24km có 1 trạm thu giá
Tính đến cuối năm 2017, tỉnh Bình Phước đã kêu gọi đầu tư và đưa vào sử dụng hàng loạt DA BOT về giao thông cầu đường.
Trong khi Bộ Giao thông Vận tải đã có những giới hạn về khoảng cách mỗi trạm thu giá tối thiểu là 70km, thì các DA BOT này cứ 24km có 1 trạm.
Với việc “bủa vây” của các trạm thu giá BOT, nhiều chủ phương tiện ô tô, xe vận chuyển hàng hóa, hành khách… đi qua tỉnh Bình Phước đã phải oằn mình chi trả rất nhiều tiền cho hàng loạt con đường BOT này.
Khi nói về tuyến đường BOT QL 13 đoạn từ thị trấn An Lộc đến ngã tư Chiu Riu, một cán bộ huyện Lộc Ninh bức xúc: “Hiện với 58km đường BOT nhưng có đến ba trạm thu giá, với mức thu cước phí loại phương tiện ôtô thấp nhất dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới hai tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng phải trả tới 55.000 đồng/chuyến”.
Một thống kê chưa chính thức cho thấy, trên tuyến đường QL13 kéo dài, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 lượt xe đi qua hai trạm (trạm đầu khoảng 4.000 xe và trạm thứ hai khoảng 3.000 xe), trong đó loại xe giá phí thấp nhất chiếm khoảng 30% và loại phí cao nhất chiếm khoảng 20%. Từ năm 2015, giá phí qua các trạm được tăng lên với giá thấp nhất là 20.000 đồng/lượt/trạm và cao nhất là 90.000 đồng/lượt/trạm.
Tỉnh “chơi khó” Bộ?
Thực tế, gần đây dư luận hết sức bức xúc về tình trạng đầu tư các DA BOT với những trạm thu giá “bủa vây” trên các tuyến tỉnh lộ, QL và áp đặt giá phí quá cao khiến nhiều địa phương và bộ, ngành đã phải tìm cách cắt giảm trạm, giảm giá phí khi qua trạm. Tuy vậy, những bức xúc liên quan đến các DA BOT ở Bình Phước không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng khi nhiều dự án tiếp tục nâng cấp, đầu tư mới khiến cho Bình Phước như đang rơi vào tình trạng “loạn” dự án BOT.
Cụ thể, mới đây tỉnh Bình Phước tiếp tục cho khởi công DA BOT Đồng Phú - Bình Dương có chiều dài hơn 41km, kết nối từ QL14 qua huyện Đồng Phú đến Bình Dương với tổng vốn giai đoạn một hơn 1.480 tỷ đồng. Và dự án này ngay lập tức “đụng hàng” với trạm thu phí của dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn từ Cầu 38 đến TP Đồng Xoài.
Những bất cập dần hé lộ khi cuối tháng 1/2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phải có công văn hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan và chủ đầu tư DA QL 14 có phương án xử lý. Theo Bộ GTVT, trong quá trình duyệt DA BOT Đồng Phú - Bình Dương, UBND tỉnh Bình Phước chưa thỏa thuận với Bộ GTVT đấu nối với đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Phước và cũng chưa đánh giá đầy đủ tác động ảnh hưởng liên quan đến trạm thu giá DA có trước.
Bộ GTVT đánh giá, khi tuyến đường BOT Đồng Phú – Bình Dương hoàn thành xây dựng, lưu lượng xe qua trạm Km957+400 QL14 dự kiến năm 2020 có thể giảm từ 70 đến 80%, làm phá vỡ phương án tài chính DA trước đó và chuyển khoản nợ ngân hàng của chủ đầu tư thành nợ xấu, phải báo cáo cấp thẩm quyền xem xét di dời trạm thu giá đang thu, lãng phí đầu tư xây dựng trạm mới.
Đã có một phương án được đưa ra là di dời trạm thu phí DA nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đến vị trí mới Km942+600 nhưng phương án này cũng khó có thể thực hiện do UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt phương án đặt 2 trạm thu giá hoàn vốn cho DA BOT Đồng Phú – Bình Dương chỉ cách nhau hơn 40km và cách khoảng 8km so với vị trí điểm đấu nối đường Đồng Phú – Bình Dương với QL14 tại Km946 + 000. Vì vậy, vị trí đặt trạm mới tại Km942+600 QL14 thì các phương tiện ô tô đi qua đây vào đường Đồng Phú – Bình Dương với khoảng chưa đến 50 km phải đi qua ba trạm thu giá là điều khó chấp nhận và sẽ gây ra những hệ quả khó kiểm soát trên thực tế.