Trả lời cử tri mới đây, Bộ Công an khẳng định, trước tình trạng tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" diễn biến phức tạp, Bộ đã tham mưu ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Đồng thời đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, huy động các phương tiện và triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Trong một năm qua, lực lượng công an đã triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm hoạt động liên quan đến "tín dụng đen", khởi tố điều tra trên 400 vụ, trên 700 bị can về các tội danh liên quan.
Điển hình, tại TP HCM đã phát hiện 41 đối tượng thiết lập 3 ứng dụng điện thoại di động để hoạt động cho vay lãi nặng (lãi suất lên đến 2,5%/ngày, tương đương 912,5%/năm), khởi tố đối với 5 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Bên cạnh đó, để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, cho vay qua các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phối hợp với NHNN tham mưu với Thủ tướng nghiên cứu, ban hành cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.
Bộ Công an cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý hoạt động liên quan đến "tín dụng đen", nhất là các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng "vay qua app" trên các thiết bị điện tử.
Trong đó trọng tâm là phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TT&TT tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh tài chính, tiền tệ; kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi trực tuyến.
Tập trung phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự.
Bộ Công an cũng sẽ phối hợp NHNN tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý loại hình công ty cho vay trực tuyến, vay ngang hàng (P2P Lending)...
* Liên quan lĩnh vực, tại buổi gặp mặt báo chí vào sáng 21/12/2020, Thượng tá Trần Văn Phú, Phó Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP HCM cho biết, hoạt động cho vay “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê theo kiểu cũ rất dễ chứng minh hành vi phạm tội và cơ quan công an đã khám phá nhanh nhiều vụ án.
Hiện tại, các đối tượng tội phạm ở lĩnh vực này đang phát triển mạnh theo hướng tinh vi hơn như cho vay qua app, sử dụng mạng internet để hoạt động. Ngoài ra, các đối tượng tội phạm cho vay với số tiền nhỏ nên người dân dễ tiếp cận.
"Chỉ cần điện thoại smartphone, người dân có thể vay được tiền thông qua app mà không hề hay biết các đối tượng cho vay nặng lãi đã nắm hết thông tin cá nhân cũng như người thân. Khi người dân trả tiền không kịp thì sẽ bị đe dọa, tạt chất bẩn", Thượng tá Phú thông tin.
Các đối tượng hoạt động loại hình này đa số từ miền Bắc vào TP HCM và thuê nhà, chung cư hạng sang để ở. Đồng thời, các đối tượng này phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân.
Lý giải tình hình tội phạm “tín dụng đen” tăng nhanh trong năm 2020, Thượng tá Phú cho rằng các đối tượng này câu kết người Trung Quốc, trụ sở ở Trung Quốc. Sau đó, các đối tượng người Trung Quốc sẽ ký hợp đồng với các công ty mở dịch vụ đòi nợ ở Việt Nam, đồng thời cung cấp thông cho các công ty này để trực tiếp ký hợp đồng với người vay tiền gây khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình điều tra.
"Phòng PC02 sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an 24 quận, huyện kiểm tra, bắt và bắt cho bằng được các đối tượng cầm đầu tại Việt Nam để xử lý", Thượng tá Phú khẳng định.
Nói về loại tội phạm này, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, PGĐ Công an TP HCM cho biết, các đối tượng phạm tội hoạt động chủ yếu trên không gian mạng và thích ẩn náu tại nhà cao tầng để qua mặt cơ quan chức năng. "Trong thời gian tới, Công an TP HCM ưu tiên xử lý tội phạm “tín dụng đen” để mang lại sự bình yên cho người dân", Đại tá Quang nói.
Giữa năm 2020, Công an TP HCM phát đi thông tin cảnh báo phương thức hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi thông qua các app điện tử cài đặt trên điện thoại di động.
Điển hình, Công an TP triệt phá băng nhóm do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu hoạt động cho vay nặng lãi thông qua app điện tử chuyên dụng cho điện thoại di động.
Các đối tượng này tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động hệ điều hành Android để cho vay tiền mang tên "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online" và quảng cáo trên internet, các trang mạng xã hội Facebook, Youtube để người có nhu cầu vay tiền tự liên lạc.
Để vay tiền, người vay tiền phải tạo tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số CMND, hình CMND, số tài khoản ngân hàng) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn. Trong đó, có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động.
Người vay thỏa mãn đầy đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Mỗi ứng dụng được quy định số tiền cho vay, cách tính lãi suất, phí dịch vụ… khác nhau.
Đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả nợ thì nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay để chửi bới, đe dọa và yêu cầu những người này phải nói người vay trả tiền cho công ty.
Với hình thức cho vay với lãi suất nêu trên thì các đối tượng đã cho vay với lãi suất 2.5%/ngày, 17.5%/tuần, 75%/tháng và 912.5%/năm.
Công an TP HCM thông báo ai phát hiện những app cho vay tiền có dấu hiệu nghi vấn cho vay lãi nặng thì liên hệ Phòng Cảnh sát hình sự qua số điện thoại 0693187200 để cung cấp thông tin.