Bộ Giao thông Vận tải đề xuất biện pháp tháo gỡ nguy cơ ùn tắc đăng kiểm

Cả nước đang có 274/294 TTĐK với 446/546 dây chuyền kiểm định đang hoạt động. (Ảnh: Sơn Văn)
Cả nước đang có 274/294 TTĐK với 446/546 dây chuyền kiểm định đang hoạt động. (Ảnh: Sơn Văn)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2018/NĐ-CP và 30/2023/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhằm chủ động tháo gỡ ùn tắc đăng kiểm có thể xảy ra trong thời gian tới.

Nguy cơ ùn tắc đăng kiểm cuối năm nay

Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND các địa phương đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện cùng với hàng loạt giải pháp tình thế lúc cấp bách, căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Do đó, tình trạng ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (TTĐK) cơ bản được giải quyết từ cuối tháng 6/2023 đến nay.

Thống kê của Cục Đăng kiểm, cả nước đang có 274/294 TTĐK với 446/546 dây chuyền kiểm định đang hoạt động với công suất kiểm định tối thiểu một tháng là 642.240 phương tiện.

Với số lượng các đơn vị đăng kiểm và các dây chuyền kiểm định được vận hành, hoạt động bình thường có thể đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024 (nhu cầu kiểm định trên cả nước tháng cao nhất cũng chỉ hơn 500.000 xe).

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thực tế và dự báo của Cục Đăng kiểm thì từ quý III, quý IV/2024, một số địa phương như: Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP HCM và Trà Vinh sẽ có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện tại các TTĐK.

Đặc biệt, tại Hà Nội và TP HCM đã xuất hiện tình trạng ùn ứ phương tiện cục bộ tại một số thời điểm. Tình trạng này đang có xu hướng tăng do các tháng tới đây, khi các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm tại các địa phương được đưa ra xét xử sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kiểm định tại nhiều địa phương bởi hàng loạt đăng kiểm viên (ĐKV) sẽ có nguy cơ bị kết tội bằng bản án (theo thống kê có 42 địa phương với 112 TTĐK có các ĐKV bị khởi tố).

Theo điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 139/2018/NĐ-CP, các TTĐK sẽ bị đình chỉ 3 tháng nếu có từ 2 ĐKV trở lên bị thu hồi chứng chỉ ĐKV do "bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới" trong vòng 12 tháng liên tục.

Điều này sẽ khiến 91 TTĐK tại 32 địa phương nguy cơ phải dừng hoạt động, dẫn đến cả nước có ít nhất 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định, bao gồm Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kon Tum, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, TP HCM, Trà Vinh, Tuyên Quang.

Đặc biệt, có thể sẽ có những địa phương không còn TTĐK để hoạt động như Bắc Kạn và Thái Bình. Việc này sẽ dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương khác do sự dịch chuyển phương tiện từ 36 địa phương trên là rất lớn.

Kiến nghị sửa quy định theo trình tự thủ tục rút gọn

Bộ GTVT nhìn nhận, sự việc xảy ra trong thời gian qua với lĩnh vực đăng kiểm là chưa có tiền lệ, nhiều TTĐK đã bị dừng hoạt động trong khoảng thời gian dài liên tục (trên 12 tháng) từ nhiều nguyên nhân khách quan như: Thiếu nhân sự, sửa chữa khắc phục cơ sở vật chất, di chuyển địa điểm, giải quyết thủ tục đất đai, phòng cháy, chữa cháy… mà không phải nguyên nhân do sai phạm dẫn đến bị tạm đình chỉ.

Theo quy định hiện hành buộc phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và chỉ được xem xét cấp lại sau 36 tháng kể từ ngày bị thu hồi, dẫn đến thiếu hụt các TTĐK gây thiệt hại lớn cho người dân, DN.

Mặt khác, quá trình xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới gặp khó khăn, vướng mắc do tên Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định 139/2018/NĐ-CP và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có sự không đồng nhất.

Một số nội dung khác phát sinh trong thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định như chưa có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện với việc thay đổi chủ sở hữu đơn vị đăng kiểm, thay đổi vị trí đơn vị đăng kiểm; trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định; điều kiện với lãnh đạo tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm cần được bổ sung để tránh các sai phạm có thể xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới.

Bộ GTVT cho rằng cần được xem xét sớm sửa đổi, bổ sung quy định nhằm giúp cho hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới nhanh chóng đi vào ổn định, cũng như hạn chế các thiệt hại không đáng có cho người dân, DN và xã hội.

Để kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn với hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thiết thực của xã hội, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP và 30/2023/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 7/2024.

Theo Bộ GTVT, đề xuất này nhằm xử lý tình trạng ùn tắc tại các TTĐK trong thời gian tới, giúp hệ thống đăng kiểm tránh bị đứt gãy, bảo đảm phục vụ nhu cầu cấp thiết, chính đáng của người dân và DN, bảo đảm việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tránh tình trạng quá tải của các đơn vị đăng kiểm trong thời gian tới và các thiệt hại không đáng có cho xã hội.

Chưa thể đào tạo đủ ĐKV cho tới năm 2026

Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, mặc dù Cục Đăng kiểm đã hướng dẫn, đưa ra nhiều giải pháp cũng như liên tục tổ chức tuyển dụng, kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định cho các đơn vị đăng kiểm, tăng cường công tác tập huấn, đánh giá bổ sung ĐKV mới, tập huấn nhân viên nghiệp vụ, đào tạo tới 32 đợt đánh giá ĐKV (trước đây mỗi năm chỉ tổ chức được 4 - 5 đợt đánh giá) để bù đắp cho sự thiếu hụt trên.

Đến nay, đã cấp giấy chứng nhận lần đầu cho 297 ĐKV xe cơ giới; tổ chức 5 lớp tập huấn nghiệp vụ ĐKV cho 251 học viên đủ điều kiện thực tập; tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm định cho 209 nhân viên nghiệp vụ.

Tuy nhiên, số ĐKV bị khởi tố quá lớn (trên 900 người) trong khi để đào tạo bồi dưỡng chuyên môn một kỹ sư cơ khí trở thành ĐKV lại đòi hỏi mất nhiều thời gian. Do đó, đến hết năm 2026, hệ thống đăng kiểm xe cơ giới vẫn chưa thể bù đắp được số lượng ĐKV đã bị thiếu hụt trong thời gian vừa qua.

Đọc thêm

2 người tử vong trên quốc lộ

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 9, đoạn qua thị trấn Cam Lộ.
(PLVN) - Trong 2 ngày (10 và 11/12), trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 qua địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khiến 2 người tử vong.

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.