Cần tính toán kỹ việc bình ổn giá cho đối tượng nào, khu vực nào và phải kiểm soát được lợi nhuận của thương nhân bằng thuế.
Theo Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 10 ước đạt 136,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng ước đạt 1.282 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ (đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 6 tháng gần đây).
Một số mặt hàng thiết yếu rục rịch tăng giá
Ông Vũ Mạnh Hùng - Phó TGĐ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, hiện TKV đang giảm dần xuất khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước. Các hộ chính trong nước tiêu thụ than như điện, xi măng, sắt thép sẽ được TKV cung cấp than theo các hợp đồng đã ký.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, tiêu thụ than đạt thấp về lượng vì xi măng cần loại than tốt nên khi sản xuất than cho ngành này phải đưa qua sàng tuyển. Chính vì vậy, hiện nay ngành than đang phải đối mặt với thực trạng là thiếu than đẹp còn than xấu thì tồn. TKV đang phải cân đối thực tế này. Được biết, các hộ tiêu thụ than, trong đó có xi măng, đang thử dùng các sản phẩm than chất lượng thấp hơn.
Ông Vũ Mạnh Hùng cũng đề nghị tiếp tục xem lại giá bán than. Nếu để giá than như hiện nay thì rất khó kiểm soát, than sẽ “chạy lung tung” và không thể kiểm soát được các khách hàng mua than có sử dụng đúng mục đích hay không. “Nếu kiểm soát chặt sẽ mất cân đối tiêu thụ và sản xuất của tập đoàn” – ông Hùng nói.
![]() |
Nhiều mặt hàng đã tăng giá nhẹ (ảnh KT) |
Trước ý kiến này của TKV, ông Nguyễn Gia Tường - đại diện Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, việc tăng giá than năm 2009 đã là cú sốc lớn cho ngành sản xuất phân bón và đề nghị chưa nên đề cập tăng giá bán than cho sản xuất phân bón. Đại diện của Vinachem đưa ra dẫn chứng: “Riêng Nhà máy đạm Hà Bắc đã phải giảm lợi nhuận 260 tỷ trên tổng số 560 tỷ đồng. Đối với nhà nước thì không vấn đề gì nhưng với việc hạch toán kinh doanh của doanh nghiệp thì lại liên quan đến nhiều yếu tố khác, đặc biệt là chuyện tính lương cho lao động. Như với đạm Hà Bắc giảm lợi nhuận đến một nửa thì giải trình thế nào? Và lợi nhuận giảm như vậy thì giữ chân người lao động trong ngành phân bón ra sao…”.
Ông Tường cũng cho biết, từ cuối tháng 9, ngành hóa chất đã có nhận định quí 4 tình hình tiêu thụ phân bón các tỉnh phía Nam sẽ tăng. Bởi lẽ, đây là dịp giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng cao; Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu phân bón lên trên 130%… dẫn đến giá phân bón trong nước tăng nhanh, người tiêu dùng, bà con nông dân tăng lượng dự trữ… “Thiếu phân bón một phần do tích trữ trong dân tăng lên” – ông Trường nói.
Theo ông Lê Văn Được - Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công thương), chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 8,75%. Tháng 10 so với tháng 9, nhóm hàng hoá giáo dục vẫn tăng tới 3,9%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng giá mạnh 1,32%; nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,04%; giá vàng tăng 7,87%.
Dù đã vào năm học mới được gần 2 tháng, nhưng chỉ số giá của nhóm hàng hóa giáo dục vẫn tăng cao. Ông Nguyễn Sỹ Chiến - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) giải thích nguyên nhân tăng giá này là do các trường tăng học phí.
Tại các tỉnh miền Nam, giá lúa hè thu, gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm, gạo 25% tấm... đều tăng nhẹ. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng thu mua để chuẩn bị cho những hợp đồng đã ký sẽ là nguyên nhân làm cho giá mặt hàng lương thực tăng cục bộ ở một số địa phương.
Do biến động giá cả thế giới và tỉ giá VND/USD, giá gas đã tăng khoảng 13.000-16.000 đồng/bình; các mặt hàng sữa cũng tăng giá, dù trước đó nhiều hãng sữa đã cam kết không tăng giá. Trước sự biến động không ngừng của giá dầu thế giới, quỹ bình ổn giá đã được mở nhằm ổn định mức giá bán lẻ mặt hàng chiến lược này.
Tăng cường kiểm soát thị trường
Năm nay Tết Nguyên đán đến sớm hơn (trong cuối tháng Giêng) nên các doanh nghiệp phải chuẩn bị hàng hóa sớm hơn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến giá cả những tháng cuối năm tăng cao.
Theo ông Trần Vinh Nhung- PGĐ Sở Công Thương TP HCM: CPI tháng 10 tăng trong đó hơn 40% là lương thực, thực phẩm do không kiểm soát được giá ở thị trường tự do. Tại các chợ, người bán có thể niêm yết giá nhưng không khống chế được vì họ đưa ra hàng nghìn lý do như vàng tăng giá, biến đổi tỷ giá, bão lụt… nên chưa kiểm soát được giá đầu vào. Giá rau củ quả 3 chợ đầu mối ổn định nhưng khi vào các chợ lẻ thì tăng. Thành phố đang yêu cầu các Ban quản lý chợ kiểm soát giá.
Ông Vinh Nhung cho rằng, phải kiểm soát được lợi nhuận của thương nhân bằng thuế, nhưng thuế vẫn chưa điều tiết được lợi nhuận tăng thêm từ tăng giá. Ông Nhung lấy ví dụ: Bát phở sáng từ 10.000 đồng tăng lên 30.000 đồng nhưng thuế kinh doanh của cửa hàng đó vẫn không thay đổi.
Ông Nhung cho rằng, bình ổn giá phải tính toán kỹ, nếu không khéo sẽ quay lại thời bao cấp. Việc cần làm hiện nay là tập trung vào các vùng nông thôn, ngoại thành. Bởi thực tế, đã có nhiều người đi xe ô tô, xe đẹp đi mua hàng bình ổn giá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên lưu ý, từ nay đến cuối năm mặt hàng nóng là gạo. Ban kiểm tra 127 kiểm tra chỉ là phần nổi, quan trọng là yêu cầu 2 Tổng công ty lương thực (miền Bắc và miền Nam) phải đảm bảo nguồn gạo từ nay đến Tết để không xảy ra tình trạng sốt giá trong khi lượng gạo tồn kho không nhiều vẫn phải đảm bảo các hợp đồng đã ký. “Phải đảm bảo nguồn dự trữ tối thiểu, nếu khan hàng thì phải giãn các hợp đồng đã ký” – Thứ trưởng Thành Biên nói.
![]() |
Tăng cường kiểm tra hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán (ảnh KT) |
Để ổn định thị trường sau mưa lũ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá gây bất ổn thị trường (hàng xăng dầu, dầu hoả, gas, vật liệu xây dựng, giá cước vận tải, đặc biệt là thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm tươi sống,...).
Ông Nguyễn Hùng Dũng – Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường cho biết: “Sắp đến Tết nguyên đán nên tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm lại nổi lên. Vì thế, ngành quản lý thị trường đã có kế hoạch kiểm tra kiểm soát trước, trong và sau Tết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giá cả”.
Bộ Công thương cũng đề nghị các Tập đoàn, TCT và DN tiếp tục tăng cường sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng những tháng cuối năm. Tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011./.
Nguồn: VOVNews.vn