Theo Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), năm 2018, Bộ này được giao kế hoạch giải ngân 26.332 tỷ đồng, gồm 14.147 tỷ đồng vốn nước ngoài, 5.858 tỷ đồng vốn trong nước, 2.695 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), 2.718 tỷ đồng kế hoạch năm 2017 kéo dài sang năm 2018 và 914 tỷ đồng kế hoạch 2016 vốn TPCP kéo dài sang năm 2018.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 10 này, chỉ giải ngân được 13.739 tỷ đồng, đạt 52,2% tổng kế hoạch giải ngân. Kế hoạch cả năm 2018 giải ngân đạt 56,6%, bao gồm các dự án ODA đạt 51,6%; dự án giao thông trong nước sử dụng vốn NSNN đạt 94,3%; dự án sử dụng vốn TPCP đạt 37,7%; dự án thuộc khối khác đạt 89,9% kế hoạch được giao. Kế hoạch năm 2017 kéo dài đạt 32,9%.
Cũng theo Vụ Kế hoạch đầu tư, số vốn chưa giải ngân tập trung tại hai nhóm ODA và TPCP. Nguyên nhân giải ngân chậm là do giải phóng mặt bằng chậm; điều kiện thời tiết mưa rất nhiều và liên tục tại các khu vực triển khai dự án; điều chỉnh thiết kế quá nhiều như tại dự án ODA do nước ngoài thực hiện dẫn đến chậm thi công…
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2018, tình hình giải ngân chậm so với các năm trước, trong khi vốn bố trí cho ngành GTVT không nhiều. Theo ông Thể, một phần nguyên nhân giải ngân chậm do sự chỉ đạo tại các đơn vị vẫn kém hiệu quả, thiếu chủ động, không quyết liệt, không làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Ban QLDA cũng như cá nhân có liên quan.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, giám đốc Ban QLDA, thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm chính nếu không hoàn thành việc giải ngân. Tuy nhiên, đi đôi với việc giải ngân đúng thời hạn thì các đơn vị cũng phải rất quan tâm đến chất lượng dự án.