Quà cáp nên chọn dịp
May mắn được nhiều dịp hầu chuyện cố thư ký của Bác Hồ, ông Vũ Kỳ (1921 - 2005), chúng tôi nhắc đến tên tuổi những nhân vật được gặp Bác, hầu như ai ông cũng có chuyện để kể, thật lạ và thú vị.
Chuyện lần ấy là về nhà điện ảnh Xô viết nổi tiếng Rôman Carmen.
Dịp đó, năm 1967, tròn nửa thế kỷ xảy ra sự kiện "10 ngày rung chuyển thế giới", tức Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, ông Vũ Kỳ trình Bác danh sách dự kiến người và quà biếu. Bác xem đến chỗ "Bình rượu Ngũ xà của đồng bào Tây Bắc tặng" thì dừng lại khen Chú khá! Lại hỏi: - Bác đồng ý với chú gửi bình rượu sang Liên Xô biếu đồng chí Carmen vì lý do gì chú đoán xem nào?
- Dạ thưa Bác, rượu Tây Bắc là gợi nhớ, cảm ơn đồng chí ấy suốt gần 8 tháng đã đem hết tâm lực dàn dựng, quay phim, có thể nói là quên cả thân mình trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành hai bộ phim lịch sử cho ta: "Điện Biên Phủ" và "Việt Nam trên đường thắng lợi" - bộ phim màu đầu tiên của chúng ta...
Bác còn giải thích thêm: - Mấy chú quay phim, chụp ảnh nhà ta dường như còn tự ty "tốt đẹp trưng ra, xấu xa đậy lại". Thế là dàn cảnh sân khấu, không phải phim ảnh thời sự tư liệu...
Quả thực, ông Vũ Kỳ nhắc lại với chúng tôi một số cảnh quay về sinh hoạt thường ngày của lãnh tụ mà chắc chắn đời đời các thế hệ con cháu chúng ta được xem đều vô cùng xúc động, có thể dễ dàng so sánh với bất kỳ bậc danh nhân, lãnh tụ nào từ Đông Tây kim cổ về sự giản dị, khiêm nhường, hết mình thương dân, yêu nước như Bác Hồ của chúng ta.
Rôman Carmen nhận ra rất rõ sự vĩ đại của bậc vĩ nhân không thể có đối tượng so sánh bắt nguồn từ những bóng hình huyền thoại ấy trong rừng sâu vùng nhiệt đới xa lạ.
Tám tháng trời ở Việt Nam, R. Carmen bất kể ngày đêm luồn rừng, lội suối, vượt núi, băng đèo, len lỏi cả giữa các đồn bốt giặc vùng đồng bằng trung du, ông còn dành thời gian ít ỏi để "ba cùng": ăn - ở - làm lụng với đồng sự và nhân dân để nâng cao chất lượng thước phim, tìm hiểu con người, văn hóa địa phương, học thuộc một số câu, từ tiếng Việt, nhất là các câu tục ngữ Bác Hồ hay dùng.
Chúng tôi đôi lần được đi theo đến thăm ông ở Moskva vào đầu những năm 1960. Trong nhà dành riêng một phòng trưng bày vật lưu niệm, nổi bật nơi chính giữa là của các lãnh tụ: chiếc píp hút thuốc của Phidel Castro, khẩu súng săn của Agienđê, chiếc khăn quấn rằn ri của Araphát... Sau Tết Mậu Thân - 1968, nghe anh em kể lại, nổi bật chính giữa, rất lạ mắt là bình rượu những con rắn cuộn tròn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi khi đón khách từ Việt Nam, bao giờ chủ nhà cũng hãnh diện hướng dẫn tới xem góc Việt Nam những hàng mỹ nghệ tre mây đan, chiếc nón, áo trấn thủ..., rồi quay lại nơi đặt kỷ vật của các lãnh tụ, giới thiệu Bình rượu Bác Hồ. Hai tiếng Bác Hồ ông nói nhấn mạnh khá rõ, còn "Bình rượu" không dấu, chắc là mới học phát âm.
R. Carmen bộc bạch, mình cũng là dân nghiền vodka, vả lại làm việc nhiều cũng cần bồi bổ sức khỏe, ngũ xà là rượu bổ rất quý, nhưng bình rượu là kỷ vật vô giá của bậc vĩ nhân thế kỷ, chỉ đặt nó nơi trang trọng nhất một thời gian thôi, rồi sẽ trao luân lưu theo câu Hồ Chí Minh từng nói: Lộc bất tận hưởng như tập quán của người Nga vậy.
Tháng 9/1969, sau khi được tin Bác Hồ qua đời, trong một buổi gặp mặt cảm động, R. Carmen trân trọng trao bình rượu cho nhà nữ đạo diễn nổi tiếng Gruzia Pompenxkaia. Và rồi 3 năm sau khi Bình rượu Bác Hồ đã có chủ nhân mới được chủ nhân đầu tiên đồng thuận, bà Pompenxkaia mời người chủ vừa lập công lớn với cuộc đấu tranh anh dũng của anh em Việt Nam - Giáo sư Ôlếch Côngxtantinnôvich - giảng sư Đại học VGIK, Nghệ sĩ công huân Liên Xô, Trưởng đoàn đạo diễn quay phim thế chân R. Carmen tiếp nhận bình rượu. Ông và đồng nghiệp gần như có mặt tại hầu hết các điểm nóng trên cả hai miền Nam Bắc để tố cáo tội ác gây chiến tranh của các nhà cầm quyền bên kia Đại Tây Dương và kêu gọi nhân dân Mỹ, nhân loại tiến bộ đoàn kết, ủng hộ Việt Nam đấu tranh chống xâm lược. Đó là các bộ phim "Phóng sự từ miền Bắc Việt Nam", "Mêkong trong khói lửa"...
Ngày nay, cứ mỗi dịp hiếm hoi họp mặt hữu nghị Nga - Việt, GS O. Congxtantinnôvich lại mở tủ, trịnh trọng bưng ra Bình rượu Bác Hồ rót vào một cốc nhỏ tượng trưng rồi san ra, lại san ra... chút xíu gọi là vào các cốc vodka của mỗi người truyền nhau cùng nâng cốc Đavai - đatna (Nào, xin mời cạn chén). Anh em mình có mặt, cảnh xa nhà, xa nước càng xúc động, tự nhiên bật ra câu hát cửa miệng đầy tự hào, các bạn Nga người hát theo, người vỗ tay hoà nhịp tràn ngập niềm hứng khởi: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng! Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng... Việt Nam Hồ Chí Minh...
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống