Có mặt tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 lúc đơn vị đang tổ chức báo động kiểm tra công tác phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn với những động tác khẩn trương, nghiêm túc của các cán bộ, chiến sĩ, có thể thấy rằng đơn vị đã sẵn sàng để có thể thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 6 cho biết: “Các buổi báo động kiểm tra như thế này sẽ giúp các cán bộ, chiến sĩ luôn có tinh thần cảnh giác cũng như nhận thức đúng đắn về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm mình trong công tác phòng chống lụt bão.
Đồng thời, chúng tôi cũng quán triệt rõ để các cán bộ, chiến sĩ nắm được địa bàn hoạt động, các vùng trọng điểm xung yếu, nguy hiểm thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất.
Bên cạnh đó, việc rèn luyện cho các cán bộ, chiến sĩ nắm được những kỹ năng quan trọng, cần thiết, để vừa kịp thời giúp đỡ nhân dân trong phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai một cách hiệu quả vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bản thân và nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.”
Sự chủ động, tích cực trước mùa mưa bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra |
Với tư tưởng “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời tích cực, chủ động ứng cứu nhanh khắc phục khẩn trương và hiệu quả trong đó lấy phòng, tránh là chính, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị, phương tiện", Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “5 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và tự quản tại chỗ).
Tổ chức hội nghị hiệp đồng với các sở, ban, ngành chức năng, Sư đoàn 968, Vùng 3 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 2 và các đơn vị đóng quân trên địa bàn nhằm thống nhất phương án, sẵn sàng xử lý các tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đến thời điểm này, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban CHQS 9 huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức hiệp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, đề ra các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện. Đồng thời, xác định rõ các khu vực trọng điểm dễ bị tác động bởi thiên tai để có phương án sử dụng lực lượng, phương tiện hợp lý hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
“Đối với địa bàn huyện Phong Điền là một địa phương thường xuyên xảy ra những sự cố thiên tai và gây thiệt hại lớn về tài sản đối với người dân vì vậy để có thể có thể hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra cho bà con thì Đảng ủy, Ban chỉ huy quân sự huyện đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp kiện toàn, bổ sung kịp thời đối với Ban chỉ đạo PCLB – TKCN của cấp huyện và cấp xã, trên cơ sở đó đã phân công, phân nhiệm cho từng đồng chí trong Ban chỉ đạo, thành viên Ban chỉ đạo từng địa bàn, từng lĩnh vực, từng ngành mình đảm nhiệm.
Tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án, phương tiện phòng chống tìm kiếm bão lụt, đặc biệt là áo phao, phao bơi và các phương tiện phòng chống bão lụt, đồng thời chỉ đạo cho Ban chỉ huy các phường, các cơ quan tổ chức giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng ứng phó sự cố và kỹ năng ứng cứu sự cố, đặc biệt động tác bơi lội, động tác phòng chống nhà cửa, động tác cứu sập”. Thiếu tá Nguyễn Tấn Thắng - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Phong Điền cho biết.
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo PCTT – TKCN tỉnh kiểm tra các dụng cụ, phương tiện tham gia phòng chống bão lụt |
Là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của địa phương nên ngoài làm tốt công tác giáo dục, quán triệt cho 100% cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhận thức rõ trách nhiệm của mình, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chủ động mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ và chỉ huy trong toàn LLVT tỉnh.
Tập trung huấn luyện các kỹ năng về kỹ thuật bơi, phương pháp cứu người khi bị nạn; phương pháp di chuyển người, vũ khí trang bị kỹ thuật và cơ sở vật chất ra khỏi vùng lũ, lụt....
Đồng thời, chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự 9 huyện, thị, thành, 152 xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc tổ chức luyện tập các phương án phòng chống bão lụt, phân công, phân nhiệm lực lượng về các địa bàn trọng điểm, tổ chức lực lượng canh trực 24/24 giờ, kiểm tra, đăng ký các phương tiện xe máy, tàu, thuyền trên địa bàn.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trực 100% quân số sẵn sàng cơ động phòng chống bão lụt. Bảo quản, bảo dưỡng, điều động 40 xuồng cao tốc, 78 xuồng, thuyền các loại, 31 xe tải, xe lội nước, trên 2500 phao tập thể, phao cá nhân; 130 nhà bạt và hàng ngàn lít xăng, dầu, hệ thống thông tin liên lạc.v.v...
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo PCTT – TKCN tỉnh cho biết:
“Với những diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp và khó lường do đó Ngay từ đầu năm, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo từ cơ quan đến các đơn vị cơ sở tổ chức xây dựng các phương án phòng án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn một cách chặt chẽ, nghiêm túc, tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch để sát với tình hình thực tế.
Đặc biệt chú trọng vào các vùng, các khu vực trọng điểm, xung yếu thường xuyên xảy ra lũ lụt, lũ quét, sạt lỡ đất, kể cả đất liền và trên biển. Bộ CHQS tỉnh cũng đã sẵn sàng các phương tiện, lực lượng tốt nhất để có thể sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra.”
Một mùa mưu bão đã cận kề, với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, xem nhiệm vụ "Phòng, chống thiên tai cũng như đánh giặc" tin rằng cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chủ động và sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi có mưa bão xảy ra trên địa bàn.