Những ngày qua, tại xã Nậm Păm, huyện Mường La, công tác khắc phục hậu quả thiên tai của các cấp chính quyền, LLVT địa phương vẫn đang được tiến hành hết sức khẩn trương.
Ông Lò Văn Cẩn - Chủ tịch UBND xã Nậm Păm cho biết: “Cấp ủy, chính quyền và hàng trăm hộ dân trong xã đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhất là các gia đình bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản. Trận lũ cũng phá hủy rất nhiều công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng của địa phương, như hệ thống điện, nước sinh hoạt, trường học, trụ sở làm việc, đường giao thông... Tuy nhiên, trong những ngày qua, được sự giúp đỡ tích cực của cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ LLVT tỉnh Sơn La, những khó khăn ban đầu của địa phương cơ bản đã được giải quyết”.
Bộ đội đã giúp địa phương dọn vệ sinh toàn bộ hệ thống công sở, trường học, di chuyển hàng trăm gia đình nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; tiếp tục tìm kiếm 3 nạn nhân mất tích. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Sơn La duy trì thường xuyên việc vận chuyển, tiếp tế lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Quân y 6 (Quân khu 2), Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân. Đến nay, 100% các hộ dân bị thiệt hại do lũ quét không bị thiếu đói; trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh, cuộc sống của người dân cơ bản ổn định.
Tại các bản: Hốc, Huổi Hốc, Huổi Sói, Huổi Liếng, Hua Nậm thuộc xã Nậm Păm, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 754 (Bộ CHQS tỉnh Sơn La) và lực lượng dân quân tự vệ cùng công an tỉnh giúp các gia đình dựng nhà tạm, củng cố nơi ăn ở, sinh hoạt. Bà Quang Thị Minh ở bản Huổi Liếng bày tỏ: “Gia đình tôi bị lũ cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản, chồng tôi lại ốm mệt mấy hôm nay. Cũng may có bộ đội đến giúp dựng nhà tạm để ở, lại vận chuyển gạo, mì ăn liền, nước uống đến tận nhà nên gia đình không bị đói khát”.
Đến nay, huyện Mường La đã tiếp nhận số tiền hỗ trợ từ đồng bào cả nước là 19 tỷ đồng; gần 50 tấn gạo, 11.000 thùng mì ăn liền, hơn 4 tấn muối, 3.000 thùng quần áo và nhiều vật dụng khác (xà phòng, giày dép, nước uống…). Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về quản lý thảm hoạ và ứng phó khẩn cấp cũng hỗ trợ bà con 600 bộ dụng cụ gia đình, nhà bếp; 1.500 bộ vệ sinh cá nhân; 150 bộ dụng cụ sửa chữa nhà cửa, 1 nhà bạt lưu động, 1 máy phát điện 16kVA. Do đó, không chỉ tại bản Huổi Liếng mà tất cả các hộ dân bị thiệt hại do lũ quét vừa qua tại xã Nậm Păm, nhà nào cũng có hàng trăm ki-lô-gam gạo, hàng chục thùng mì ăn liền cùng nhiều loại nhu yếu phẩm khác.
Ông Cà Văn Chanh - Trưởng bản Huổng Liếng xúc động bày tỏ: “Hiện tại dân bản chúng tôi không lo thiếu đói vì đã được các ban, ngành, đoàn thể, bộ đội tiếp tế đầy đủ lương thực, thực phẩm. Cái lo nhất là nơi định cư, đất sản xuất, bởi toàn bộ đất ở, đất canh tác của người dân trong bản đã bị lũ cuốn trôi, chỉ còn lại đá, sỏi, không thể trồng trọt được nữa. Rồi không biết cuộc sống sẽ ra sao”.
Đại tá Trần Xuân Cương - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sơn La cho biết: “Vì giao thông bị chia cắt, để nhanh chóng vận chuyển hàng cứu trợ đến cho bà con, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức khắc phục tạm thời bằng cách kè rọ thép hai đầu cầu Nậm Păm nhằm nối thông tuyến, đồng thời mở đường tạm ngay dưới lòng suối Nậm Păm để các loại ô tô tải, xe hai cầu, xe cứu trợ có thể đi thẳng đến trung tâm xã. Điện lực Sơn La đã khắc phục xong hệ thống điện cho thị trấn Ít Ong và các xã của huyện với 5.505 khách hàng. Đến nay vẫn còn xã Nậm Păm và Ngọc Chiến với 1.800 khách hàng chưa có điện. Công ty Viễn thông và Viettel Sơn La cũng đã khắc phục hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt phục vụ nhân dân.
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá tình hình thiệt hại của trận lũ quét, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Bộ CHQS tỉnh Sơn La đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và Thường vụ Huyện ủy Mường La chủ động tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy quyết định làm nhà lắp ghép có diện tích 35m2, trị giá 50 triệu đồng, hỗ trợ gạo, nước, muối ăn trong vòng một năm cho mỗi gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi; tặng 2 bộ chăn màn, 2 giường sắt, mỗi người 3 bộ quần áo, đồng thời tiến hành chia lại đất của xã, hỗ trợ khoảng 10-12 triệu đồng cho mỗi hộ mua cây trồng trên diện tích từ 0,5 đến 1ha đất đồi cây ăn quả gồm sơn tra, xoài, nhãn, trồng xen cây ngắn ngày để bảo đảm lương thực trước mắt.
Quá trình thực hiện, cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tỉnh Sơn La sẽ là lực lượng nòng cốt giúp người dân đào hố trồng cây, vận chuyển cây giống, cải tạo đất, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.
Nhằm đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả lũ quét, tỉnh Sơn La đã quyết định ứng trước nguồn ngân sách bổ sung và dự trữ tài chính với tổng số tiền 130 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của trận lũ quét tại huyện Mường La. Như vậy có thể thấy, cùng với sự chung tay, góp sức, sẻ chia của các cấp, ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương thì sự quan tâm, vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La đã giúp công tác khắc phục hậu quả lũ quét đạt hiệu quả cao, đời sống của đồng bào sớm ổn định. Qua đó, đồng bào thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và quân đội, tạo sự đồng thuận trong toàn thể nhân dân.