UBND tỉnh Bình Định mới có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tại Hội nghị nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh mới được UBND tỉnh này tổ chức.
Theo đó, trong năm 2023, công tác cấp phép khai thác khoáng sản, nhất là đối với các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước được thực hiện chặt chẽ; đã triển khai với 174 camera giám sát đối với 120 mỏ đang hoạt động; 44 mỏ hoạt động khoáng sản đã lắp đặt trạm cân, tập trung ở các mỏ đá xây dựng có thời gian cấp mỏ dài. Qua đó, đã góp phần đưa công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, lập lại trật tự kỷ cương trong khai thác khoáng sản, nâng cao trách nhiệm của từng ngành, chính quyền địa phương các cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và khai thác khoáng sản vẫn còn những hạn chế. Để khắc phục những hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, trong thời gian tới, các ban quản lý dự án của tỉnh (chủ đầu tư), hằng năm, trên cơ sở kế hoạch và tiến độ thực hiện dự án đầu tư được giao, chủ động phối hợp với các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện liên quan xác định cụ thể các mỏ vật liệu phục vụ trực tiếp thi công xây dựng các dự án để đưa các điểm mỏ này vào hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, bổ sung vào quy hoạch khoáng sản và thực hiện các thủ tục về đất đai có liên quan theo quy định.
Trong đó, ưu tiên sử dụng các mỏ vật liệu gần khu vực dự án nhằm giảm giá thành thi công, hạn chế hư hỏng đường giao thông và ô nhiễm môi trường; tránh trường hợp bị động về mỏ vật liệu khi triển khai dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh, dự án cấp bách.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, ông Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu khẩn trương thành lập tổ kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn nhằm phát hiện kịp thời, có biện pháp ngăn chặn từ xa và xử lý nghiêm, kiên quyết theo quy định pháp luật đối với các trường hợp khai thác, sử dụng khoáng sản không đúng quy định. Qua đó, tạo sức răn đe, phòng ngừa nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, sử dụng khoáng sản không đúng mục đích.
Định kỳ hằng tháng, UBND cấp huyện chỉ đạo kiểm tra trách nhiệm của lãnh đạo UBND cấp xã liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các ngành chức năng liên quan khẩn trương hoàn thành hệ thống giám sát khai thác khoáng sản lắp camera (tích hợp công nghệ AI có khả năng đếm và thống kê số lượt xe) được kết nối từ tại các khu vực khai thác của các doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng, kể cả cơ quan công an và UBND cấp huyện, xã nhằm phục vụ công tác quản lý, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác vượt công suất, khai thác ban đêm…
Ông Nguyễn Tuấn Thanh cũng giao Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra trên tuyến đường thuộc địa bàn quản lý, xử lý nghiêm đối với các xe vận chuyển cát, đất, vật liệu xây dựng vi phạm về tải trọng cho phép tham gia giao thông, xe cơi nới thành thùng để chở hàng vượt quá quy định cho phép, xe làm rơi vãi vật liệu xây dựng, chở cát ướt để nước chảy xuống mặt đường gây nguy cơ hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng vệ sinh môi trường; chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản.