Bộ Giáo dục - Đào tạo trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới kỳ họp thứ 7

Ngày 15/9/2010, Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục có công văn trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII

     * Kiến nghị 1: "Chính phủ nghiên cứu qui định thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật đối với đại học vùng, nhất là về phân cấp của “Đại học vùng” đối với các đại học thành viên. Tại thông tư số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo qui định; việc phân cấp cho các “Đại học vùng” chỉ tương đương với các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo (nghĩa là chịu sự quản lí và chỉ đạo toàn diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo) nên việc phân cấp lại của “Đại học vùng” cho các “Đại học thành viên” bị hạn chế.
Để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính năng động của cơ sở, đề nghị Chính phủ cho phép các “Đại học vùng” được hưởng qui chế gần tương đương với các “Đại học quốc gia” như: được Chính phủ đầu tư trực tiếp các dự án với mức đầu tư 1.000 tỷ đồng không thông qua ngân sách của Bộ Giáo dục và đào tạo, tăng thẩm quyền về tổ chức bộ máy và nhân sự để các “Đại học vùng” thực hiện việc phân cấp cho các trường thành viên trong đại học như các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo".

   Trả lời (Công văn số 5828/BGDĐT-VP):
a-Về qui định thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật đối với đại học vùng, nhất là về phân cấp của “Đại học vùng” đối với các đại học thành viên.
Bộ Giáo dục và đào tạo đã có Quyết định số 3360/QĐ-BGD ĐT-TCCB ngày 21 tháng 6 năm 2005 về việc ban hành qui định phân cấp quản lý cho Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế. Theo Quyết định trên, 3 Đại học này đã được phân cấp quản lý nhiều hơn so với các cơ sở đào tạo đại học khác. Ví dụ, Giám đốc đại học, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng được quyết định bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng các trường đại học thành viên, Phó Gíam đốc bệnh viện, được quản lý viên chức các ngạch, trừ ngạch giáo sư; được mở ngành đào tạo theo danh mục các ngành đào tạo do Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định, được thành lập Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, công nhận nghiên cứu sinh trúng tuyển, in ấn, cấp phát phôi bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, được thành lập Hội đồng và tổ chức đánh giá nghiệm thu các đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ, v.v…
Trong năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 07/2009/TTLT-BGD ĐT-BNV hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo và với xu thế đẩy mạnh phân cấp. Theo đó, Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên có quyền tự chủ nhiều hơn.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khảo sát mô hình đại học hai cấp tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang chủ trì biên soạn Luật Giáo dục Đại học (dự kiến trình Quốc hội ban hành vaà năm 2011) và Nghị định Chính phủ qui định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục (dự kiến trình ban hành vào cuối năm 2010).

b- Về việc cho phép các “Đại học vùng” được hưởng qui chế gần tương đương với các “Đại học quốc gia”.
Theo qui định của Luật ngân sách nhà nước hiện hành về phân cấp tài chính, ngân sách thì chưa có qui định các “Đại học vùng” được Chính phủ đầu tư trực tiếp các dự án với mức đầu tư 1.000 tỷ đồng không thông qua ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với đề xuất này, khi đánh giá, tổng kết về mô hình hoạt động của Đại học vùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề nghị với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo với Chính phủ có cơ chế phân cấp ngân sách để đầu tư cho các Đại học vùng cho phù hợp.

*Kiến nghị 2: "Hiện nay, tất cả các đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang đều thực hiện tuần làm việc 40h/tuần theo Nghị quyết của Quốc hội, riêng cấp THCS và THPT chưa thực hiện, vì chế độ làm việc của giáo viên 2 cấp học này đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT- BGDĐT- BNV và Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT qui định mức làm việc của giáo viên là 19 tiết/tuần. Nếu qui định như vậy là không đúng với nghị quyêế của Quốc hội giảm 8 tiếng tức là 1/6 thời gian của tuần. Do vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét qui định số giờ lên lớp của giáo viên bậc học THCS, THPT là 17 tiết/tuần thì mới phù hợp và công bằng với số lượng thời gian là 40h/tuần/người mà Quốc hội đã qui định".
 
Trả lời (Công văn 5825/BGDĐT-VP):
Thực hiện Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 36/1999/TT-BGD&ĐT ngày 27 tháng 09 năm 1999 hướng dẫn về việc thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ. Tại điểm 2.3, khoản III của Thông tư đã qui định rõ phương án thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động công tác ở cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông như sau: “….các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn tổ chức dạy và học 6 ngày trong tuần, mỗi ngày bố trí 5 tiết, nghỉ ngày chủ nhật. Các trường sẽ phân công công tác và bố trí thời khoá biểu hợp lý để có thể đảm bảo cán bộ, nhà giáo và người lao động vẫn được nghỉ 2 ngày trong tuần…”. Cho đến nay, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trong toàn quốc vẫn thực hiện theo qui định này.
Bên cạnh đó, khi xây dựng Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT- BGD ĐT-BNV hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Thông tư số 28/2009/TT-BGD ĐT ngày 21/10/2010 qui định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã qui định giảm giờ dạy định mức của giáo viên trung học cơ sở từ 20 tiết xuống còn 19 tiết một tuần, giảm định mức giờ dạy của giáo viên trung học phổ thông từ 18 tiết xuống còn 17 tiết một tuần để đảm bảo phù hợp với chế độ tuần làm việc 40 giờ cho giáo viên.

  * Kiến nghị 3: "Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quy định biên chế cô nuôi cho các trường mầm non, vì theo Thông tư 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập không có biên chế cô nuôi, nên các trường phải thuê cô nuôi hợp đồng và hưởng mức lương tối thiểu là 650.000 đồng/tháng. Do mức lương quá thấp nhiều người đã bỏ việc gây khó khăn không nhỏ đến quá trình dạy học của các nhà trường".

Trả lời (Công văn số 5824/BGDĐT-VP):
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy những bất cập như đã nêu trong kiến nghị của cử tri. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai việc xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 71/2007/BGDĐT-BNV hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non ở các trường mầm non công lập.
Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV đã hoàn thiện dự thảo lần 4 với nhiều sửa đổi, bổ sung, trong đó có bổ sung quy định biên chế cô nuôi trong các trường mầm non.
Dự kiến khoảng quý IV năm 2010, Thông tư sẽ được ban hành, đáp ứng nhu cầu của địa phương.

*Kiến nghị 4: "Theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, quy định hỗ trợ cho con hộ nghèo đi học tại các lớp mẫu giáo thôn, bản với mức hỗ trợ cho một học sinh là 70.000 đồng/tháng x 9 tháng/năm. Để tạo sự công bằng trong hệ thống giáo dục mầm non, đề nghị Chính phủ xem xét quy định bổ sung chính sách hỗ trợ cho học sinh lớp nhà trẻ con hộ nghèo học tại trường mầm non thôn, bản".


  Trả lời (Công văn số 5729/BGDĐT-VP):
Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc chương trình 135 giai đoạn II, quy định hỗ trợ con hộ nghèo đi học tại các lớp mẫu giáo thôn, bản với mức hỗ trợ cho một học sinh là 70.000 đồng/tháng x 9 tháng/năm (trẻ từ 3 đến 6 tuổi). Về chính sách hỗ trợ đối với học sinh lớp nhà trẻ con hộ nghèo học tại trường mầm non thôn, bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần nhất.


*Kiến nghị 5: "Phân cấp trong quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, không thống nhất. Cần phải quản lý xuyên suốt từ mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học. Trong khi đó các trường tiểu học, trung học cơ sở, mầm non do Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý; trường trung học phổ thông do sở giáo dục và đào tạo quản lý; trường trung cấp tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Giám đốc sở giáo dục và đạo tạo chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ nhưng không điều hành hay bổ nhiệm đối với một số chức danh của trường mà mình không quản lý, vì vậy rất khó khăn cho công tác điều hành, quản lý… đề nghị Nhà nước có sự phân cấp hợp lý hơn, tránh tình trạng chồng chéo".

Trả lời (Công văn số 5840/BGDĐT-VP):
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Nghị định Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục. Bộ giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo Nghị định này. Dự thảo Nghị định được soạn thảo theo hướng tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp; làm rõ quyền hạn, trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý các cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở giáo dục trong việc quyết định thực hiện nhiệm vụ được giao; quy định trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo của các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giáo dục. Dự thảo về một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
-Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Quản lý hành chính theo lãnh thổ các trường đại học, cao đẳng trực thuộc các Bộ đóng trên địa bàn; quản lý các trường đại học, cao đẳng công lập trực thuộc tỉnh, các trường đại học, cao đẳng tư thục trên địa bàn theo điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường do cấp có thẩm quyền ban hành và các quy định của pháp luật; quản lý nhà nước các cơ sở giáo dục, bao gồm: trường trung cấp chuyên nghiệp, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó có cấp học trung học phổ thông), trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trường bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục tỉnh (nếu có), trướng phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm ngoại ngữ – tin học và các cơ sở giáo dục khác thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh; Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức và thực hiện chính sách đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường đại học công lập trực thuộc tỉnh theo tiêu chuẩn quy định tại Điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành; quyết định công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng trường đại học tư thục trên địa bàn theo tiêu chuẩn được quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành; quyết định công nhận hội đồng trường đại học công lập thuộc tỉnh.
- Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo: Giúp UBND cấp tỉnh trực tiếp quản lý các cơ sở giáo dục: trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp (không bao gồm các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp công lập của các Bộ đóng trên địa bàn), trường cán bộ quản lý giáo dục (nếu có), trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó có cấp trung học phổ thông), trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm giáo dục – hướng nghiệp, trường phổ thông dân tộc nội trú và các cơ sở giáo dục trực thuộc khác (nếu có) thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh, Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, giáng chức người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, công nhận hội đồng trường các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc; công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc sở giáo dục và đào tạo quản lý.
- Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo: Giúp UBND cấp huyện trực tiếp quản lý các cơ sở giáo dục: trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trưởng phổ thông có nhiều cấp học (trong đó không có cấp trung học phổ thông), trường phổ thông dân tộc bán trú và các đơn vị sự nghiệp giáo dục khác thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện; Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức, luân chuyển đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, công nhận hội đồng trường các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc; công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc quyền quản lý trên địa bàn.
- Trách nhiệm của các Bộ trong việc quản lý các cơ sở giáo dục công lập và trường trung cấp chuyên nghiệp: Quyết định công nhận hội đồng trường đối với các cơ sở giáo dục công lập: Quyết định thành lập, cho phép thành lập, thu hồi quyết định thành lập, cho phép thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể, đình chỉ hoạt động trường trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc Bộ phù hợp quy hoạch mạng lưới trường trung cấp chuyên nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để bảo đảm thông suốt việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo Nghị định cũng đề xuất Chính phủ quy định chế độ thông tin báo cáo bắt buộc theo định kỳ và hàng năm của các Bộ, ngành và của UBND cấp tỉnh đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý và những vấn đề có liên quan đến giáo dục của địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục trong năm 2010.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.