Khi “sỏi đá” qua tay người lính
Đồn BPCKQT Sông Tiền là đơn vị đầu tiên trong BĐBP tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang quan tâm đầu tư xây dựng theo thiết kế mẫu mới của Bộ Tư lệnh BĐBP với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng; đây là một thuận lợi to lớn, giúp cán bộ, chiến sĩ được học tập, công tác, sinh hoạt trong doanh trại khang trang, cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Tuy vậy, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn: tình hình khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp; đất đai có độ nhiễm phèn cao; giá cả thị trường không ổn định; cán bộ, chiến sĩ thì vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, cửa khẩu và công tác địa bàn nên việc tập trung cho công tác triển khai thực hiện xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp và tăng gia sản xuất rất khó khăn.
Tận dụng điều kiện của đơn vị, từ nguồn kinh phí đầu tư trên, đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia với hơn 2.300 ngày công lao động để xây dựng khu tăng gia sản xuất tập trung rộng 1.500 m2 (gồm 2 vườn rau; 1 giàn rau thủy canh; 4 giàn bầu bí; 1 ao thả cá). Hệ thống vườn, ao, chuồng được quy hoạch khép kín có tường rào và hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh, đường đi nội bộ được đổ bê tông để trồng các loại rau, củ, quả, gia vị; khu chăn nuôi heo, gia cầm tận dụng phế phẩm của đơn vị, 1 ao nuôi cá tra và cá chép giòn. Đơn vị còn trồng hơn 600 gốc chuối, 200 gốc xoài, 300 gốc đu đủ… Mỗi khu vực trồng trọt, chăn nuôi được giao cho các đội phụ trách riêng; ngoài giờ làm việc tất cả cán bộ, chiến sĩ đều tham gia tăng gia sản xuất.
Mô hình trồng rau thủy canh vừa sạch, vừa cho năng suất cao của Đồn Biên phòng CKQT Sông Tiền |
Thượng tá Tạ Kim Long, Đồn trưởng Đồn BPCKQT Sông Tiền cho biết: “Sau khi doanh trại xây dựng cơ bản xong, đơn vị triển khai ngay công tác xây dựng doanh trại xanh, sạch, đẹp, đặc biệt chú trọng công tác tăng gia sản xuất”. Lúc mới triển khai thực hiện, đơn vị gặp không ít khó khăn, khó khăn nhất là đất đai chủ yếu là sét, bị nhiễm phèn nặng, vào mùa mưa nước không thoát được; cán bộ, chiến sĩ do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây trồng thường bị chết, không phát triển được...”
Khắc phục tình trạng trên, Ban chỉ huy đơn vị đã phát động cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần sáng kiến, tìm ra cách tháo gỡ khó khăn. Và rồi, tại đơn vị xuất hiện nhiều đồng chí đề xuất những biện pháp hữu hiệu như Thượng úy Nguyễn Thanh Phong, Thiếu tá Huỳnh Thanh Tâm, Trung úy Nguyễn Thanh Phi Long,… Để khắc phục tình trạng đất phèn, đơn vị đã mua hơn 330m3 đất ruộng để đổ thành đất mặt; đồng thời, sử dụng hàng chục tấn phân chuồng, tro trấu trộn vào nhằm tạo dinh dưỡng cho đất.
Có đến tham quan “cơ ngơi” của cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCKQT Sông Tiền, chúng tôi mới hiểu hết những nỗ lực “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta” của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đã biến vùng đất phèn mặn, cằn cỗi thành một khuôn viên xanh, sạch, đẹp đúng chuẩn “Đẹp người, đẹp doanh trại, đẹp tình quân dân”. Từng tấc đất thuộc khuôn viên đơn vị đều được tận dụng hết nên cỏ và cây dại không có đất sống.
Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tận dụng từng tấc đất để trồng rau xanh |
Mặc dù là ngày nghỉ nhưng khoảng 20 đồng chí vẫn tranh thủ nhổ cỏ, bắt sâu, gieo giống, tưới rau… Dưới ao nuôi cá rộng chừng 120 m2, có một số đồng chí đang kéo lưới, nhìn những con cá tra, cá chép giòn quậy tung nước, xen lẫn tiếng cười đùa của chiến sĩ trong nắng sớm càng làm đẹp thêm hình ảnh của đội quân lao động sản xuất. Ngoài ra, đơn vị còn có hệ thống chuồng, trại chăn nuôi tập trung rộng 70 m2 được xây dựng theo mô hình Vườn-Ao-Chuồng rất thuận tiện cho việc chăm sóc và cải tạo.
Mô hình trồng rau thủy canh
Theo giới thiệu của đồng chí Đồn trưởng, chúng tôi được tham quan mô hình trồng rau thủy canh của cán bộ, chiến sĩ đơn vị tại Trạm kiểm soát biên phòng. Ngoài một vườn rau ở phía sau doanh trại Trạm, tận dụng hết các khoảng đất trống còn lại, thì Trạm còn xây dựng giàn trồng rau thủy canh mà theo Thiếu tá Huỳnh Thanh Tâm, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Cửa khẩu thì đây là “vườn treo”. Anh Tâm chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn cán bộ, chiến sĩ có thể tự túc về rau sạch. Vì vậy tôi đã học hỏi từ một người bạn là kỹ sư nông nghiệp, chuyên canh cây trồng công nghệ cao ở Đà Nẵng và quyết phải thực hiện cho được giàn trồng rau thủy canh”.
Từ các nguyên vật liệu dư thừa của công trình xây dựng doanh trại như xi măng, gạch, sắt, thép và ống nước nhưng với đầu óc sáng tạo và đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của cán bộ, chiến sĩ mà công trình trồng rau thủy canh của đơn vị đã hoàn thành. Công trình được xây dựng đúng tiêu chuẩn trồng rau công nghệ cao, với hệ thống giàn bầu bí, giàn trồng rau, cây gia vị… có hệ thống tưới tiêu tự động được tính toán vừa đủ định lượng nước cho mỗi gốc cây, đồng thời không hề tốn nhiều kinh phí. Tận dụng các đồng chí cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu làm nông nghiệp, với kinh phí chỉ 2 triệu đồng, đơn vị đã có một công trình trồng rau thủy canh vừa sạch, vừa cho năng suất cao.
Cán bộ, chiến sĩ còn nuôi hơn 3 tấn cá, 250 con vịt, gà các loại |
Hiệu quả đạt được trong đơn vị được thể hiện rõ ràng từ công tác quy hoạch, xây dựng doanh trại chính quy, phân khu sản xuất tập trung rõ ràng, khoa học. Từ khi đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, thực phẩm sạch, tươi sống được đưa vào bữa ăn cho bộ đội, kể cả lúc giáp vụ, nên đời sống của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rõ rệt. Năm 2017, tổng thu nhập từ tăng gia sản xuất của đơn vị là gần 120 triệu đồng, trong đó, đưa thêm vào bữa ăn cho bộ đội 2.500 đồng/người/ngày. Các sản phẩm rau, củ, quả và thịt cá các loại từ nguồn tăng gia sản xuất không những cung cấp đủ cho bữa ăn thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mà còn cung cấp cho các đơn vị như Tiểu đoàn huấn luyện và các Đồn Biên phòng khác.
Từ nguồn thu của công tác tăng gia sản xuất, tạo điều kiện để đơn vị xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp ngày một khang trang hơn; hệ thống bảng tin, panô, áp phích, biển bảng bố trí khoa học. Khu khuôn viên hòn non bộ, bồn hoa, cây cảnh, sân bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, khu rèn luyện thể lực được bố trí hài hòa. Phòng đọc sách báo với đầy đủ tranh ảnh tuyên truyền cổ động; ti vi, đầu máy karaoke; 2 tủ sách với 600 cuốn sách và 12 đầu báo phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt vui chơi giải trí sau những giờ học tập, làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và tăng gia sản xuất.
Theo Thiếu tá Nguyễn Di Khải, Chính trị viên Đồn BPCKQT Sông Tiền đánh giá: “Có thể nói hiệu quả của mô hình tăng gia sản xuất tại đơn vị không những góp phần cải thiện về vật chất, mà quan trọng hơn là qua đó giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, khắc phục khó khăn, ý thức tiết kiệm, yêu lao động, có kinh nghiệm trong lao động sản xuất để phục vụ cho cuộc sống và phát triển kinh tế cho xã hội”.
Nhìn doanh trại khang trang, những bông hoa vươn mình khoe sắc trong nắng, những thảm cỏ xanh mịn như nhung, những luống rau xanh mơn mởn, dưới ao tiếng cá quẫy nước, trên bờ từng đàn gia cầm béo núc… chúng tôi thầm khâm phục ý chí, sự cần cù, khéo léo của cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu biên giới. Các anh không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia trong mọi tình huống mà còn là đội quân lao động sản xuất giỏi “không cho đất nghỉ”, “biến sỏi đá thành cơm” để đảm bảo thực túc, binh cường, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.