Thép là một trong 5 mặt hàng thiết yếu được Nhà nước đưa vào diện bình ổn giá. Tuy nhiên, sự nóng - lạnh bất thường của mặt hàng này thời gian qua cho thấy, cơ quan chức năng đã gần như bó tay với việc bình ổn.
Nhiều nghịch lý với thị trường thép Việt Nam.
|
Việc thị trường thép tranh mua khi giá cao và tranh bán khi giá giảm phần nào cho thấy những bất ổn quanh câu chuyện quản lý giá thép hiện nay.
Nghịch lý: nhà máy hạ giá theo đại lý Sau khi leo lên đến mức đỉnh 16,5 triệu đồng/tấn, giá thép cuối tháng 4 đầu tháng 5 đột ngột đảo chiều giảm mạnh. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, hàng loạt các Cty thành viên như TCty thép Việt Nam, Thép miền Nam, Pomina, Vinakyoe… đã thông báo giảm giá thép trong tháng 5/2010 với mức giảm trung bình từ 200- 500 nghìn đồng/tấn. Thậm chí, tổng đại lý bán thép đang tích cực “xả hàng” với giá còn thấp hơn cả trăm ngàn đồng so với giá thép nhà máy khiến các nhà máy từ chỗ sản xuất không kịp bán lại rơi vào tình trạng ế ẩm. Thị trường thép đang nóng lại có nguy cơ chuyển sang lạnh, khi cả giá thép và lượng tiêu thụ giảm mạnh. Các chuyên gia thị trường nhận xét, các nhà thương mại rất nhạy bén. Chỉ cần giá thế giới lên nhanh như vừa rồi, là ngay lập tức họ điều chỉnh giá tăng theo, mặc dù giá mua vào của nhà máy chưa hề tăng mạnh như vậy. Do đó, mới xảy ra tình trạng giá thép tại nhà máy thì tăng chẳng đáng là bao, trong khi giá bán lẻ thép trên thị trường lại cứ “lồng lên như ngựa vía”. Và đến thời điểm này, khi lượng thép được găm trong kho đã quá nhiều, trong khi giá phôi thế giới đang có xu hướng chững lại và giảm nhẹ, các nhà đầu cơ lo ngại rơi vào tình trạng như năm 2008 nên tập trung bán hàng tồn và hạ giá để kích cầu. Kết quả là các nhà máy thép đang phải… hạ giá theo giá bán lẻ ngoài thị trường. Nghịch lý nữa là khi giá đã tăng thì tranh nhau mua, còn khi giảm thì lại tranh nhau bán. Bất ổn hệ thống sản xuất và phân phối Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch VSA, bản chất của hiện tượng giá thép biến động bất thường không khó hiểu. Ngoài hệ thống phân phối nhiều tầng, nấc làm phát sinh chi phí, chính sự lạc hậu của hệ thống sản xuất đã làm ra sản phẩm thiếu sức cạnh tranh. Trước hết là hiện tượng đầu tư manh mún, không theo quy hoạch, nhập khẩu chủ yếu công nghệ cũ, thế giới đã cấm và thải loại nên sản phẩm thép làm ra bị giá thành cao, thiếu sức cạnh tranh. Thực tế, sản phẩm thép nhập khẩu hiện nay là ví dụ, mặc dù phải chi phí vận tải, phí nhập khẩu… giá bán hiện vẫn thấp hơn giá thép nội. Theo ông Nghi, đây là vấn đề nan giải của ngành thép và nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì biệc bình ổn giá thép là bất khả thi. Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thì cho rằng, để thép không bị đẩy giá lên qua các khâu trung gian, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Bộ Công Thương về việc các nhà máy thép cần phải tổ chức khâu bán hàng hiệu quả. Mặt hàng thép phải được bán tới tận “chân” các công trình xây dựng, theo nhu cầu sử dụng; ngoài việc bán buôn, các nhà máy cần tăng cường hệ thống bán lẻ cho người tiêu dùng. Ý kiến của chuyên gia là như vậy, song trên thực tế, việc bình ổn thị trường thép còn khó khăn hơn nhiều. Ví như cơ quan chức năng chỉ có thể thực hiện các công việc kiểm tra, giám sát với các DNNN, còn với các DN tư nhân hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài, công việc này gần như không thể. Trong khi đó, DNNN trong ngành thép lại chỉ chiếm có 30% thị phần. Đó là chưa kể, việc kiểm tra cũng mới chỉ dừng ở mức phạt hành chính vì chưa niêm yết giá mà thôi.
Theo Báo Xây Dựng