Hà Nội – thành phố vì hòa bình - được du khách quốc tế biết đến như là một thành phố của nhiều cây xanh. Trong thành phố xanh ấy, có một loại cây được coi như cây thiêng của Hà Nội và cũng là nhân chứng của Thủ đô qua bao biến cố thăng trầm – cây bồ đề.
Dấu ấn văn hóa Ấn – Việt
Bồ đề, tiếng Ấn Độ có nghĩa là giác ngộ. Cũng chính vì lẽ đó mà các gốc bồ đề ở Hà thành được nhiều người biết đến khi được trồng ở những ngôi chùa cổ kính, những nơi trang trọng thường xuyên có các Phật tử và du khách viếng thăm.
Nhắc đến cây bồ đề trên mảnh đất nghìn năm, người ta không thể không biết đến cây bồ đề ở chùa Một Cột. Tọa lạc sau “Đài sen”, cây bồ đề tại đây được mang từ đất Phật - Ấn Độ sang trồng. Người vun những xẻng đất đầu tiên cho cây, không phải ai khác mà chính là Bác Hồ kính yêu.
Nhiều nhân chứng kể lại, cây Bồ đề này được tách từ cội cây nơi Phật Thích Ca đắc đạo, do Tổng thống Rajendra Prasad tặng nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm Ấn Độ tháng 2 năm 1958. Cây Bồ đề đã được Bác đem trồng trong sân chùa Một cột và nay đã thành cổ thụ…
Gốc bồ đề tại chùa Một Cột – dấu ấn văn hóa ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ |
Hiện nay, du khách đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh và chùa Một Cột đều thấy cây bồ đề cành lá xum xuê tỏa bóng mát sau ao sen. Thày Thích Tâm Kiên (trụ trì chùa Diên Hựu) cho biết: “Cây bồ đề mọc ở đây đã hơn năm thập kỷ. Khách đến viếng Phật và vãn cảnh chùa đều lại gần cây ngước nhìn và đọc chú dẫn ở bên dưới. Đó là một tấm biển bằng đá dưới gốc cây được ban quản lý di tích gắn trang trọng, đồng thời xây đài cánh sen xung quanh cây để thể hiện lòng thành kính”.
Thày Thích Tâm Kiên chia sẻ thêm: “Hàng năm, rất thú vị là có nhiều du khách Ấn Độ đến thăm chùa và ra thăm cây. Họ tỏ lòng thành kính về loài cây bắt nguồn từ đất nước Phật giáo của họ. Không chỉ có du khách quốc tế, các đoàn ngoại giao hay các nguyên thủ Quốc gia cũng đến trước cây bồ đề chiêm ngưỡng”. Một thợ chụp ảnh tại đây cho biết kinh nghiệm của mình với phóng viên: “Cây bồ đề ở đây rất lạ, chụp ảnh ở đây lâu năm, nếu là du khách Ấn Độ đến thăm cây là tôi biết được ngay. Họ tỏ lòng thành kính và thể hiện các nghi lễ Phật giáo ngay tại gốc cây. Ít khi tôi thấy họ quay lưng lại với cây bồ đề mà thường đi lùi ra ngoài, thi lễ mới quay đi”. Một cây Bồ đề khác cũng có nguồn gốc từ Ấn Độ là cây Bồ đề trong sân chùa Trấn Quốc. Thày Thích Thanh Nhã (trụ trì chùa Trấn Quốc) kể lại: “Cây Bồ đề này là quà của Tổng thống Ấn Độ tặng trong chuyến thăm Việt Nam. Nơi đây đã diễn ra một lễ nghi trang trọng trồng cây ngày 24/3/1959. Cây bồ đề này được chính Tổng thống Ấn Độ mang sang, đáp lễ tình cảm sâu sắc của Bác Hồ và đất nước ta khi trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm đất nước Phật giáo đã trồng một cây Đại (cây nhà Phật).” Dẫn chúng tôi đi vãn cảnh chùa, Thượng tọa Thích Thanh Nhã giới thiệu thêm: “Trồng cây xanh là một việc làm không chỉ hướng thiện, ươm mầm cho đời xanh bóng mát mà còn thể hiện lòng thành kính đối với một cây thiêng của nhà Phật, nhất là cây bồ đề này. Hàng ngày, các Phật tử đến đây đều được thày răn dạy về tu nhân tích đức, phát bồ đề làm nhiều việc thiện có ích cho đời”. Gắn liền với văn hóa tâm linh Hai cây bồ đề tại chùa Trấn Quốc và chùa Một Cột có tuổi đời trên năm mươi năm và có nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, trên địa bàn Thủ đô còn có rất nhiều gốc bồ đề nữa có tuổi thọ cao hơn nhiều, thậm chí có nhiều cây còn gắn với văn hóa tâm linh và những sự kiện lịch sử của Thủ đô qua thời gian. Trên đường Hoàng Hoa Thám cạnh Vườn Bách Thảo có năm gốc bồ đề cùng hàng cây sưa tỏa bóng mát quanh năm. Hàng ngày, nhiều người dân đi lại qua đây đều cảm nhận được sự trong lành và mát mẻ của việc điều hòa do cây xanh mang lại. Không biết các gốc bồ đề này mọc từ khi nào nhưng tuổi đời của chúng cũng thuộc hàng “cổ thụ” của thành phố. Xa hơn một chút về phía Tây Hồ, đầu đường Thụy Khuê giáp với Lạc Long Quân cũng có một gốc bồ đề lớn ngay trước đình An Thái. Ngôi đình là nơi thờ ông bà Võ Phục, một đôi vợ chồng già đã bỏ mình vì nước dưới triều vua Lý Nhân Tông. Cây bồ đề này rất xanh tốt, tọa lạc ở đầu đường Thụy Khuê thành điểm chia hai làn đường một cách tự nhiên mà không hề cản trở lối đi lại. Theo cụ Nguyễn Thị Niên (76 tuổi) thì cây mọc từ khi cụ còn nhỏ, lớn lên đã thấy ở đây rồi. Vào mùa nắng nóng, nhiều người từ quê hay cả bà con xung quanh đều nhờ bóng mát của nó. Từ lâu, cây bồ đề tại đây cũng đã trở thành một phần thân thuộc không thể thiếu của khu phố. Trong khi đó, trước lối vào cổng chính chùa Quán Sứ, hai cây bồ đề, một cây mới trồng, một cây cũng có vài chục tuổi xum xuê cành lá được các Phật tử của chùa chăm nom hàng ngày xanh tốt tỏa bóng rợp một góc đường Thợ Nhuộm, Quán Sứ.
Thượng tọa Thích Thanh Nhã bên gốc bồ đề chùa Trấn Quốc
Gốc bồ đề trước cửa chùa Quán Sứ
Đặc biệt, góc đường 19/12 (đoạn đường nối giữa hai tuyến phố Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng) thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cũng có một gốc bồ đề hơn trăm tuổi. Thời Pháp thuộc, phố này có tên là Rue Simoni. Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Nền (ngõ 48 phố Lý Thường Kiệt): “Ngày toàn quốc kháng chiến, dưới gốc bồ đề là nơi Pháp chôn tập thể các nạn nhân chết trong khu vực Hàng Bông – Cửa Nam.
Ngày tản cư về đây, không biết có phải là một sự tình cờ hay là sự ngẫu nhiên sắp đặt của tạo hóa mà ở trên bức tường giữa con đường lại có một cây Bồ đề. Mỗi khi đi qua nó, nhiều người chúng tôi đều chấp tay vái tạ các vong hồn dưới gốc cây đã yên nghỉ, đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh của Tổ quốc. Dưới cây Bồ đề có một bàn thờ nhỏ thường được nhân dân không chỉ trong khu phố này mà nhiều khu phố xung quanh đến thắp hương. Cây xum xuê cành lá và trở thành cây thiêng nơi góc đường”.
Cũng theo bà con nơi đây, gốc bồ đề nơi góc đường 19/12 được coi là một trong những biểu tượng giữa lòng Thủ đô Hà Nội như nhắc nhở mọi người không thể nào quên những năm tháng hào hùng và gian khổ. Tuy nhiên, vào ngày cuối tháng 10/2010 vừa qua, gốc bồ đề thiêng này đã bị Công ty TNHH Thủ đô II “bứng” đi để thi công công trình chợ 19/12.
Hành động sai trái này bị lên án mạnh mẽ và vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ các tầng lớp nhân dân; hành động bị coi là vô lương tâm, vi phạm truyền thống đạo đức tâm linh của nhân dân Thủ đô. Sau năm ngày “bứng” đi, gốc bồ đề đã được đem về trồng lại nhưng khả năng phục hồi như cũ rất khó khả thi.[links()]
Và những gốc bồ đề của Thành phố còn rất nhiều mà chúng tôi chưa thể thống kê hết vẫn là những cây xanh hết sức quý giá cả về mặt tinh thần lẫn giá trị thực tiễn. Chúng cần được bảo vệ và trân trọng bởi vì đó là một phần không thể thiểu của một thành phố xanh, một thành phố vì hòa bình.
Kỳ Anh