Sinh viên phải nộp 70 triệu đồng “chống trượt”
Bộ Công Thương khẳng định, nội dung tố cáo “việc thu tiền “chống trượt” của sinh viên Cao đẳng khóa C16 trái quy định” là có cơ sở và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, qua xác minh, làm việc với sinh viên là đầu mối thực hiện “thu tiền chống trượt”, đoàn thanh tra đã xác nhận có 22 sinh viên của lớp C16 ĐK-TĐH nộp tiền “chống trượt thi tốt nghiệp” với số tiền hơn 70 triệu đồng.
Số tiền này được sinh viên đại diện lớp đưa cho ông Chu Đức Toàn, Phó khoa Điều khiển – Tự động hóa. “Căn cứ kết quả xác minh cho thấy, ông Toàn có dấu hiệu chỉ đạo sinh viên và đã nhận tiền “chống trượt” thi tốt nghiệp với 22 sinh viên lớp C16 ĐK-TĐH nêu trên là trái quy định pháp luật”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo Thanh tra Công Thương, vụ việc trên là hành vi nhũng nhiễu của giáo viên với sinh viên, có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, quyền hạn thu lợi bất chính, vi phạm quy định đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo và uy tín, danh dự của Đại học (ĐH) Điện lực. Bộ Công Thương đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Chu Đức Toàn. Trong trường hợp có dấu hiệu hình sự, chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Bộ Công Thương cũng khẳng định, nội dung tố cáo Khoa Điều khiển – Tự động hóa thu lệ phí thực tập tốt nghiệp và Quỹ khoa không đúng quy định là đúng thực tế và có cơ sở. Theo kiểm tra, việc Khoa xây dựng Quỹ khoa là không đúng quy định về quản lý tài chính với đơn vị.
Khoa tự ý thực hiện một số khoản thu với sinh viên không có trong quy chế nhà trường, trái pháp luật. Một số khoản thu và việc tổ chức thực hiện trái quy định về đào tạo, quản lý tài chính của nhà trường như: Trả nợ học môn học, lệ phí thực tập, lệ phí thi lại lần 3… gây ảnh hưởng xấu, mất uy tín về công tác quản lý đào tạo của trường.
“Việc Khoa thu lệ phí 200 nghìn đồng/1 sinh viên và được thực hiện từ lâu là khoản thu sai quy định của pháp luật và nội quy, quy chế nhà trường. Lãnh đạo Khoa trong các thời kỳ đến thời điểm thanh tra để xảy ra sai phạm đã tự ý tổ chức thu và chi cho các thầy cô... là trái quy định pháp luật”, Đoàn thanh tra khẳng định.
Bộ Công Thương cho biết, để xảy ra những tiêu cực, nhũng nhiễu và sai phạm nghiêm trọng tại Khoa Điều khiển – Tự động hóa như trên, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy Khoa, lãnh đạo Khoa qua các thời kỳ từ khi bắt đầu có sai phạm gồm các nguyên lãnh đạo khoa là ông Chu Đức Toàn (Phó khoa), ông Nguyễn Ngọc Trung (Phó khoa) và trách nhiệm của lãnh đạo ĐH Điện lực trong công tác thiếu quản lý, giám sát, kiểm tra với hoạt động của các đơn vị cấp dưới.
Nhập nhèm trong thu - chi học phí
Bộ Công Thương còn chỉ ra hàng loạt vi phạm của ĐH Điện lực trong công tác thu - chi học phí. Kết quả kiểm tra cho thấy, ĐH Điện lực tồn tại một số dư công nợ phải thu của sinh viên trên phần mềm theo dõi học phí với số tiền lớn hơn tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 18,6 tỷ. Trong đó, các lớp có trong trường là 10,7 tỷ đồng, các lớp ngoài trường là 7,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Trường chưa rà soát, đối chiếu, phản ánh chính xác số tiền thu học phí của sinh viên. Trường cũng chưa đối chiếu chính xác số học phí của các lớp ngoài trường với phần mềm thu học phí.
Việc tổ chức học, thu học phí và thi kết thúc học phần tại ĐH Điện lực cũng không đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch. Trong công tác thu học phí tiềm ẩn rủi ro về công tác thu phí và đào tạo. Công tác thống kê, đối chiếu số liệu về sinh viên của Trường chưa đồng bộ, chưa thống nhất giữa các phòng, ban dẫn đến sự chênh lệch trong công tác kiểm tra, kiểm soát và theo dõi.
Về quản lý phôi bằng, kết luận thanh tra khẳng định, ĐH Điện lực chưa thực hiện quản lý phôi bằng theo quy định tại Thông tư số 19 về Quy chế quản lý tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đào tạo, chứng chỉ của hệ giáo dục quốc dân do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Năm 2017, ĐH Điện lực in lại phôi bằng theo logo mới nhưng không thực hiện huỷ bỏ phôi bằng cũ theo quy định. Trường không rà soát, đối chiếu, kiểm tra phôi bằng cấp, in và phát cho sinh viên giai đoạn 2011-2018; dẫn đến công tác quản lý phôi bằng trong giai đoạn này chưa thực hiện đúng theo quy định trong việc phát và thu hồi phôi bằng.
ĐH Điện lực cũng chưa rà soát các khoản kinh phí, lệ phí của các sinh viên phải nộp theo quy định mà thực hiện cấp bằng cho các sinh viên.
Né tránh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước?
Kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương cho thấy ĐH Điện lực chưa kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ với doanh thu hoạt động dịch vụ đào tạo tại chức chất lượng cao. Lãi hoạt động tài chính năm 2017 và 2018 được xác định với tổng số tiền là 60 tỷ đồng, trong đó doanh thu đào tạo tại chức là 22 tỷ, doanh khu đào tạo chất lượng cao là 32 tỷ, lãi phải thu của Trường Trung cấp Hồng Lam là 2 tỷ, thu từ hoạt động trông xe là 385 triệu. Trong khi đó, chi phí thuế VAT Trường tính thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp là 2 tỷ chưa đúng quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.