Bình Dương đề ra 3 kịch bản giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa ký văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, đề nghị tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong kế hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh đề ra 3 kịch bản để giải ngân đạt kế hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tỷ lệ giải ngân chưa đạt kỳ vọng

Ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách nhà nước của Bình Dương là 22.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến ngày 30/6, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công Bình Dương là 4.287 tỷ đồng; đạt 28,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Con số này chỉ đạt 19,5% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao và cũng thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái (21,4%). Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 Bình Dương đã bố trí cho các công trình trọng điểm là 17.568 tỷ đồng, chiếm 79,9% tổng kế hoạch vốn của tỉnh. Giá trị giải ngân đến nay là 2.863 tỷ đồng; đạt 16,3% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của tỉnh.

Vốn đầu tư công cho các công trình trọng điểm chiếm 79,9% tổng kế hoạch vốn của tỉnh.

Vốn đầu tư công cho các công trình trọng điểm chiếm 79,9% tổng kế hoạch vốn của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá, trong nửa đầu năm 2024, tỉnh đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn cho các công trình, dự án theo quy định, không để xảy ra tình trạng "vốn chờ công trình" ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đến nay chưa đạt được kỳ vọng. Lượng vốn chưa giải ngân còn khá lớn, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm. Điều này dẫn đến áp lực giải ngân trong những tháng còn lại là rất lớn mới có thể hoàn thành được mục tiêu Chính phủ đã chỉ đạo từ đầu năm.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, các công trình trọng điểm chưa đảm bảo được tiến độ như kế hoạch và cam kết các chủ đầu tư đã đăng ký từ đầu năm. Một số công trình, dự án đang bị "trượt" tiến độ từ 4-5 tháng so với kế hoạch.

Mặt khác, tỉnh cũng chưa huy động đủ nguồn vốn cho đầu tư công theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Nguồn vốn từ Đề án khai thác nguồn lực từ đất của Bình Dương đến nay chưa thực hiện tốt, ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân của các đơn vị, chủ đầu tư và gây nguy cơ nợ đọng xây dựng cơ bản.

Nhận diện hàng loạt điểm nghẽn

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng nhận diện rõ hàng loạt điểm nghẽn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công chậm trong 6 tháng qua. Trong đó, nguyên nhân khách quan do Luật Đấu thầu mới có hiệu lực, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời, ảnh hưởng đến công tác lựa chọn nhà thầu.

Về tổ chức triển khai thực hiện, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn quan trọng trong giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án còn vướng mặt bằng, nhà thầu không thể triển khai đồng bộ, làm ảnh hưởng tiến độ thi công xây dựng công trình không đạt theo kế hoạch đề ra.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn quan trọng trong giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn quan trọng trong giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ chưa nhịp nhàng; chưa quyết tâm đeo bám để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về đền bù giải phóng mặt bằng của từng dự án. Trong khi đó, số vốn chưa giải ngân tập trung nhiều ở các công trình trọng điểm. Dự kiến đến cuối quý III, quý IV, những dự án này mới có thể khởi công và giải ngân được kế hoạch vốn.

Mặt khác, các dự án khởi công mới từ những tháng đầu năm cần phải thực hiện các thủ tục đầu tư (thiết kế bản vẽ thi công dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu...) nên chưa có khối lượng thực hiện để giải ngân.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Minh cho rằng, dư địa để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm còn khá lớn. Bởi, phần lớn vốn chưa giải ngân tập trung tại các công trình trọng điểm có điểm "rơi" nhu cầu vốn vào các quý cuối năm 2024.

Ba kịch bản giải ngân vốn

Theo chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh, kỳ vọng dự án Vành đai 4 sẽ giúp Bình Dương giải ngân khoảng 94% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.

Theo chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh, kỳ vọng dự án Vành đai 4 sẽ giúp Bình Dương giải ngân khoảng 94% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.

Ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, qua rà soát tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân của các dự án, UBND tỉnh đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 phụ thuộc rất lớn vào 2 nguồn. Thứ nhất là nguồn thu từ Đề án khai thác nguồn lực từ đất trong năm 2024 và thứ 2 là khả năng giải ngân của dự án Vành đai 4 TP HCM. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh dự kiến ba kịch bản giải ngân đến cuối năm 2024 như sau:

Kịch bản thứ nhất, nguồn vốn đầu tư công vẫn đảm bảo 22.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Dự án Vành đai 4 TP HCM có khả năng giải ngân hết số vốn đã giao từ đầu năm. Theo kịch bản này, Bình Dương dự kiến đến cuối năm sẽ giải ngân khoảng 94% kế hoạch vốn được giao.

UBND tỉnh sẽ rà soát, xây dựng phương án điều chuyển số vốn không giải ngân hết của các dự án có nhu cầu trả lại vốn để bổ sung cho các công trình trọng điểm và các dự án cần bổ sung vốn để quyết toán, hoàn thành trong năm 2024, dự kiến tăng thêm tỷ lệ giải ngân khoảng 3-4%.

Kịch bản thứ hai, tỉnh đảm bảo nguồn vốn đầu tư công 22.000 tỷ đồng nhưng dự án đường Vành đai 4 qua Bình Dương không có khả năng giải ngân hết số vốn đã giao. Theo kịch bản này, dự kiến đến cuối năm tỷ lệ giải ngân chỉ đạt khoảng 75%. UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh điều chuyển nguồn vốn đã bố trí cho dự án Vành đai 4 để bổ sung đủ nhu cầu tăng vốn của các dự án khác; phần còn lại không giải ngân hết sẽ tiếp tục bố trí cho dự án Vành đai 4 và tham mưu trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025.

Kịch bản thứ ba, tỉnh bị hụt thu nguồn vốn từ Đề án khai thác nguồn lực từ đất. Bởi trước đó, nguồn vốn Đề án khai thác nguồn lực từ đất năm 2024 dành cho đầu tư công theo Nghị quyết của HĐND tỉnh là 6.721 tỷ đồng. Cụ thể, dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai có tổng vốn bố trí 1.545 tỷ đồng, trong đó vốn đấu giá đất là 800 tỷ đồng. Còn Dự án Giải phóng mặt bằng đường Thủ Biên - Đất Cuốc có tổng vốn bố trí 900 tỷ đồng, trong đó vốn thu từ đấu giá đất là 400 tỷ đồng.

Dự án thành phần 1 là giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn có tổng vốn bố trí là 6.623 tỷ đồng, trong đó vốn đấu giá đất là 5.521 tỷ đồng.

Trong trường hợp hụt nguồn thu đấu giá đất, tỉnh sẽ điều chỉnh giảm vốn tương ứng đã bố trí cho các dự án trên, sử dụng nguồn vốn đã bố trí còn lại để thực hiện trước một phần khối lượng đảm bảo khởi công theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo ông Võ Văn Minh, tỷ lệ giải ngân đến cuối năm dự kiến tương tự như kịch bản thứ nhất. Đây là kịch bản khả dĩ nhất trong điều kiện hiện nay và UBND tỉnh lựa chọn để trình HĐND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 phù hợp với thực tế.

HĐND tỉnh thông qua các Nghị quyết điều chỉnh

Sáng 22/8, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 17 (chuyên đề) để xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền, nhằm triển khai kịp thời các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh đã đề ra.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận các Tờ trình của UBND tỉnh. Qua báo cáo thẩm tra các nội dung trình kỳ họp của Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Pháp chế HĐND tỉnh, kỳ họp đã biểu quyết thông qua 14 nghị quyết.

Trong đó, các đại biểu nhất trí thông qua việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh về “Kế hoạch đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách nhà nước”; điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 2/11/2023 của HĐND tỉnh về “điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách địa phương”.

Theo đó, HĐND đã xem xét phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thiết bị Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.748; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nạo vét, gia cố Suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4; Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5000) Khu công nghiệp Đất Cuốc; điều chỉnh Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 24/7/2024 của HĐND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh về Danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa…

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.