Biện pháp tố tụng của CQĐT bị thông tin sai thành “thu hồi”
Sự kiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương và một số lãnh đạo doanh nghiệp này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận gần đây.
Động thái “làm khó” nhà đầu tư?
Đại diện Tân Phú cho rằng động thái của cơ quan tố tụng Bình Dương “bàn giao vật chứng” là khu đất 43 ha để phường bảo quản là làm khó cho nhà đầu tư. Công ty Tân Phú là chủ sử dụng đất hợp pháp khu đất, không có động cơ hủy hoại hay ảnh hưởng tính toàn vẹn của tài sản; hơn nữa khu đất có diện tích lớn, luôn cần lực lượng bảo vệ trông coi. Vậy tại sao lại bàn giao phường mà không để Công ty Tân Phú quản lý theo quy định tại Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự
Điều đáng nói, trong trong thời gian gần đây, liên tục có những tuyên bố và thông tin sai lệch về khu đất 43 ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một được quy hoạch làm Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú, hiện nay đang đứng tên Công y TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú.
Cụ thể, trước đó Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương tuyên bố đây là “đất công” trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho doanh nghiệp. Tiếp theo là việc “bóp” thông tin cơ quan điều tra tạm giữ đồ vật, tài liệu là 2 cuốn “sổ đỏ” của khu đất này thành việc “thu hồi” sổ đỏ. Những việc làm này dường như dọn đường cho ý định thu hồi đất của doanh nghiệp của lãnh đạo địa phương này.
Công ty Tân Phú, đơn vị đang sử dụng lô đất 43ha này trước đây có vốn của Tổng Công ty Bình Dương. Doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương giữ 30% vốn điều lệ. Đến 2017, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, Tổng Công ty Bình Dương đã chuyển nhượng 30% vốn góp cho Công ty cổ phần Âu Lạc.
Sau khi Công ty Âu Lạc mua số vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương, Công ty Âu Lạc đã chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Kim Oanh TP HCM. Hiện nay, Công ty Kim Oanh là chủ sở hữu Công ty Tân Phú.
Việc Công ty Kim Oanh trở thành công ty mẹ của Công ty Tân Phú được thực hiện qua việc mua bán vốn góp hợp pháp, trở thành nhà đầu tư ngay tình, được pháp luật bảo hộ tài sản tại dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú.
Song, đó cũng là cái gai trong mắt nhiều nhân vật. Vì thế, Công ty Kim Oanh trở thành đối tượng của nhiều bản tin tiêu cực và sai sự thật. Trong đó, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương thì tuyên bố khu đất mà doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng là “đất công” cho dù chính Văn phòng Tỉnh ủy và Sở Tài chính xã xác nhận khu đất này được giải phóng mặt bằng bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, không phải ngân sách và về mặt pháp luật, quyền sử dụng đất đang thuộc về doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Dư luận “phán quyết” thay tòa án
Tiếp đến là những thông tin sai lệch xuất phát từ việc CQĐT Công an tỉnh Bình Dương thu giữ đồ vật, tài liệu theo quy định của Bộ luật tố tụng. Theo đó, ngày 22/4/2020, trong quá trình điều tra vụ án, CQĐT làm việc lập biên bản bàn giao đồ vật, tài liệu là các cuốn sổ đỏ.
Bộ TN&MT: “TCTy Bình Dương có quyền chuyển nhượng khu đất”
Đánh giá tính hợp pháp của quá trình chuyển nhượng khu đất 43 ha, Tổng cục Quản lý Đất đai thuộc Bộ TN&MT đã có văn bản giải đáp rõ ràng. Trong văn bản số 2252/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 21/11/2019, cơ quan này khẳng định: “Do TCTy Bình Dương đã được UBND tỉnh giao đất có thu tiền sử dụng đất, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất đã nộp không có nguồn gốc từ NSNN, đã được cấp “sổ đỏ” nên TCTy Bình Dương có quyền chuyển nhượng QSDĐ”.
Theo quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu, chỉ có 2 cuốn sổ đỏ được xác định là đồ vật, tài liệu. Song, không hiểu căn cứ vào đâu, điều tra viên yêu cầu Công ty Tân Phú phải giao cả lô đất vì đây là “tang vật”.
Chưa nói đến việc làm sai quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu, việc coi lô đất 43ha là tang vật để đưa vào “kho vật chứng” cũng là việc làm rất lạ. Điều này lộ rõ ý định muốn ép doanh nghiệp phải giao khu đất này.
Ngày 24/4, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương làm việc với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chi nhánh TP HCM, đơn vị đang bảo quản lưu giữ theo Hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo quản tài sản về việc bảo quản “sổ đỏ”. Ngân hàng OCB và Công an Bình Dương đã lập biên bản giao nhận hai sổ đỏ này.
Đây là hành vi tố tụng luật định phục vụ cho việc điều tra vụ án liên quan Tổng Công ty Bình Dương. Tuy nhiên, sự việc lại được “bóp méo” thành chuyện thu “hồi sổ đỏ” với cách nói như “Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành thu hồi 2 giấy chứng nhận QSDĐ, giao cho Sở TN&MT” giống như một thắng lợi nào đó.
Kèm theo với những thông tin sai lệch này còn là sự quy chụp sai phạm cho Công ty Tân Phú khi cho rằng Công ty Tân Phú đã thế chấp 2 sổ đỏ của khu đất 43 ha.
Theo đại diện Công ty Tân Phú, không có chuyện thế chấp sổ đỏ hay thế chấp khu đất 43ha cho ngân hàng. Theo đó, ngày 12/9/2019, Công ty đã đề nghị thế chấp để vay vốn nhưng khi đăng ký hợp đồng thế chấp này, Văn phòng đăng ký đất đai Bình Dương đã xin ý kiến Thanh tra tỉnh Bình Dương vì khu đất này đang được thanh tra. Ngày 30/9/2019, Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Mai ký văn bản số 251/NV2-TTr trả lời, cho biết “Thanh tra tỉnh không có nhiệm vụ quyền hạn liên quan vấn đề Văn phòng đăng ký đất đai xin ý kiến”.
Đại diện Tân Phú cho biết, do thấy khó khăn trong vấn đề thủ tục đăng ký hợp đồng thế chấp, nên các bên và OCB sau đó đã thanh lý hợp đồng thế chấp này. Nói cách khác hợp đồng thế chấp khu đất 43ha chưa hoàn thành, chưa có giá trị pháp lý.
Theo một luật sư tại Hà Nội phân tích, có rất nhiều thông tin tiêu cực về dự án Khu đô thị Tân Phú không đúng sự thật và không đúng pháp luật. Về việc thế chấp khu đất này, đây là khu đất được giao theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất nên nếu doanh nghiệp có thế chấp để vay vốn thì cũng đúng pháp luật. Song, do khu đất có vướng mắc liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng từ Tổng Công ty Binh Dương cho Công ty Tân Phú và cơ quan chức năng đang giải quyết nên chưa thực hiện thế chấp là phù hợp.
“Thời điểm ký hợp đồng thế chấp, tài sản này không phải là đối tượng bị cấm giao dịch thì việc ngân hàng nhận thế chấp cũng không có gì vi phạm”, luật sư khẳng định.
“Chúng tôi cũng khẳng định, từ khi Công ty Kim Oanh mua vốn góp của Công ty Tân Phú đến nay chưa có bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào liên quan khu đất 43 ha bị thiệt hại bất kỳ vấn đề gì. Đối với việc bàn giao sổ đỏ cho CQĐT, đại diện Công ty cũng đã làm việc với CQĐT và nói rõ sổ đỏ đang được gửi giữ tại ngân hàng và sẽ bàn giao cho CQĐT trong thời gian 3 ngày nhưng CQĐT đã thực hiện việc tạm giữ các sổ đỏ này tại ngân hàng mà không có đại diện của Công ty”, đại diện Công ty Tân Phú cho biết.
Đánh giá về sự việc, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) cho biết, nói CQĐT đã tiến hành thu hồi 2 giấy chứng nhận QSDĐ là sai nghiêm trọng, “hổng” kiến thức pháp lý.
“Theo quy định pháp luật, trong vụ án này, chỉ duy nhất Tòa án mới có quyền tuyên thu hồi sổ đỏ hay không. Đến thời điểm hiện nay, sổ đỏ và dự án vẫn là của Tân Phú”. Quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cũng đã khẳng định điều này khi ghi rõ “đồ vật, tài liệu nêu trên của Cty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú”, Luật sư Hiệp cho biết.