Bình chọn các sự kiện nổi bật năm 2021 của Ngành Tư pháp

Bình chọn các sự kiện nổi bật năm 2021 của Ngành Tư pháp
(PLVN) -Thực hiện Quy chế bình xét các sự kiện nổi bật hàng năm của Ngành Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 2196/QĐ-BTP ngày 26/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp tiến hành lấy ý kiến bình chọn đối với các sự kiện nổi bật năm 2021 của Ngành Tư pháp.

1. Đóng góp hiệu quả trong tham mưu với Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Nội dung sự kiện:

Công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật tiếp tục có nhiều điểm sáng, trong đó đã tập trung tham mưu, đề xuất được những định hướng chính sách lớn, then chốt trong cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, được thể hiện đậm nét tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thời gian qua. Bộ Tư pháp đã cùng các Bộ, ngành giúp Quốc hội, Chính phủ tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đến thời điểm này cũng đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thực hiện đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về hoàn thiện thể chế, ngày từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Tư pháp đã phối hợp Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu với nhiều mục tiêu, giải pháp để đảm bảo đảm bảo thể chế, pháp luật thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần quyết liệt đó, nhiều Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo, quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật.

2. Bộ, ngành Tư pháp tham mưu hiệu quả với Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp về các vấn đề pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19

Nội dung sự kiện:

Với vai trò thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về các vấn đề pháp lý và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tham gia tích cực trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản liên quan đến phòng, chống Covid-19 như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”…; tham mưu Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 các vấn đề pháp lý khác phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, đàm phán, mua vắc xin, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng… Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và Công chức Tư pháp – Hộ tịch ở các địa phương cũng đã chủ động, trách nhiệm, hiệu quả trong tham mưu với UBND các cấp những vấn đề pháp lý phát sinh trong ứng phó với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, nhận diện tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch Covid-19; tham mưu xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Trong các lĩnh vực công tác chuyên môn, Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn, xử lý các vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như lĩnh vực thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp hộ tịch, quốc tịch, thi hành án dân sự… theo đúng tinh thần bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

3. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về xây dựng và hoàn thiện thể chế được tổ chức ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới

Nội dung sự kiện:

Xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước phát triển bền vững đã được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhằm đánh giá thực trạng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác này trong thời gian tới, ngày 16 tháng 9 năm 2021, Bộ Tư pháp đã phối hợp Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Hội nghị đã thảo luận các định hướng, kiến nghị cụ thể nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Kết quả của Hội nghị và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm thể chế, pháp luật phải thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội; thể chế, chính sách vừa phải kịp thời điều chỉnh trong phạm vi ngắn hạn, vừa phải có tầm nhìn trung và dài hạn, thích ứng với bối cảnh đất nước; nâng cao khả năng “đề kháng” của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội trước đại dịch Covid 19, tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

4. Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần văn kiện đại hội XIII của Đảng”

Nội dung sự kiện:

Để góp phần thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, định hướng lớn đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” vào ngày 29/11/2021.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn với hơn 70 chuyên đề, tham luận chất lượng cao. Trên cơ sở, nhận diện các thách thức, cơ hội và những vấn đề pháp lý đặt ra trong việc triển khai thực hiện định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng gắn với bối cảnh phát triển KT-XH của đất nước với sự tác động của đại dịch COVID-19, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, Hội thảo đã đề xuất các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ quan trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Kết quả hội thảo đã góp phần quan trọng để các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và hoạt động thực tiễn nghiên cứu, vận dụng, tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ đặt ra đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

5. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế

Nội dung sự kiện:

Ngày 02/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị. Đây là cơ sở chính trị có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác thu hồi tài sản; hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, cơ bản khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương. Năm 2021 là năm đầu tiên THADS đã thu hồi được khoản tiền gần 3 triệu USD ở nước ngoài.

6. Bình chọn, tôn vinh 50 Gương sáng Pháp luật nhân ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 - Lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật

Nội dung sự kiện:

Lần đầu tiên Chương trình tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” được tổ chức nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của nhân dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Chương trình, sự quyết tâm của Ban Tổ chức và đơn vị chủ trì thực hiện là Báo Pháp luật Việt Nam, cùng sự ủng hộ của các bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương, các cán bộ, phóng viên, những người làm Báo Pháp luật Việt Nam trong cả nước đã cố gắng triển khai nhằm thực hiện Chương trình một cách tốt nhất. Những nhân vật trong hơn 200 bài viết “Gương sáng Pháp luật” là những cá nhân đạt được các thành tích xuất sắc, tiêu biểu, đã được ghi nhận và trao tặng các danh hiệu cao quý của các cơ quan có thẩm quyền về những thành tích trong xây dựng, tổ chức, thi hành pháp luật; là những người truyền cảm hứng, lan tỏa trong xã hội về tinh thần thượng tôn pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Hội đồng bình chọn đã khách quan, công tâm để lựa chọn 50 cá nhân tiêu biểu nhất để tôn vinh tại Chương trình được tổ chức trang trọng, ý nghĩa tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 08 tháng 11 năm 2021.

7. Tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”

Nội dung sự kiện:

Năm 2021, toàn ngành Tư pháp đã phối hợp cùng hệ thống chính trị cả nước đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử để phục vụ cho sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng - bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến với tên gọi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của mọi tầng lớp Nhân dân trên cả nước. Sau 30 ngày tổ chức, đã có gần 04 triệu lượt truy cập vào trang thông tin điện tử của Cuộc thi, hơn 643.000 người đăng ký dự thi với hơn 801.000 lượt thi. Cuộc thi này được đánh giá là một điểm nhấn quan trọng trong đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phổ biến, nâng cao hiểu biết về pháp luật, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, góp phần tích cực vào sự thành công của sự kiện chính trị pháp lý quan trọng này.

8. Bộ Tư pháp giữ vị trí xếp hạng trong nhóm ba bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính

Nội dung sự kiện:

Theo công bố của Bộ Nội vụ năm 2021, Bộ Tư pháp tiếp tục tăng giá trị điểm cải cách hành chính trong năm năm liên tục và giữ vị trí xếp hạng trong nhóm ba bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ năm thứ ba liên tiếp. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tiếp tục duy trì là lĩnh vực được đánh giá cao nhất của Bộ Tư pháp.

Về chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020, kết quả chung chỉ số hài lòng chung đối với 02 dịch vụ công lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý (lĩnh vực thuộc diện đo lường) là 89.58% (chỉ số hài lòng chung cả nước là 85.48%). Kết quả này vượt xa so với mục tiêu yêu cầu theo Nghị quyết số 30C/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trong đó, các chỉ số về tiếp cận dịch vụ công, thủ tục hành chính, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, kết quả dịch vụ công đều đạt mức trên 80% theo yêu cầu của Chính phủ. Kết quả nói trên đã thể hiện nỗ lực của cơ quan tư pháp tại các địa phương để hướng đến đảm bảo sự hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện các dịch vụ công.

9. Bộ Tư pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo thuận lợi cho việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sắp xếp tổ chức, cán bộ cơ quan tư pháp địa phương

Nội dung sự kiện:

Chỉ trong vòng 03 tháng sau khi các Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/20202 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành, Bộ Tư pháp đã kịp thời ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BTP ngày 21/12/2020 (thay thế Thông tư số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014) hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trên cơ sở đó, các Sở Tư pháp đã tham mưu để Ủy ban nhân dân các cấp sắp xếp, kiện toàn tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương để bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp được giao và quy định mới của Chính phủ về tổ chức, biên chế. Ngày 22/7/2021, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tiếp tục có Công văn số 81-CV/BCSĐ đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy, tỉnh ủy các địa phương quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã theo đúng quy định của Luật Hộ tịch và đáp ứng yêu cầu, đỏi hỏi ngày càng cao của công tác tư pháp tại cơ sở.

Để tháo gỡ khó khăn cho Sở Tư pháp trong việc kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực tư pháp tại địa phương như Phòng Công chứng, Trung tâm Đấu giá tài sản, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu của ngành Tư pháp và Quyết định phê duyệt Quy hoạch đơn vị sự nghiệp công lập của ngành Tư pháp đến năm 2030. Trên cơ sở các văn bản này, mạng lưới các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập sẽ được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, vừa đẩy mạnh thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa vừa bảo đảm vai trò định hướng của Nhà nước trong hỗ trợ phát triển nghề tư pháp và quyền tiếp cận dịch vụ cơ bản, thiết yếu của người dân, tổ chức ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

10. Tổ chức Lễ giao nhận 92 trẻ em cho các gia đình cha mẹ nuôi ở Châu Âu, đánh dấu những kết quả nhân văn trong công tác nuôi con nuôi, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền trẻ em

Nội dung sự kiện:

Sau 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay 1993, công tác nuôi con nuôi đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hơn 30.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã tìm được gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài, qua đó cho thấy ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác này, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, đồng thời thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Bộ, Ngành Tư pháp trong việc bảo đảm, thúc đẩy, bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em.

Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các cha mẹ nuôi nước ngoài không thể di chuyển sang Việt Nam để hoàn tất thủ tục giao nhận con nuôi. Nhằm tạo điều kiện cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sớm được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình phù hợp, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và với quyết tâm cao của Bộ, Ngành Tư pháp cùng với sự phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan, ngày 23/10/2021, Lễ giao nhận 92 trẻ em cư trú tại 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho 91 gia đình cha mẹ nuôi các nước châu Âu đã được tổ chức tập trung, an toàn và thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Các cha mẹ nuôi đã trở về nước an toàn cùng con nuôi; bày tỏ niềm vui mừng, hạnh phúc, sự biết ơn đối với các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trong việc tạo cơ hội để họ được đón nhận những đứa con thân thương của mình về với gia đình.

Sự kiện này cũng tạo dấu ấn sâu sắc trong quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam với các nước châu Âu. Các nước đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt công tác đảm bảo an sinh xã hội; ghi nhận chính sách nhân văn và sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ Việt Nam đối với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với mục tiêu tất cả vì lợi ích tốt nhất của trẻ.

11. Hội nghị cấp Bộ trưởng về đăng ký và thống kê hộ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Nội dung sự kiện:

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ hai về đăng ký và thống kê hộ tịch của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 11 năm 2021 theo hình thức trực tuyến, tập trung tại điểm cầu Bangkok (Thái Lan), với chủ đề xuyên suốt về “Xây dựng một tương lai bền vững hơn với Đăng ký và thống kê hộ tịch toàn diện”. Đây là sự kiện quốc tế quan trọng, nổi bật đánh dấu điểm mốc giữa kỳ của Thập niên đăng ký và thống kê hộ tịch của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2015-2024, khẳng định lại tầm nhìn chung được tuyên bố tại Hội nghị Bộ trưởng về đăng ký, thống kê hộ tịch vào năm 2014.

Tại phiên họp quan trọng nhất của Hội nghị, phiên họp cấp Bộ trưởng tổ chức ngày 19/11/2021 hướng tới một tầm nhìn chung về đăng ký và thống kê hộ tịch phổ cập và phù hợp nhằm tạo điều kiện thực hiện các quyền và hỗ trợ quản trị tốt, y tế và phát triển, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh về những tiến bộ đạt được trong nửa đầu Thập niên về đăng ký, thống kê hộ tịch và thách thức đặt ra cho công tác đăng ký, thống kê hộ tịch tại Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực. Đồng thời, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 nhằm hướng đến mục tiêu “Để không ai bị bỏ lại phía sau”. Quyết tâm của Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận cao của các quốc gia tham dự Hội nghị. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng lần thứ hai về đăng ký, thống kê hộ tịch của khu vực Châu Á - Thái Bình dương. Tuyên bố đã thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ hơn quyết tâm, nỗ lực của các quốc gia trong việc bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho tất cả mọi người, đồng thời tiến tới xóa bỏ mọi rào cản, phân biệt đối xử trong đăng ký hộ tịch, đặc biệt đối với nhóm dân cư khó tiếp cận, dễ bị tổn thương.

12. Công tác hợp tác quốc tế về pháp luật tư pháp được đẩy mạnh, điểm nhấn là Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN lần thứ 11 và Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp ASEAN lần thứ 20

Nội dung sự kiện:

Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về đối ngoại, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, trong điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Tư pháp đã sáng tạo, đổi mới phương thức triển khai hoạt động hợp tác quốc tế, đạt nhiều kết quả nổi bật như: ký kết được 05 thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức các nước này của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình hợp tác năm 2022 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam - Lào, Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2023 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Cu–ba, Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Tham Chính viện Cộng hòa Pháp, Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2023 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Liên bang Nga, Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Chính phủ Việt nam và Ma-lai-xi-a về tư pháp và pháp luật); ký trực tuyến các ký Chương trình hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giai đoạn 2021-2022 với BTP Thái Lan, Chương trình hợp tác năm 2021 với Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng Liên bang Đức; Chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2023 với Bộ Tư pháp An-giê-ri; Biên bản ghi nhớ hợp tác với IFC trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN (ALAWMM) lần thứ 11; và Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM) lần thứ 20; Hội nghị thường niên năm 2021 của IDLO, tổ chức nhiều hội nghị chuyên môn do Hàn Quốc, ASEAN; tổ chức Diễn đàn pháp luật về chủ đề “Công tác thi hành án dân sự trong yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” và các Phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật theo chuyên đề. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật trong phạm vi toàn quốc nói chung, tại Bộ Tư pháp nói riêng tiếp tục được triển khai bài bản. Công tác thông tin đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao hình ảnh của Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

13. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo về pháp luật và Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp

Nội dung sự kiện:

Trên cơ sở kết quả tổng kết thực hiện Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 và Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, Bộ Tư pháp đã báo cáo và được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả thực hiện và giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng các Đề án mới nhằm tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo về pháp luật và Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Việc xây dựng, phê duyệt và thực hiện các Đề án mới nêu trên sẽ góp phần đắc lực thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp phục vụ tiến trình cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật và đặc biệt tới đây là phục vụ thực hiện Chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

14. Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật của Việt Nam nâng hạng 06 bậc

Nội dung sự kiện:

Thời gian qua, Ngành Tư pháp đã đề xuất nhiều định hướng chiến lược quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, được thể hiện rõ nét trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và các Sở Tư pháp đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với những kết quả nêu trên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật của Việt Nam đã được các Tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo đó, thứ hạng của Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam năm 2021 tăng 6 bậc, qua đó giúp tăng thứ hạng của Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam lên 44/132 quốc gia được đánh giá. Sự kiện này góp phần nâng tầm hình ảnh và vị thế đất nước và mở ra nhiều cơ hội, tạo thế mạnh trong việc thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

15. Các địa phương đầu tiên tiến hành Đại hội thành lập Hội Thừa phát lại

Nội dung sự kiện:

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Đảng và Chính phủ, hoạt động Thừa phát lại đã được triển khai thực hiện và có được nhiều kết quả tích cực. Các Văn phòng Thừa phát lại đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan Tư pháp thực hiện một số công việc như tống đạt các văn bản tài liệu tố tụng; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật. Để có một tổ chức nghề nghiệp, tạo cơ hội giao lưu về chuyên môn nghiệp vụ cũng như có tiếng nói bảo vệ các hội viên trong quá trình hành nghề, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là các địa phương đầu tiên tổ chức Đại hội thành lập Hội Thừa Phát lại nhiệm kỳ 2021-2026.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành Đại hội thành lập Hội Thừa phát lại Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, bầu ra lãnh đạo Hội do 5 Thừa phát lại làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội. Đây là dốc mốc quan trọng đối với những người hành nghề thừa phát lại trên địa bàn thủ đô. Tiếp sau Hà Nội, mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng ban hành Quyết định thành lập Hội Thừa phát lại TPHCM và tổ chức Đại hội thành lập Hội Thừa Phát lại TP.HCM lần thứ nhất, nhiệm kì 2021- 2026.

16. Dấu mốc quan trọng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp, điểm nhấn là tổng kết 05 năm thực hiện Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ

Nội dung sự kiện:

Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại là điều ước đa phương về tương trợ tư pháp có 79 quốc gia thành viên, có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 01/10/2016. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan trung ương thực thi Công ước, theo Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện các hoạt động từ hoàn thiện thể chế, tuyên truyền, xây dựng cẩm nang hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương và trực tiếp tiếp nhận xử lý các yêu cầu tống đạt giấy tờ của Việt Nam gửi ra nước ngoài và của nước ngoài vào Việt Nam.

Sự kiện tổng kết 05 năm với kết quả nổi bật nêu trên đánh dấu mốc quan trọng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp. Số lượng hồ sơ thực hiện trong 5 năm 6199 hồ sơ, kết quả ngày càng được nâng cao, hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các cơ quan tố tụng trong nước và nước ngoài, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu về cải cách pháp luật, tư pháp. Kết quả thực thi Công ước không chỉ có tác động trong nước mà ở tầm quốc tế là minh chứng khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Độc giả vui lòng tham gia bình chọn Tại đây.

Tin cùng chuyên mục

Tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị Quyết 18-NQ/TW: Cần giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp

Tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị Quyết 18-NQ/TW: Cần giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp

(PLVN) -  Cải cách tinh gọn bộ máy hiện nay đang thực hiện mạnh mẽ từ trung ương xuống, do vậy, nên cải cách theo hướng phân quyền mạnh hơn cho cấp địa phương, còn Trung ương chỉ làm những việc điều phối xuyên quốc gia. Trung ương kiên quyết không làm các nhiệm vụ thuộc phạm vi của địa phương, nhằm giảm thiểu việc can thiệp hay chồng chéo nhiệm vụ. Đây là một nội dung trong bài viết của GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (ĐH Kinh tế).

Đọc thêm

Nắm bắt cơ hội để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Nắm bắt cơ hội để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
(PLVN) - Để triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, đường lối được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được tăng cường tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Thứ trưởng Mai Lương Khôi dự hội nghị triển khai công tác của Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh

Thứ trưởng Mai Lương Khôi dự hội nghị triển khai công tác của Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh
(PLVN) - Ngày 12/12, Cục Thi hành án Dân sự (THADS) TP HCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ theo dõi THADS, theo dõi thi hành àn hành chính năm 2025 và ký kết quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS tại TP. HCM. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi dự, chỉ đạo hội nghị và chứng kiến lễ ký kết.

Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp: Triển khai công tác năm 2025

Toàn cảnh Hội nghị.
(PLVN) -Chiều 10/12, Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự và theo dõi thi hành án hành chính năm 2025. Ông Trần Phương Hồng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hình thành thiết chế Luật sư công sẽ tăng cường nguồn lực cho tổ chức Trợ giúp pháp lý

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự.
(PLVN) -Thiết chế Luật sư công ở Việt Nam đang được hiểu như thế nào và sự cần thiết của Luật sư công trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt xuất phát từ thực tế, tại Việt Nam không phải đối tượng nào cũng có điều kiện nhờ luật sư khi gặp các vấn đề pháp lý. Xung quanh vấn đề này Báo PLVN phỏng vấn Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự.

“Cẩm nang pháp luật” giúp giảm tải công việc cho cán bộ tư pháp địa phương của chị Phạm Thị Trang Đài

Chị Phạm Thị Trang Đài, Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng
(PLVN) - Thấu hiểu nỗi vất vả của cán bộ Tư pháp - hộ tịch cấp xã nói chung và cán bộ ngành tư pháp nói riêng, chị Phạm Thị Trang Đài (SN 1972, Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng) không ngừng nghiên cứu, cải tiến liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật giúp “giảm tải” cho cán bộ cũng như dễ dàng phổ biến đến người dân.

184 luật cần sửa đổi, bổ sung khi tinh gọn bộ máy

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh
(PLVN) -  Chiều 11/12, tại TPHCM, phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết: Bộ Tư pháp đang được Chính phủ giao rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18- NQ/TW

TP.Hồ Chí Minh: Tập trung hơn nữa nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế

Lễ kí kết Chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác Tư pháp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030 giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND TP. HCM
(PLVN) - Chiều 11/12, Đoàn Công tác Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh về nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố.

Hết sức cần thiết hình thành thiết chế luật sư công

Thạc sĩ Đỗ Thu Hương. (Ảnh PV)
(PLVN) -  Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc hình thành thiết chế luật sư công là hết sức cần thiết và nên được sớm thông qua trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư sắp tới.

Phú Yên: Sáng kiến cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID đạt giải ba cuộc thi về cải cách hành chính

Bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp (thứ ba từ phải qua) đại diện Sở nhận giải.
(PLVN) - Sáng kiến giải pháp “Tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp thông qua ứng dụng VNeID khi thực hiện thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp” của Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên mới đây đã được trao giải ba tại cuộc thi Tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cải cách hành chính năm 2024 của tỉnh.