Trong vòng ba ngày, tỷ giá đồng tiền này đã tăng 20%. Trong năm nay, lượng điện sử dụng để khai thác Bitcoin đã nhiều hơn lượng điện tiêu thụ trung bình của các nước nhỏ, ví dụ như Ireland. Tại sao Bitcoin tăng nhanh như vậy? Đó là một phép lạ tài chính hay lại là bong bóng lớn nhất của thế kỷ 21?
“Tay chơi” Trung Quốc?
Sự nhảy vọt mạnh mẽ của tỷ giá Bitcoin có thể được giải thích bằng hành động của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Tuần trước, họ đã đổ vào nền kinh tế 810 tỷ nhân dân tệ (NDT) thông qua các thỏa thuận mua lại (REPO) - mua vào chứng khoán của các công ty địa phương với cam kết sẽ bán ra. Do đó, có thể giả định rằng các doanh nhân Trung Quốc đã đầu tư lượng tiền thu được vào thị trường tiền tệ, và điều này càng làm tăng thêm sự hấp dẫn của Bitcoin.
Tại sao lại đưa ra giả định này? Bởi vì tỷ giá Bitcoin vọt lên trùng hợp với những hành động của Trung Quốc, và nước này trước đến nay vẫn là một “tay chơi” lớn trên thị trường tiền ảo. Hơn 85% các thiết bị được sử dụng trên thế giới để khai thác Bitcoin được sản xuất tại Trung Quốc. Hơn một nửa công suất đào tiền ảo là ở Trung Quốc. Cuối cùng, cho đến gần đây, 95% các giao dịch Bitcoin hiện được trao đổi bằng tiền “nhân dân tệ”.
Gần đây, chính quyền Tập Cận Bình đã áp đặt lệnh cấm tất cả các giao dịch tiền ảo trong nước. Tuy nhiên, điều này đã không làm thị trường giao dịch hoặc các nhà đầu tư nhụt chí. Việc giao dịch chỉ đơn giản là chuyển sang các khu vực pháp lý khác, mở các trụ sở chính tại Singapore, Nhật Bản. Ngoài ra, một phần đáng kể các giao dịch được chuyển ra bên ngoài thị trường (OTC).
Về cơ bản mọi thứ xảy ra theo thỏa thuận ngang hàng (P2P). Nghĩa là, nói đại khái, nếu một người muốn mua Bitcoins, và một người muốn bán cho họ, thỏa thuận mua bán hai chiều sẽ được thực hiện trực tiếp. Vào đầu tháng Chín, thị phần giao dịch OTC bằng “nhân dân tệ” là không quá 5%, nhưng một tháng sau đã lên đến 20%, và vào đầu tháng 11, khi tất cả sàn giao dịch tiền ảo Trung Quốc chính thức bị đóng cửa, chỉ số này đã tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, điều này giải thích cho cú tăng tỷ giá mới nhất của Bitcoin. Đồng tiền ảo này đã tăng giá trị đều đặn trong cả năm nay. Cuối năm 2016 Bitcoin có giá không quá 1.000 USD. Như vậy, trong một năm giá của nó đã tăng gần 10 lần. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, chỉ có các “kim tự tháp” về tài chính là sánh được.
Người đứng đầu JP Morgan Jamie Dimon tuyên bố: Bitcoin - một bong bóng tài chính chắc chắn sẽ bùng nổ, mặc dù giá trị của Bitcoin vào thời điểm đó có thể đạt khoảng 20.000 USD. Nhà tài chính cũng hứa sẽ đuổi việc bất kỳ nhân viên nào của JP Morgan bị phát hiện giao dịch tiền ảo. Ông tin rằng những người tham gia vào các hoạt động tiền ảo là “kẻ ngốc” và “loại tiền tệ này sẽ không làm việc. Không thể có một công việc kinh doanh nào để mọi người có thể tái tạo tiền tệ từ không khí và nghĩ rằng những người mua nó thực sự thông minh “, Dimon nói. Đoạn trích dẫn này ngay lập tức lan truyền khắp các phương tiện truyền thông thế giới.
Trong khi đó Zhang Ning, chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính, lại không đồng ý với quan điểm này. Theo ông, Bitcoin có giá trị thực tế: “Bất kỳ sự đổi mới nào đều bị con người chối bỏ về mặt tâm lý. Trong xã hội nguyên thủy, người ta sử dụng vỏ ốc như tiền tệ. Sau đó là tiền kim loại. Trên thực tế, bất cứ thứ gì đều có thể trở thành tiền bạc. Điều chủ yếu là nó được phổ biến rộng rãi và được toàn xã hội công nhận như một thước đo giá trị. Bitcoin bây giờ là một thước đo giá trị mới. Ngoài ra, số lượng tối đa có thể đưa vào lưu thông là có hạn. Đặc tính như vậy là một con dao hai lưỡi. Một mặt, do bản chất của nó là giới hạn số lượng trong lưu thông, số lượng Bitcoin không tăng tương ứng với tốc độ tăng trưởng GDP hay lực lượng sản xuất.
Trên thực tế, đó là lý do tại sao Bitcoin không thể là một phương tiện thanh toán chính thức ở một quốc gia hoặc trên toàn cầu. Mặt khác, bản chất giới hạn của Bitcoin lại là một đảm bảo cho sự tăng giá liên tục của nó. Việc sử dụng Bitcoin ở một mức độ nào đó cho phép điền vào sự thiếu hụt trong vấn đề tiền tệ. Không thể gọi đó là một loại tiền tệ, chỉ có thể được coi là một phương tiện tiết kiệm, hay là một tài sản nhưng nó có giá trị cao, và đây là đồng tiền ảo đầu tiên. Bitcoin đã thay đổi ý tưởng của mọi người về việc tiền tệ sẽ như thế nào”.
“Bóng ma” Bitcoin
Khi người sáng tạo ra Bitcoin (hoặc một nhóm người) dưới bút hiệu Satoshi Nakamoto viết cuốn “sách trắng”, có vẻ ông cũng không nghĩ tới việc “đứa trẻ” của mình sẽ đắt hơn vàng nhiều lần. Đầu tiên chỉ có các lập trình viên, những người quan tâm đến mật mã, khai thác và trao đổi Bitcoin như một thứ gì đó khá là thú vị, chứ không phải là một loại tiền tệ hay một tài sản có giá trị. Nakamoto, với một lượng dự trữ lớn tiền ảo vào thời điểm đó, phát hiện ra rằng số lượng tối đa đưa vào lưu thông được giới hạn ở mức 21 triệu Bitcoin. Hiện tại, khoảng 80% số này đã được khai thác và sự phức tạp trong việc đào mỏ ngày càng tăng. Nếu lúc đầu bạn có thể thu được Bitcoin ngay trên máy tính cá nhân ở nhà, thì bây giờ một máy tính gia đình phải làm việc 20 năm để đào được 1 Bitcoin. Hiện nay, việc khai thác được thực hiện trong các trung tâm dữ liệu khổng lồ, phần lớn nằm ở Trung Quốc. Chẳng hạn, ở Ordos (Nội Mông) có một trại 25.000 máy chạy suốt 7 ngày trong tuần, tiêu thụ 960 MW điện mỗi ngày. Để so sánh, đây là gần 8% lượng tiêu thụ năng lượng hàng ngày của Moskva.
Cho đến nay, các chuyên gia đã không ngừng tranh luận Bitcoins là gì - một công cụ tài chính hữu ích hay một bong bóng khổng lồ. Những người bảo thủ, chẳng hạn như Chủ tịch của JP Morgan thuyết phục rằng Bitcoins là một bong bóng, vì nó không được đảm bảo bằng bất cứ thứ gì. Các đối thủ phản đối lại: Có gì bảo đảm cho đồng tiền thực? Hệ thống Bretton Woods bản vị vàng đã không còn nữa. Chúng ta có thể nói rằng bất kỳ loại tiền tệ nào cũng được bảo đảm bởi nền kinh tế, GDP của đất nước, và do đó, bởi sự tin tưởng của những người tham gia thị trường. Theo lời của Zhang Ning từ Trung Quốc, cũng có thể nói như vậy về Bitcoin. Nó được bảo đảm bằng năng lực khai thác. Nhu cầu về Bitcoin là có thật và lớn nhất, như chúng ta đã thấy. Bất kỳ nhà đầu tư nào có một lượng Bitcoin đáng kể, có thể đột nhiên bán tháo ra, và là sự sụp đổ thị trường trong ngắn hạn.
Thực tiễn cho thấy thị trường đang hồi phục nhanh chóng. Những gì sẽ xảy ra khi tất cả 21 triệu Bitcoin được khai thác - đó là một câu hỏi lớn. Cho đến nay, giả định việc này sẽ tạo ra một sự nhảy vọt của tỷ giá tiền ảo, là hợp lý. Xét cho cùng, lạm phát là do vấn đề tiền bạc. Và tất cả những gì thiếu hụt, trái lại, sẽ trở nên đắt đỏ hơn.../.