Sáng 23/12, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự hội nghị.
Ngày 14/12, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1619/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (phải) trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tỉnh Bình Định. |
Toàn tỉnh Bình Định có 21 đô thị, với 3 thành phố, gồm: Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn; quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ.
Kinh tế của Bình Định phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa…
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Kinh tế của Bình Định phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI); du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và hệ thống logistics gắn liền cảng biển, cảng hàng không. Tỉnh có hệ thống đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại hội nghị. |
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh luôn xác định công tác xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải đi trước một bước. Đây là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định. Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Bình Định phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong rằng, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu tiềm năng đầu tư vào Bình Định. Qua đó, tìm kiếm và mở rộng cơ hội đầu tư, tích cực sớm triển khai các dự án đầu tư theo các nội dung, thỏa thuận đã ký kết thành những sản phẩm, công trình cụ thể để chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của tỉnh thành các động lực cụ thể, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.
Dịp này, tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ trao Quyết định quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư đã và đang tìm cơ hội đầu tư vào Bình Định.