Thông tin này được nêu tại Toạ đàm “Bình Định kích hoạt du lịch Xanh: Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn” diễn ra sáng 13/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Quy Nhơn (Bình Định).
Với trên 95% dân số Quy Nhơn được tiêm đủ 2 mũi vaccine, Bình Định hoàn toàn đủ điều kiện đón khách tới khu vực bán đảo Phương Mai, khi mà khu vực này tập trung tới hơn 4.000 phòng lưu trú cùng đa dạng sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Toạ đàm “Bình Định kích hoạt du lịch Xanh: Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn” diễn ra sáng 13/11 tại FLC Quy Nhơn. |
“Hành lang xanh đa dạng điểm đến”
Đóng góp ý kiến cho du lịch Bình Định trong bối cảnh mới, bà Bùi Hải Huyền, Tổng Giám đốc FLC đề xuất bốn nội dung.
Thứ nhất, bà Huyền mong Bình Định thúc đẩy nhanh lộ trình xin phép để được phê duyệt, công nhận Bình Định là điểm đến xanh có thể thí điểm đón khách quốc tế, theo Công văn số 4122 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Và thời điểm lý tưởng là trước tháng 1/2022. Thêm một điểm đến sẽ thêm một lựa chọn cho du khách quốc tế và sớm tạo ra được hành lang xanh đa dạng điểm đến, dịch vụ, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh cho thị trường du lịch Việt Nam nói chung, trong bối cảnh các nước trong khu vực cũng đang “chạy đua” để mở cửa du lịch quốc tế trở lại.
Thứ hai, Bình Định nên tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các tỉnh lân cận để tạo vành đai du lịch khép kín an toàn và hấp dẫn theo đúng tiêu chí “một điểm đến nhiều trải nghiệm”. Thứ ba, Bình Định cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại đia phương, cũng như các du khách và người dân. Thứ tư, là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ cùng các doanh nghiệp lan toả thông điệp Bình Định là điểm đến mới, thu hút.
Bà Bùi Hải Huyền, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC. |
Đối với các công ty du lịch lữ hành, bà Bùi Hải Huyền đề xuất các đơn vị cũng cần đưa ra các sáng kiến xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch cho Bình Định nói chung và các đơn vị như FLC nói riêng. Đồng thời, bản thân các đối tác cũng sẽ là một kênh truyền thông quảng bá sản phẩm hiệu quả, đưa thương hiệu du lịch Bình Định đến rộng rãi hơn với các đối tác quốc tế.
Về phía doanh nghiệp, FLC nhấn mạnh, hãng hàng không Bamboo Airways, hệ thống quần thể của tập đoàn đã và đang tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn theo yêu cầu của cơ quan chức năng trong việc đón khách; liên tục đào tạo nâng cấp dịch vụ, tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh.
Hiện FLC đã hoàn thiện tiêm vaccine mũi 2 cho toàn thể cán bộ nhân viên Bình Định. Không những vậy, Tập đoàn phối hợp với các tỉnh, địa phương triển khai tiêm cho các nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ tại các điểm mà FLC có hệ sinh thái và đang tích cực chuẩn bị cho mũi vaccine thứ ba. Đặc biệt, FLC đã xây dựng chương trình du lịch khép kín, an toàn, đầy đủ dịch vụ và đã trình lên tỉnh Bình Định với mong muốn sớm được phê duyệt để chuẩn bị đón khách quốc tế.
Cần điều chỉnh yêu cầu ký quỹ để đón khách quốc tế
Ở góc độ doanh nghiệp địa phương, ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch miền Trung nhắc đến quy định ký quỹ 500 triệu để đón khách quốc tế đến địa phương. Ông Kiên Trung cho biết điều kiện này là quá sức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên đề xuất các bộ, ngành xem xét điều chỉnh.
Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, PCT Hiệp hội Du lịch Bình Định, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Miền Trung. |
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần mạnh dạn hơn phát triển các thị trường đón khách quốc tế, nhất là châu Âu. Theo đó, ông mong muốn doanh nghiệp lớn như Tập đoàn FLC tăng cường kết nối với các doanh nghiệp tại Bình Định để có sự gắn kết cao, chia sẻ và cùng phát triển sản phẩm cùng làm phong phú hơn sản phẩm du lịch Bình Định, qua đó nâng cao sự cạnh tranh cho điểm đến.
Tái xây dựng sản phẩm
TS. Cao Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam - miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng thẳng thắn đề cập đến khó khăn của doanh nghiệp lữ hành liên quan Quyết định 3638 của Bộ Y tế. Theo Quyết định này, trên máy bay có 1 F0 thì cách ly cả tàu, rủi ro nằm về phía doanh nghiệp chứ không nằm ở hãng hàng không. Khách cách ly cứng 14 ngày và chi phí đó doanh nghiệp lữ hành phải trả. Ông Dũng đề xuất y tế địa phương cần xem xét hỗ trợ doanh nghiệp vì thẩm quyền y tế đã được giao xuống cho địa phương.
Đóng góp ý kiến về sản phẩm du lịch cho thị trường quốc tế khi Bình Định mở cửa trở lại, ông Dũng đề xuất Bình Định và FLC nên tập trung vào các sản phẩm về golf.
“Hệ sinh thái của Bình Định phù hợp với các chuyến charter trực tiếp và Hàn Quốc đang có mấy triệu golfer muốn đi. FLC cần xây dựng những gói sản phẩm golf thực sự hấp dẫn và cạnh tranh”, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour, đối với Vietrantour và doanh nghiệp du lịch trên cả nước, dịch COVID-19 là khó khăn chưa từng có, nhưng cũng nhờ vậy, chưa bao giờ ngành du lịch được quan tâm như bây giờ.
Bà Huyền đánh giá cao sự khởi động “hừng hực khí thế” từ những đơn vị đầu tàu trong lĩnh vực du lịch như FLC và hãng hàng không Bamboo Airways đã giúp kích hoạt năng lượng tích cực cho nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để tái khởi động lại du lịch trong bối cảnh mới, bà Huyền cho rằng vai trò của địa phương trong lúc này là rất quan trọng. Các địa phương cần có sự thống nhất, hướng dẫn quy trình nếu có F0 thì cần làm như thế nào, bộ tiêu chí du lịch để doanh nghiệp nắm được và tư vấn cho hành khách. Đây không chỉ là mối quan tâm của các doanh nghiệp mà hành khách cũng rất quan tâm đến vấn đề này.
"Nhu cầu du lịch luôn có nhưng chúng ta chưa khơi đúng nhu cầu của khách hàng, bằng chứng là việc các resort quanh Hà Nội luôn full phòng. Vì vậy, cần có cam kết với khách hàng bằng những sản phẩm du lịch xanh, những quy trình, điều kiện đảm bảo an toàn", bà Huyền nói và đề xuất Bình Định sẽ có danh sách những đơn vị cung cấp dịch vụ từ phòng nghỉ, nhà hàng, nhà xe, máy bay… tham gia vào chương trình để cùng đồng hành và khách hàng cũng yên tâm hơn.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"