng ta mất giá, trượt giá khoảng 4%. Như vậy, hiện nay nếu có tăng lên 1,6 triệu so với 1,490 triệu đồng hiện nay thì cũng chỉ tăng 110 nghìn đồng, chỉ bù được một chút vấn đề về lạm phát. Nếu chúng ta không tăng có nghĩa đồng tiền thực tiễn của NLĐ bị mất đi do lạm phát”, Đại biểu Sinh nhấn mạnh vào cho rằng như vậy thì việc cải thiện đời sống thực sự của người làm công ăn lương cũng không được bao nhiêu.