Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Nội vụ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực để tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Chính phủ đối với các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Nội vụ. Bước đầu đã khắc phục được một số bất cập trong công tác quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), chính quyền địa phương và địa giới hành chính. Toàn ngành Nội vụ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được cấp thẩm quyền giao, đặc biệt là làm tốt nhiệm vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chủ động rà soát, cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với CCVC, được dư luận đồng tình ủng hộ và đánh giá cao…
Bên cạnh những kết quả trên, ngành Nội vụ vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Điển hình là một số bộ quản lý CCVC chuyên ngành chưa kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh công chức chuyên ngành, chức danh nghề nghiệp viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, việc sử dụng biên chế được giao chưa hiệu quả; đánh giá, phân loại CBCCVC để đưa ra khỏi bộ máy những người có năng lực hạn chế, tinh thần, thái độ làm yếu kém chưa được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện nên chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu theo các Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Tinh giản biên chế tuy vượt chỉ tiêu giảm 10%, song chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC…
Khắc phục những tồn tại trên, Bộ Nội vụ đã đề ra một loạt nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức. Xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ và các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… Thực hiện đầy đủ các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đặc biệt là công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác quản lý CCVC, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành còn bất cập so với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định, bộ máy của chúng ta hiện nay còn quá cồng kềnh trong tổ chức đầu mối bên trong. Các bộ và cơ quan ngang bộ cũng rất chồng chéo, tầng nấc. Nếu không giảm được đầu mối thì không thể tinh giản biên chế, bởi vậy việc giảm đầu mối gắn với giảm biên chế là một nguyên tắc, phải tập trung đột phá vấn đề này.
Trước mắt, vừa tập trung tinh gọn đầu mối bên trong của các bộ, ngành, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; vừa thay đổi mô hình quản lý, đẩy mạnh tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp. Bà cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế đang tồn tại của một số địa phương là việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa tạo được sự nhận thức thống nhất, đồng bộ và quyết tâm, quyết liệt.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tới đây, chúng ta “sẽ phải đột phá rất mạnh vào vấn đề sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị hành chính”. Theo đó, cũng đột phá rất mạnh vào việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Tuy nhiên, sẽ phải có đề xuất sửa đổi, bổ sung để đáp ứng được yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với giảm biên chế để đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Toàn ngành cần lưu ý bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Nội vụ và địa phương để tập trung đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát thực tiễn địa phương, cơ sở. Nếu chúng ta không dám nghĩ, dám làm, không dám đột phá thì sẽ không giải quyết được những vấn đề rất lớn mà Đảng, Nhà nước và xã hội đang mong đợi.