Bỏ mặc cha mẹ - không chỉ là vấn đề đạo đức

Luật định con cái có nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ. (Nguồn ảnh: Internet)
Luật định con cái có nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ. (Nguồn ảnh: Internet)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều trường hợp con cái làm ngơ, bỏ mặc cha mẹ vất vả mưu sinh, bệnh tật lúc cuối đời đã gây nên sự phẫn nộ nơi cộng đồng. Hành vi bỏ rơi cha mẹ không chỉ trái đạo đức mà còn vi phạm pháp luật.

Những chuyện đau lòng

Mới đây, một câu chuyện được kể trên mạng xã hội khiến nhiều người đau lòng. Chị Lê Kim, nghệ sĩ đàn piano khi thăm người nhà tại bệnh viện đã chứng kiến câu chuyện buồn của một cụ bà. Cụ bị bệnh khớp nặng, tiền tiết kiệm chỉ còn gần chục triệu đồng sau khi cho con cái số tiền dành dụm cả đời. Đến khi bà nhập viện, các con chỉ vào thăm đúng một lần rồi không quay lại thăm nom mẹ lần nào nữa. Bà cụ vừa buồn tủi, vừa lo lắng cho tương lai mà bệnh tình ngày càng nặng hơn.

Cũng theo sự chứng kiến của chị Lê Kim trong những ngày nuôi bệnh, có không ít cụ già phải loay hoay tự đi viện một mình, hoặc nhập viện thui thủi không ai chăm. Có cả những trường hợp con cái đông, các con thành đạt, giàu có nhưng cha mẹ nhập viện chỉ thuê người chăm sóc, không hề vào viện với cái cớ “bận rộn”.

Trong xã hội cũng không hiếm trường hợp con cái bỏ mặc cha mẹ không chăm lo. Nhiều cụ già ở tuổi gần đất xa trời, con cháu “đầy đàn” nhưng vẫn phải ra đường bươn chải mưu sinh bất chấp già yếu, bệnh tật. Có cụ sau khi bán hết đất đai, nhà cửa chia cho con thì ở chung với mỗi người con một thời gian, sau đó con cái tìm cớ không nuôi dưỡng nữa khiến các cụ thành lang thang, cơ nhỡ...

Thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL năm 2022 cho thấy, cả nước hiện có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Theo kết quả khảo sát thì có 50,3% hộ gia đình có người cao tuổi đã xảy ra ngược đãi, 3,0% người cao tuổi bị con cái đánh đập, 8,0% bị đe dọa và 15,0% bị bỏ rơi không chăm sóc; có 45,7% người già cho rằng họ thường bị con cái làm mất lòng dẫn tới buồn phiền, 3,9% thường xuyên bị nhiếc móc, 10,7% bị bỏ bê về kinh tế.

Ở Việt Nam, hầu hết người cao tuổi sống ở nông thôn, chỉ có 18,8% sống ở thành thị; 16 - 17% người cao tuổi có lương hưu và số được hưởng trợ cấp rất ít. Một cuộc điều tra sức khỏe người cao tuổi mới đây cho thấy 95% người già có bệnh, trong đó có khoảng 55% mắc bệnh kinh niên, đau ốm thường xuyên, người già có sức khỏe khá và tốt chỉ chiếm 5,7%.

Không chỉ là “chuyện riêng trong nhà”

Theo Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, con cái có bổn phận yêu quý và trân trọng, phải biết hiếu thảo và biết ơn cũng như phụng dưỡng cha mẹ, con gái phải biết giữ gìn danh dự cũng như truyền thống tốt đẹp của gia đình. Điều 71 cũng quy định con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ già, hoặc cha mẹ qua đời, hoặc khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, cha mẹ bị ốm đau hoặc khuyết tật, trường hợp gia đình có nhiều người con thì các con sẽ phải cùng nhau chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ để hoàn thành tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng, chỉ có việc hành hung, đánh đập mới bị coi là ngược đãi cha mẹ. Trên thực tế, cả hành vi bỏ rơi cha mẹ, khiến cha mẹ bị tổn thương tinh thần, dẫn đến suy yếu sức khoẻ hay chịu các hậu quả các cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý nghiêm.

Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có quy định về mức phạt tiền đối với con cái bỏ mặc không chăm sóc ông bà, cha mẹ là người già, yếu, tàn tật.

Còn Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, con cái bỏ mặc, ngược đãi, đối xử tàn tệ với cha mẹ mà đã bị xử phạt rồi vẫn tái phạm thì bị xử phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp con cái đối xử tệ với cha mẹ già yếu, khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Pháp luật quy định rất nghiêm đối với hành vi ngược đãi, bỏ rơi cha mẹ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, những sự việc bỏ mặc cha mẹ ít khi được quan tâm, xử lý. Trong đó có việc đánh đập hành hạ cha mẹ, thường khi hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi bị xã hội lên án thì mới bị cơ quan chức năng để mắt đến. Còn lại, nhiều người vẫn cho rằng đó là “chuyện riêng trong nhà”, cần “đóng cửa bảo nhau”. Ngay cả các bậc cha mẹ là nạn nhân của sự bỏ bê, phó mặc, bạo lực tinh thần cũng không lên tiếng. Và như thế, nỗi đau sẽ tiếp tục kéo dài đối với những người làm cha, làm mẹ khi tuổi đã xế chiều.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn
(PLVN) - Trong cuộc sống, tha thứ không chỉ là cách giúp người khác có cơ hội sửa sai, mà còn là liều thuốc giúp chính chúng ta nhẹ nhõm hơn, bớt đi những gánh nặng tâm hồn.

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đạo làm người – con đường khó nhất

Đạo làm người – con đường khó nhất
(PLVN) - Mỗi tôn giáo, mỗi đạo lý đều dạy chúng ta cách sống hiền lành, tử tế, biết yêu thương và đối xử tốt với nhau. Nhưng trong tất cả các đạo, có lẽ đạo làm người là con đường khó nhất để thực hành.

Lặng lẽ với chính mình

Ảnh minh họa
(PLVN) - Sau những đêm trắng sẽ luôn là ánh bình minh. Và đôi khi, chỉ cần một tia sáng nhỏ bé cũng đủ để soi rọi cả một đêm dài.

Huế thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự.
(PLVN) - Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa. Festival Huế đã là một sự kiện văn hóa tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động.

Hơn 300 doanh nghiệp Quảng Ninh tung gói kích cầu mùa du lịch cuối năm 2024

Một góc TP Hạ Long, Quảng Ninh điểm đến thân thiện và an toàn.
(PLVN) -  Ngày 20/11, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ công bố chương trình kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa”. Chương trình nhằm tăng sức hút du khách dịp cuối năm 2024. Thu hút h ơn 300 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, và du thuyền đã tham gia .