Giữa chốn khô cằn toàn đá, với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu, nơi biên ải xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ (Lai Châu), gần đây "bỗng nhiên" xuất hiện cả một hệ thống bể được xây kiên cố. Trong lòng các bể này có hàng đàn cá hồi, cá tầm ngoan ngoãn, tung tăng bơi lượn, hay ăn, chóng lớn theo từng ngày...
Bộ đội nuôi cá tầm |
Hỏi ra chúng tôi được biết, sáng kiến này là của các anh bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu).
Từ cuối tháng 4/2010, với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đã triển khai “Xây dựng mô hình nuôi cá hồi tại vùng cao huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu”. Các anh bộ đội đã kỳ công dẫn nước từ các khe núi, suối chảy từ rừng già về hệ thống 10 bể. Trong đó, năm bể có diện tích 50 m2, một bể 30 m2, hai bể tròn có đường kính 4 m và hai bể đường kính 2 m. Mỗi bể có độ sâu trung bình là 1,8 m, được xây dựng kiên cố, từ đáy bể đến bờ bể đều được xây lát bằng bê tông cốt thép.
Trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Đang - Trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 - chúng tôi được biết: Ngoài tiếp thu các kỹ thuật, công nghệ nuôi cá Hồi, từ cách xây dựng hệ thống bể, chọn cá giống, chăm sóc cá, theo dõi sự sinh trưởng, phát triển cho tới kỹ thuật phát hiện và phòng, trừ bệnh..., qua thực tế địa bàn, địa hình đặc thù khắc nghiệt, đơn vị đã sáng tạo thiết kế cho nguồn nước chảy mạnh theo vòng xoáy nhằm tăng cường ô xy cho cá.
Lần đầu thực hiện chăn thả, đơn vị đã nhập hai đợt với 8.000 con cá hồi giống từ Trung tâm Thủy sản nước lạnh Sa Pa với các tiêu chuẩn như 10 gam/con; cá giống khỏe mạnh, có màu sắc tươi sáng, không dị hình, bơi lội thăng bằng, mức độ đồng đều >90%. Cá giống được xác định là không mang mầm bệnh truyền nhiễm, cũng như các bệnh do vi khuẩn - nấm và ký sinh trùng.
Sau một thời gian nuôi, kết quả khảo nghiệm từ mô hình cho thấy, về làm quen với môi trường sinh thái tại nơi biên ải này, cá hồi, cá tầm thích nghi rất nhanh, tỷ lệ sống cao chiếm tới 95%. Thức ăn sử dụng chăn nuôi cá hồi được Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 nhập tại trung tâm Thủy sản nước lạnh Sa Pa... Trung tá Lê Tuấn Anh - Giám đốc Xí nghiệp 56 thuộc Đoàn KT - QP 356, trực tiếp chăm sóc cá bảo: "Cá hồi cực kỳ khó tính, đòi hỏi chế độ chăm sóc thường xuyên, liên tục, cẩn thận". Mỗi loại cám cho cá ăn chỉ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng của cá. Như cá hồi từ 3 - 4 g cho ăn cám 1 ly, từ 5 - 20 g cho ăn cám 2 ly, từ 20 - 100 g cho ăn cám 3 ly, từ 100 - 500 g cho ăn cám 5 ly, từ 500 g trở lên cho ăn cám 7 ly. Muối cũng được cung cấp định kỳ vào bể đủ để cung cấp Ion kim loại cần thiết, nhất là vào những ngày nắng gắt và sau mỗi đợt mưa nước đục lại cần phải bổ sung thêm nước muối loãng...
Ngày nào cũng vậy, Trung tá Lê Tuấn Anh cùng với cán bộ, chiến sĩ đều phải “ăn cùng, ngủ cùng” với cá hồi. Có những đêm mưa, rét như cắt da cắt thịt, nhưng các anh vẫn phải thức. Cứ nửa tiếng, hoặc một giờ lại phải mang đèn, leo núi đi dọc đường ống để kiểm tra xem có rác, lá cây trôi vào đường ống hay không. Theo Trung tá Lê Tuấn Anh, chỉ cần rác làm tắc ống, không kịp khắc phục ngay thì chỉ trong thời gian ngắn là cá có thể chết hàng loạt... Và đến nay, cá đã không phụ công sức bộ đội, những chú "cá Tây" được đưa về nơi đây đã thích nghi với điều kiện nơi biên giới, sinh trưởng phát triển nhanh, trọng lượng bình quân mỗi chú "cá Tây" này đã đạt hơn 1,2 kg/con, chất lượng thịt ngon.
Điều mà Trung tá Lê Tuấn Anh vui "âm ỉ" trong lòng là hiện nay "đã có nhiều cán bộ xã và người dân các dân tộc xuống xem cá và hỏi về cách nuôi".
Được biết, đây chỉ là một trong số những mô hình kinh tế mà Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đã triển khai có hiệu quả, góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc nơi đây về cách làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nơi miền đất khó, khô cằn sỏi đá này.
Công Hải - Trịnh Cương