Tại cuộc họp báo của Bộ Nội vụ chiều nay (20/8), phóng viên đặt câu hòi: Bộ Công an vừa sắp xếp lại bộ máy theo hướng bỏ cấp tổng cục nhưng lại hình thành nhiều cục với bộ máy khá lớn như Cục Truyền thông vừa thành lập có 13 cục phó với 21 đơn vị cấp phòng, ban trực thuộc, như vậy liệu có đảm bảo về số lượng cấp phó theo quy định cũng như nguyên tắc tinh gọn bộ máy?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng khi sắp xếp, sáp nhập, bên cạnh cái được rất lớn thì khi sắp xếp cũng có thời kỳ quá độ, đặc biệt là chính sách về cán bộ bởi công tác cán bộ của chúng ta là một quá trình phấn đấu, học tập, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng lâu dài.
"Cuộc cách mạng của chúng ta khác, cán bộ của chúng ta được rèn luyện, học tập, phấn đấu cả một quá trình. Vì vậy khi sắp xếp, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có độ trễ một chút", ông nói.
Nói chi tiết, bà Đào Thị Hồng Minh – Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế - cho biết, thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị trung ương 6 khóa XII và Kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Nghị quyết 18, Bộ Công an là một trong những Bộ đi đầu trong vấn đề xây dựng Đề án về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Bộ Công an đã xây dựng Đề án và trình Bộ Chính trị thông qua. Bộ chính trị đã cho chủ trương đồng ý việc bỏ tổng cục thuộc Bộ Công an. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Công an theo hướng bỏ 6 tổng cục và bỏ 96 cục thuộc 6 tổng cục đó, đồng thời thành lập mới thêm các cục thuộc Bộ.
“Khi sắp xếp lại như vậy số lượng cấp phó sẽ tăng thêm và cao hơn so với quy định. Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã cho ý kiến chỉ đạo, theo đó sau khi triển khai thực hiện số cấp phó có thể tăng thêm, cao hơn nhưng đến năm 2021, đảm bảo số cấp phó sẽ thực hiện theo đúng quy định. Bộ Công an đã cam kết thực hiện”, bà Minh nêu rõ.