Hai doanh nhân là ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất Thương mại Hưng Thịnh (gọi tắt là Công ty Hưng Thịnh), chủ 2 KCN Đồng An 1 và 2 của tỉnh Bình Dương và ông Phạm Văn Hướng, Phó Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh.
Tại đây, Thượng tá Đặng Trọng Cường – Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, thay mặt Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đọc lời xin lỗi 2 ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh và ông Phạm Văn Hướng, Phó Tổng giám đốc công ty Hưng Thịnh và mong được 2 ông Lân, Hưởng chấp nhận lời xin lỗi.
Quang cảnh buổi xin lỗi công khai hai doanh nhân tại trụ sở công ty Hưng Thịnh
Đại diện Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát biểu: Năm 2003 trong quá trình điều tra vụ án, cán bộ điều tra đã chủ quan, có đề xuất nóng vội, bắt tạm giam hai ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng mà không có Lệnh bắt tạm giam hợp pháp, gây ảnh hưởng quyền lợi, thiệt hại… cho ông Lân và ông Hướng. Vụ việc này liên quan thế hệ trước đây nay đã nghỉ. Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ siết chặt kỷ cương, không để xảy ra sai sót…
Đại diện Văn phòng Cơ quan Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ đề xuất bồi thường cho 2 ông Lân, Hướng theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017.
Phát biểu trong buổi xin lỗi công khai của Bộ Công An, ông Bùi Mạnh Lân chấp nhận lời xin lỗi từ phía đại diện Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an và yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật về tố tụng cần phải cẩn trọng hơn và đặc biệt chấp hành kỷ cương luật pháp Nhà nước trước danh dự, uy tín của công dân, doanh nghiệp.
“Tôi đề nghị bộ Công an tiếp tục giải quyết, xử lý sai phạm của những người liên quan đến vụ việc này cho minh bạch, rõ ràng, không để trắng đen lẫn lộn. Vì những người có trách nhiệm chính vẫn chưa bị xử lý đúng pháp luật. Pháp luật cần phải thực thi công bằng, nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa và không có ngoại lệ nào trước bất kỳ ai đã gây ra oan sai” - ông Bùi Mạnh Lân phát biểu.
Quang cảnh buổi xin lỗi công khai hai doanh nhân tại trụ sở công ty Hưng Thịnh
Đề cập đến vấn đề bồi thường oan sai, ông Lân nêu ý kiến cá nhân mình và gia đình ko nhận bất kỳ khoản bồi thường từ cơ quan chức năng, ông Lân nói: “Tiền bồi thường từ nguồn nào cũng là thuế của người dân đóng, mà người dân không có lỗi gì trong sự việc này. Uy tín doanh nghiệp của tôi và gia đình không được tính bằng tiền, nên đối với tôi tiền không thể mua lại được những ngày tháng tù tội khi bị bắt".
Phát biểu mong muốn của cá nhân và gia đình, ông Phạm Văn Hướng yêu cầu phía bộ Công an phải làm rõ sai phạm của những người đã bắt giam oan mình và bồi thường thiệt hại cho ông theo đúng quy định của Nhà nước, không thể để những người được nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao trọng trách bảo vệ an nin, an toàn cho người dân và đất nước lại đứng trên pháp luật, gây oan sai cho ông và nhiều người khác. Theo hồ sơ vụ án, tháng 4/2003, Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” tại Công ty Gas Bình Dương (trụ sở tại KCN Đồng An 1- Bình Dương) do Công ty Hưng Thịnh làm chủ đầu tư xảy ra vào tháng 9/2000.
Ngày 29/4/2003, ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng bị Bộ Công an phối hợp với Công an TP HCM và Công an tỉnh Tiền Giang thi hành lệnh bắt để điều tra. Và từ lá đơn tố cáo thiếu căn cứ của giám đốc Công ty Gas Bình Dương, Cơ quan điều tra ghép ông Lân và ông Hướng “có quan hệ với nhóm tội phạm Năm Cam” và xem vụ việc 2 ông là “Chuyên án Năm Cam giai đoạn 2”
Đại diện Bộ Công an gửi lời xin lỗi và tặng hoa cho hai doanh nhân
Quá trình điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” nêu trên, Thiếu tá Nguyễn Văn Nên - nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT và Nguyễn Tuyến Dũng - điều tra viên, thuộc Công an tỉnh Tiền Giang, lợi dụng việc điều tra án, đứng ra “giải quyết” tranh chấp khu đất 23.383 m2 đất giữa vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Cư - Huỳnh Thị Thu, với Công ty Hưng Thịnh của ông Bùi Mạnh Lân, trong khi vụ tranh chấp đang được tòa án thụ lý giải quyết. Hai cán bộ điều tra Nên và Dũng đã ép ông Lân phải trả đất cho vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Cư - Huỳnh Thị Thu để họ trả 5,2 tỷ đồng cho ông Lân. Sau đó ông Nên và Dũng lấy số tiền trên đem gửi ngân hàng lấy lãi bỏ túi riêng.
Ngày 27/8/2003, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với ông Lân cùng hai người khác trong vụ án này. Ngày 16/8/2004 Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Lân, ông Hướng và 5 người khác.
Hai ông Lân - Hướng đã gửi đơn đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra vụ án của một số cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang.
Qua xác minh, ngày 7/6/2011, Cục điều tra hình sự Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang do có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng dẫn đến việc bắt, giam giữ người trái pháp luật xảy ra tại Bình Dương. Hiện nay Nguyễn Tuyến Dũng đang thụ án 4 năm tù, còn Nguyễn Văn Nên bị tâm thần phải vào bệnh viện chữa trị nên tòa án chưa xét xử.
Hai doanh nhân được minh oan và nhận hoa chúc mừng của người thân và bạn hữu
Việc bắt tạm giam ông Bùi Mạnh Lân 41 ngày, bắt tạm giam ông Phạm Văn Hướng 63 ngày mà "không có lệnh hợp pháp", Bộ Công an xác định ông Lân, ông Hướng thuộc trường hợp được xem xét giải quyết theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước nên chính thức tổ chức xin lỗi công khai 2 doanh nhân này.