* Từ 1-3, tăng giá vé máy bay 10-12%
(ĐNĐT) - Sáng 26-2, Bộ Công thương tổ chức họp báo chính thức công bố giá bán điện mới áp dụng từ 1-3-2010.
Giá điện bình quân năm 2010 tăng 6,8% (Ảnh: ĐNĐT) |
Theo đó, giá bán điện bình quân năm 2010 là 1.058 đồng mỗi kWh, tăng 6,8% so với giá bình quân năm 2009. Giá bán điện bình quân cho ngành sản xuất tăng 6,3%, thấp hơn mức tăng giá điện bình quân chung. Giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt bậc thang tăng 6,8% bằng tỷ lệ tăng giá điện bình quân. Giá bán lẻ bình quân cho cơ quan hành chính sự nghiệp là 6,3%, cho kinh doanh là 6,1%.
Đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt, nếu dùng dưới 50kWh/tháng, giá vẫn là 600 đồng/kWh như năm 2009. Nếu sử dụng từ 51 - 100kWh, giá mỗi kWh là 1.004 đồng thay vì 865 đồng như năm 2009. Từ 101 - 150kWh, giá điện là 1.214 đồng/kWh; từ 151 - 200kWh, giá điện là 1.594 đồng/kWh; từ 201 - 300 kWh, giá điện là 1.722 đồng/kWh; từ 300 - 400, giá điện là 1.844 đồng/kWh; trên 400kWh, giá điện phải trả 1.890đ/kWh.
Bộ Công thương cho biết quy định giá điện giờ cao điểm sáng vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2010, tuy nhiên để giúp giảm bớt một phần khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, giá điện có tỷ lệ tăng thấp hơn so với giá điện các giờ khác với mức tăng 2% - 4% tùy vào cấp điện áp sử dụng.
Theo ước tính của Bộ Công thương, giá điện tăng sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm 2010 khoảng 0,34%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,2 - 0,27%; giá thành các sản phẩm tăng từ 0,09% đến 3,5%. Giá điện tăng sẽ khiến cho các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỷ đồng tiền điện.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hữu Hào, việc tăng giá điện là bất khả kháng nhưng là cần thiết để thực hiện cơ chế thị trường, bởi các yếu tố đầu vào cho sản xuất điện như than, khí, dầu... đều tăng.
* Cũng từ ngày 1-3, giá trần vé máy bay hạng phổ thông của tất cả các chuyến bay nội địa sẽ tăng 10 - 12%, theo quyết định nâng trần cước vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Quyết định của Bộ Tài chính điều chỉnh mức tối đa khung giá cước hàng không tính theo 4 cự ly vận chuyển nội địa. Trong đó, chuyến bay có cự ly dưới 300 km có giá trần 681.818 đồng, từ 300 km đến dưới 500 km là 863.636 đồng, từ 500 km đến dưới 850 km là 1.181.818 đồng và cự ly 850 km trở lên có giá 1.818.182 đồng.
Với mức tăng giá này, giá vé chặng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng từ 1,811 triệu đồng như hiện nay lên 2,030 triệu/khách hạng phổ thông (gồm cả thuế VAT + thuế sân bay).
Giải thích với báo chí về sự điều chỉnh này, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, ở thời điểm này nếu giá trần vẫn là 1,619 triệu đồng cho chặng bay dài nhất thì không còn phù hợp. Đó là chưa kể so sánh giá này với các hãng hàng không khác trong khu vực với cùng đường bay có cự ly tương đương trong nội bộ nước họ, thì giá vé quy ra VNĐ cao hơn nhiều so với giá vé của Vietnam Airlines đang áp dụng cho chặng bay dài nhất. Đến thời điểm hiện nay, giá xăng cũng đã tăng lên. Chính vì vậy, ngành đã đề xuất Bộ Tài chính duyệt nâng giá trần lên từ 1,619 triệu đồng lên hơn 1,818 triệu đồng.
Đ.N