Tết Nguyên đán Canh Dần đang đến gần. Trên thị trường, hàng hóa trở nên sôi động, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết rất phong phú giá cả biến động tăng nhanh.
Giá cả tăng không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm Tết mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình. Theo Tổng cục Thống kê, mỗi gia đình ở Hà Nội phải tăng mức chi tiêu từ 300 đến 800 nghìn đồng/tháng do giá sinh hoạt tăng. Vào dịp Tết mức chi còn phải tăng gấp nhiều lần, trở thành gánh nặng, mối lo đối với nhiều gia đình, nhất là các hộ nghèo.
Ðể ngăn chặn đà tăng giá, nhiều địa phương trong cả nước có biện pháp can thiệp tích cực điều tiết thị trường. Hà Nội dùng 250 tỷ đồng từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố ứng cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. TP Hồ Chí Minh ứng 422 tỷ đồng cho 13 doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng Tết. Các doanh nghiệp này phải bảo đảm cung cấp hàng hóa có chất lượng, giá bán thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tỉnh nghèo như Trà Vinh cũng ứng 8 tỷ đồng, tỉnh Kon Tum dành 12,6 tỷ đồng để chuẩn bị lượng hàng thiết yếu phục vụ Tết góp phần bình ổn giá thị trường.
Ðây là những động thái tích cực, cần thiết, thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta. Mong muốn các nguồn vốn hỗ trợ này được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả góp phần làm bình ổn giá thị trường. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống việc nâng giá tùy tiện, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường để người dân yên tâm đón Tết vui tươi lành mạnh và tiết kiệm.