Việc thực hiện xóa nhà tạm nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bình Định nhằm huy động, vận động các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tầng lớp Nhân dân với quyết tâm “xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh”.
Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát đánh giá nhu cầu xây dựng nhà ở đến năm 2025 với số lượng 2.522 hộ.
Trong đó, hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 3336/QĐ-UBND ngày 08/9/2023 của UBND tỉnh là 1.381 hộ; hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Dự án 5) là 85 hộ và hỗ trợ nhà ở theo Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 06/10/2024 là 1.056 hộ.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Bình Định sẽ dành 46,85 tỷ đồng để thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát cho 1.056 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, có 818 hộ được hỗ trợ xây dựng mới nhà ở, với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ gia đình; 238 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ gia đình.
Nguồn kinh phí thực hiện chương trình dự kiến được lấy từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07/8/2024 của Chính phủ.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Xây dựng có trách nhiệm trong việc tổng hợp đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà ở bổ sung vào Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025.
Tổ chức lập các mẫu nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo phù hợp với địa phương để tham khảo, nghiên cứu áp dụng để xây dựng nhà ở; hướng dẫn các xã xác định thực trạng về nhà ở, chất lượng về nhà ở và quy trình nghiệm cũng như thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đến người dân bằng hình thức phù hợp.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng cần tiếp tục phát huy cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở; đồng thời thực hiện chức năng giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng mục tiêu và yêu cầu.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần thành lập Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cấp huyện như cơ cấu, thành phần của tỉnh để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán các nguồn vốn thực hiện theo quy định của pháp luật, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025;
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở sau khi được hỗ trợ theo quy định của Kế hoạch.
Được biết, toàn tỉnh Bình Định hiện còn 13.384 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,13%, 13.326 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,02%. Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2024, địa phương này đã thực hiện hỗ trợ cho 7.329 hộ nghèo, hộ cận nghèo (5.905 hộ được hỗ trợ xây dựng mới, 1.424 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở). Qua đó đã góp phần đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân, đặc biệt có một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng đã tiếp cận được nơi ở an toàn và từng bước vươn lên thoát nghèo.