Mạng lưới giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Trong nhiều năm qua, Bình Thuận là một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều điểm chưa hoàn thiện dẫn đến ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Thuận xác định giao thông đối ngoại, kết nối Bình Thuận với các tỉnh lân cận đặc biệt là kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là điểm hạn chế của tỉnh.
Nhận thức được điều đó, các cấp, các ngành của tỉnh Bình Thuận đã cố gắng phấn đấu tìm ra nhiều giải pháp, nhiều phương án đầu tư xây dựng hạ tầng; mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường nhằm khắc phục những hạn chế đang tồn tại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Điển hình là đã đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển về hướng bắc; từ trung tâm Phan Thiết đi Bắc Bình, Bắc Bình đến Tuy Phong. Về phía Nam, làm mới trục đường ven biển ĐT719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà có chiều dài gần 25 km. Chiều rộng nền đường 28 m, mặt đường 16 m, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Đồng thời cũng đầu tư, nâng cấp tuyến đường ĐT719 có tổng chiều dài gần 33 km; chiều rộng nền đường 9 m. Riêng đoạn trùng với đường Nguyễn Công Trứ chiều rộng nền đường lên tới 20 m. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 600 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách của tỉnh.
Dự kiến cả 2 tuyến đường ĐT719 và ĐT719B đến năm 2022 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là tiền đề cho phát triển du lịch bền vững giữa các huyện, thị phía Nam tỉnh Bình thuận và xa hơn là với các tỉnh, thành liền kề như TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận thông qua kết nối tuyến đường ĐT719, ĐT719B với các tuyến Quốc lộ 1A, 55, 28…
Tuyến đường ĐT716B Bình Thuận được mệnh danh là đường ven biển đẹp nhất Việt Nam. |
Riêng đối với tuyến QL1A, đoạn từ Ninh Thuận đến Hàm Thuận Nam đã được nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe, có dải phân cách giữa và cơ bản đáp ứng được nhu cầu lưu thông. Tuy nhiên đoạn từ Hàm Thuận Nam đến tỉnh Đồng Nai với chiều dài khoảng 50km, hiện nay chỉ có 2 làn xe và không có dải phân cách giữa, dẫn đến việc lưu thông rất khó khăn.
Theo số liệu tính toán của sở Giao thông -Vận tải Bình Thuận vừa qua, dựa trên cơ sở số liệu đếm xe thì khả năng đáp ứng cho vấn đề lưu thông an toàn chỉ đáp ứng được khoảng 35% và đây cũng là điểm thường xuyên mất An toàn Giao thông trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông -Vận tải Bình Thuận cho biết: Từ trước tới nay, đã có những giải pháp như là mở rộng, cải tạo một số đoạn nguy hiểm, có yếu tố bất lợi cho người tham gia giao thông. Nhưng những giải pháp đó chỉ mới là phương án ngắn hạn, về lâu về dài trong thời gian này thì chưa có phương án. Bởi đang vướng mắc trong câu chuyện nguồn vốn, khai thác, vận hành cũng như là hiện trạng của tuyến đường này.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông -Vận tải Bình Thuận. |
Ngày 13/8, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định phê duyệt Đề cương chi tiết Phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng giao thông phục vụ logistics tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với mục tiêu rà soát các phương án Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đã được UBND tỉnh phê duyệt và đề xuất xây dựng các kịch bản, quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng giao thông phục vụ logistics tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quyết tâm xây dựng cao tốc Bắc – Nam
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn Bình Thuận có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết điểm nghẽn trong hệ thống giao thông, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, giải quyết bức xúc về giao thông đối ngoại của tỉnh, góp phần phục hồi, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.
Với tổng chiều dài 160 km, gồm 3 dự án thành phần: Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Quy mô hoàn chỉnh của dự án gồm 6 làn xe với bề rộng mặt đường 32,25m, vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h, tổng mức đầu tư dự án khoảng 39.650 tỷ đồng.
Thời gian vừa qua, các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện và các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung, tích cực triển khai công việc theo nhiệm vụ được giao, một số công việc đã được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tính đến tháng 7/2020, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt 100% hồ sơ; đã chi trả tiền bồi thường cho 2.536/2.684 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 94,5%; diện tích đất sạch dân đã bàn giao 1.146,79/1.221,51 ha, đạt tỷ lệ 93,9%. Tổng vốn đã giải ngân đến nay đạt 1.445,91 tỷ đồng/2.018 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 71,7% vốn được bố trí.
Hiện nay, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. Triển khai Nghị quyết nêu trên của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến cuối tháng 8 năm 2020 các địa phương phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải tổ chức khởi công xây dựng các gói thầu đầu tiên của dự án.
Để đảm bảo tiến độ yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các huyện, phải xác định nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong thời gian này là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của địa phương mình; vì vậy, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ này.
Tỉnh Bình Thuận khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng 8 có thể giao mặt bằng để khởi công 2 đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo.