Bỏ chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm để tránh lãng phí và bất công?

Sinh viên sư phạm ra trường có việc làm, lương cao - sẽ hút được thí sinh giỏi?  (Ảnh minh họa)
Sinh viên sư phạm ra trường có việc làm, lương cao - sẽ hút được thí sinh giỏi? (Ảnh minh họa)
(PLO) - Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, miễn học phí hoàn toàn đối với sinh viên sư phạm. Đây là một sự bất công rất lớn.

Vào những năm 90, nhiều người quan niệm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, chính vì vậy thiếu hụt giáo viên và dẫn đến chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm ra đời. Nhưng liệu chính sách này còn phù hợp với hiện nay hay không? Khi mà tại những trường ĐH, CĐ địa phương, “đầu vào” những năm gần đây quá tệ, hơn nữa, sinh viên ra trường, chưa hẳn đã theo nghiệp nhà giáo…

Tránh lãng phí, bất công?

Tại nhiều hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với nhiều đơn vị, bộ, ngành tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất cần bỏ ngay chính sách miễn học phí đại trà cho sinh viên sư phạm vì chính sách này đã không còn phù hợp. Đề xuất này ngay sau đó đã nhanh chóng trở thành chủ đề nóng, được xã hội quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên, chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm phát huy tốt trong khoảng 10 năm (từ 1998 đến 2008). Tuy nhiên, thời gian gần đây, do có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên, chỉ tiêu đào tạo hàng năm nhiều nên có nhiều sinh viên học sư phạm được hưởng chế độ miễn học phí lại không có cơ hội phục vụ ngành giáo dục. Điều này dẫn đến việc lãng phí kinh phí khi miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

Ngoài ra, chính sách miễn học phí sư phạm và cấp bù số học phí này cho các nhà trường tính theo số lượng sinh viên cũng làm cho một số trường trong giai đoạn vừa qua đã cố gắng tăng số lượng sinh viên, dẫn đến hiện tượng dư thừa giáo viên.

Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, cần bỏ ngay chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm và chỉ xét cấp học bổng cho những em nào cực kỳ khó khăn để bù lại phần học phí đã đóng.

Theo ông Dũng, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có một ngành sư phạm truyền thống (sư phạm tiếng Anh) và 12 ngành sư phạm về kỹ thuật. Trong suốt 10 năm qua, trường miễn học phí hoàn toàn đối với sinh viên sư phạm. Đây là một sự bất công rất lớn.

Ông Dũng đã chỉ ra 3 điều bất hợp lý này, cụ thể: Thứ nhất, chúng tôi nhận mỗi năm khoảng từ 5-8 tỷ đồng cấp bù sư phạm, nhưng cũng trong 10 năm qua chúng tôi phải bù lỗ cho số sinh viên này khoảng 30 tỷ đồng. Cấp bù sư phạm ít thì các trường sư phạm gặp khó khăn trong việc không thu hút được nguồn lực để đào tạo cho “ra ngô, ra khoai”.

Thứ 2, lấy tiền của sinh viên đóng học phí để “nuôi” sinh viên sư phạm cũng là điều quá bất hợp lý. Thứ 3, tôi thấy rằng với thu nhập bình quân của người dân được nhích lên thì đối với các gia đình nông thôn, học phí không phải vấn đề họ lo nữa mà vấn đề là làm sao có việc làm.

Ông Dũng cũng đưa ra phép tính: “Tính trung bình ở TPHCM, một sinh viên tính cả chi phí ăn ở lẫn học phí thì sẽ tốn khoảng 150 triệu đồng trong suốt 4 năm học. Khi ra trường các em làm mà lương khoảng 10 triệu đồng/tháng thì chỉ một năm là đã “gỡ” lại chi phí trên”. Ông cũng cho rằng, đối với ngành Sư phạm kỹ thuật thì trường gặp nhiều khó khăn hơn vì phải cấp 2 bằng (bằng kỹ sư và bằng sư phạm) nhưng 90% sinh viên sư phạm giỏi đi ra đều làm công ty, xí nghiệp hết mà không có chế tài ràng buộc nào. Như vậy Nhà nước cấp một khoản bù học phí, nhà trường cũng cấp thêm một khoản tương tự nữa nhưng thành ra đều “trôi sông” hết. Lẽ ra chính các em đang học ở trường hệ ngoài sư phạm được hưởng nhưng lại phải bù lỗ là điều không hợp lý. 

Nếu phải đóng học phí, sinh viên sư phạm sẽ bỏ học?

Ngược lại với quan điểm trên, nhiều thầy cô lại cho rằng, nếu thí sinh nhìn vào ngành sư phạm, thấy xin việc khó, lại phải đóng học phí thì đương nhiên các em sẽ có những lựa chọn thiết thực hơn. Thậm chí các em sẽ bỏ học giữa chừng. Đồng thời, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, thay vì miễn học phí đại trà, chỉ nên miễn “đúng địa chỉ” và đúng đối tượng đầu tư của Nhà nước để tránh lãng phí.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Việc bỏ chính sách này nếu thực hiện cũng cần phải mở ra những “cánh cửa” khác cho sinh viên yêu thích sư phạm như chính sách cho vay đi học có kèm theo cam kết về dạy đúng “địa chỉ” sẽ được miễn tiền nợ. Đồng thời, Nhà nước, Bộ GD&ĐT phải thống nhất một đầu mối quản lý đội ngũ giáo viên và phải đào tạo theo một cơ chế phù hợp, tránh tình trạng đào tạo và tuyển dụng theo kiểu “bốc thuốc” như hiện nay.

Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định: hiện nay có hai luồng ý kiến. Sinh viên được đặt hàng đào tạo không phải trả học phí và có trách nhiệm cam kết và thực hiện theo sự phân công của Nhà nước. Nếu không chấp hành đúng thì sẽ phải trả Nhà nước tiền đã được đầu tư.  Luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng, sinh viên học sư phạm phải nộp học phí, khi ra trường, sinh viên nào công tác trong ngành sư phạm một thời gian sẽ được Nhà nước hoàn trả học phí.

PGS Trần Xuân Nhĩ đồng tình với luồng ý kiến thứ nhất, bởi hiện nay ở nhiều nơi cha mẹ nuôi con đi học đại học rất khó khăn do đó Nhà nước nên đặt hàng cơ sở đào tạo, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của người học. Và trong thời gian tới, khi quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm thì cần phải nêu rõ chiến lược phát triển giáo dục phổ thông, kết cấu hệ thống, quy mô ra sao để từ đó định hướng tới số lượng học sinh, số lớp học, tính toán số giáo viên... 

TS Trần Lương cho biết, theo kết quả nghiên cứu của khoa sư phạm ĐH Cần Thơ, có 50,5% sinh viên được hỏi chọn ngành sư phạm do được miễn học phí. Nếu ngành sư phạm phải đóng học phí, có 55,8% sinh viên nói sẽ bỏ học. 22,1% sinh viên khẳng định vẫn tiếp tục học. Nếu như chính sách miễn học phí không còn được duy trì thì việc thu hút sinh viên vào sư phạm sẽ khó hơn. 

Do đó, PGS.TS Nguyễn Thám - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho rằng cần phải có lộ trình cho việc bỏ cấp bù cho sinh viên sư phạm. Theo ông Thám, thống kê số liệu qua các năm từ 2011đến 2017 thì thấy rằng ngân sách cấp bù sư phạm qua các năm này tăng đều. Chẳng hạn hiện nay là 483 tỷ đồng với khoảng trên 50.000 chỉ tiêu vào sư phạm. Chúng tôi cũng tính rằng hiện nay với khoảng 50-60% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm thì con số lãng phí cho ngân sách cũng khá lớn. Tuy nhiên nếu ngay từ bây giờ bỏ chính sách cấp bù cho sinh viên sư phạm thì các trường sư phạm hết sức khó khăn và khả năng chỉ tuyển được 40-50% chỉ tiêu. Bởi vậy, nếu quy hoạch lại mạng lưới các trường, khống chế được chỉ tiêu và dần dần cân bằng giữa cung và cầu thì lúc đó tiến đến bỏ cấp bù cho sinh viên sư phạm. Lúc đó mới hướng đến việc các trường sư phạm được tự chủ toàn diện trong hoạt động đào tạo của mình

Trước vấn đề này, GS Đào Trọng Thi nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng, cũng đề xuất cho sinh viên sư phạm vay tín dụng và miễn trả nợ cho các em ra trường làm đúng nghề. Các sinh viên sau tốt nghiệp không đi dạy sẽ phải trả nợ cho ngân hàng. Bởi theo ông, thực chất chính sách ưu đãi học phí là không thay đổi, nhưng chúng ta có cơ chế để thu lại được khoản cấp bù học phí với những em không làm đúng nghề. Thực tế, trước đây quy định miễn học phí cũng kèm yêu cầu sinh viên cam kết sau khi tốt nghiệp phải phục vụ cho ngành giáo dục, nếu không phải trả lại tiền cho Nhà nước. Nhưng trên thực tế, khoản cấp bù học phí cho những em làm trái ngành không được thu lại. Lý do là Nhà nước chưa có cơ chế thu và sinh viên nói không được bố trí công việc dù sẵn sàng đi dạy. Việc để học sinh làm việc với ngân hàng theo gói vay tín dụng để nộp học phí, theo ông Thi, sẽ giải quyết được vướng mắc nêu trên.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, nhóm nghiên cứu Dự thảo Luật Giáo dục Đại học thì cho rằng khi mức học phí tăng lên thì chính sách miễn học phí ngành sư phạm sẽ tác động rất lớn đến người học. Với mức học phí có thể tăng lên như vậy thì chính sách miễn học phí sẽ có tác động rất lớn. Nếu như muốn học ở các trường tốt hoặc muốn học các trường theo nhu cầu của mình, thì lúc đó những sinh viên nghèo không có điều kiện. Vậy chính sách miễn học phí sẽ thúc đẩy và thu hút sinh viên đến với trường sư phạm nhiều hơn.

 “Nếu bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm, nhà nước phải tạo việc làm sau ra trường cho sinh viên và trả lương cao với giáo viên. Để giải quyết được việc đó, cần quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Theo ông Vỳ, chỉ nên để một số cơ sở lớn làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên, các trường đa ngành hay cao đẳng không nên tuyển sinh ngành này nữa” - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.