Ngày 12/8, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chủ trì Hội nghị.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đã chủ động có những giải pháp để vượt qua khó khăn. Nhờ thế, hoạt động sản xuất của một số ngành kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, qua đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh trong 7 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khiến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định gặp không ít khó khăn trong quá trình duy trì hoạt động sản xuất.
Cụ thể, việc tìm kiếm nguyên liệu nhập khẩu, thu mua trong nước trở nên khó khăn, chậm tiến độ; việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp cung cấp nằm trong vùng có dịch; một số nhà cung cấp không giao đủ lượng hàng do phải thu hẹp hoạt động sản xuất, ngừng sản xuất dẫn đến một số ngành hàng bị hạn chế về số lượng hàng hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị. |
Đồng thời, cơ chế chính sách hỗ trợ lưu thông xe chở hàng hóa trong tỉnh còn nhiều bất cập; nhiều lao động trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa khó khăn khi di chuyển, ảnh hưởng đến kế hoạch lao động, chi phí nhân công; giá vận chuyển cước tàu, thuê container tăng giá cao gấp 3 - 7 lần; thiếu tàu làm cho xuất hàng, nhập hàng bị trễ nhiều ngày.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” gặp nhiều khó khăn và phát sinh nhiều vấn đề bất cập; không tiếp cận nguồn vaccine tiêm ngừa cho người lao động; các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giảm tiền điện nước, cước viễn thông chưa nhiều…
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh cần xây dựng bản đồ các “vùng xanh” để hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, công nhân lưu thông thuận lợi; thành lập tổ công tác hoạt động thường xuyên để triển khai các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp…
“Các doanh nghiệp không chỉ trông chờ vào nỗ lực của Nhà nước mà phải tự chủ động phòng, chống dịch theo phương án 4 an toàn: công nhân an toàn, nhà máy an toàn, giao thông an toàn, nơi ở an toàn”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long phát biểu tại Hội nghị. |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành 3 nhóm chính sách quan trọng, gồm: các chính sách liên quan đến việc cắt giảm các chi phí, các chính sách liên quan đến tài khóa, các chính sách liên quan đến tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần hướng dẫn thủ tục hành chính nhanh gọn để doanh nghiệp tiếp cận được các gói tín dụng, hỗ trợ của Chính phủ sớm nhất.
UBND tỉnh Bình Định sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt của tỉnh, giao Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh làm Tổ trưởng, cùng các thành viên đại diện các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh. Tổ công tác sẽ thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước; tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp trình UBND tỉnh báo cáo với cơ quan Trung ương để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Chiến dịch tiêm vaccine thời gian tới sẽ ưu tiên cho lực lượng công nhân lao động trực tiếp. Tôi đề nghị các doanh nghiệp tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện đúng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, không được lợi dụng trục lợi chính sách. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để an tâm tổ chức sản xuất, thực hiện “mục tiêu kép” cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.