Về xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), chị Đỗ Thị Lan Kiều, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Mỹ Hòa do Hội Cựu chiến binh quản lý, chia sẻ rằng: “Thôn hiện có 3 hộ tham gia vay vốn chương trình nhà vượt lũ, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già neo đơn. Nếu không có nhà tránh lũ thì không biết những tài tài sản ít ỏi, tính mạng của họ sẽ không biết bấu víu vào đâu khi nước lũ lên nhanh và ngập sâu như vậy”.
Ở thôn này có bà Dương Thị Tình hoàn cảnh khốn khó đặc biệt. Chồng mất sớm, một tay bà cáng đáng nuôi con gái bệnh tật, đau ốm quanh năm và đứa cháu ngoại mới hơn 2 tuổi. “Tôi được NHCSXH tỉnh Quảng Bình cho vay 15 triệu đồng, cùng với số tiền tích cóp được lâu nay nên xây được căn nhà vượt lũ này. Lũ ập về, căn nhà không chỉ là nơi trú ẩn của 3 bà cháu mà còn là nơi để bà con trong xóm tá túc tránh lũ. Không những vậy còn kê được cả bếp núc, nấu ăn chống đói qua ngày chờ lũ rút”.
Có mặt tại các địa bàn lũ ngập sâu để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ông Nguyễn Văn Thục - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy - bày tỏ mong muốn: “Sau trận lũ kinh hoàng này, bà con xã tôi có chung mong muốn rằng, ngoài những hộ nghèo, khó khăn ra thì NHCSXH cần có giải pháp nhân rộng đối tượng vay vốn xây nhà vượt lũ ở những vùng xung yếu thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ khi bản thân họ chưa chưa đủ điều kiện để tự xây dựng được”.
Căn nhà vượt lũ của bà Dương Thị Tình là chỗ trú ẩn an toàn cho gia đình và nhều người dân trong xóm. |
Trận lũ lịch sử quét qua, cuốn trôi hết tài sản, nhiều hộ gia đình đã lâm vào cảnh trắng tay. Một số ít như gia đình cụ ông Nguyễn Văn Dược (89 tuổi, ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) thì may mắn hơn. Bởi không chỉ tín mạng các thành viên trong nhà được đảm bảo an toàn mà nhiều tài sản quan trọng và nhiều nhu yếu phẩm cần thiết cho những ngày mưa lũ được cất trữ an toàn.
“May nhờ xây được nhà vượt lũ từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH quá thiết thực, không thì thân già như tui không biết phải bấu víu vào đâu vì lũ lớn và lên nhanh lắm. Cả xóm xung quanh nhà thấp hơn nên đã bị ngập hết” – cụ Dược cho hay.
Cùng thôn với cụ Dược có cụ ông Trần Thập gia cảnh thuộc diện nghèo khó nhất xã Tân Ninh. Cụ Thập năm nay đã 90 tuổi vẫn phải một thân mình lọ mọ nuôi đứa con trai tàn tật, mắc chứng tâm thần.
Cụ thật thà tâm sự: “Căn nhà gỗ ọp ẹp bên cạnh dựng đã mấy chục năm rồi nên mục nát hết. Thân tui già yếu, con cái lại khờ dại tật nguyền. Nhờ sự nhiệt tình của cán bộ tín dụng NHCSXH huyện nên căn nhà vượt lũ của cha con tôi vừa kịp hoàn thành ngay trước mùa mưa bão năm nay. Không thì giờ cha con ôm nhau trôi ra biển rồi”.
Được biết, chương trình xây nhà vượt lũ cho người dân được thực hiện với nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp”. Nhà chòi tránh lũ có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu là 10m2. Các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố.
Mẹ con bà Dương Thị Tình di chuyển đồ đạc lên nhà tránh lũ để cất giữ khi mưa lũ về. |
Hiện tại ở Quảng Bình, hiện có 2.500 gia đình đã xây dựng và mô hình nhà vượt lũ này đang phát huy hiệu quả rất tốt, giải quyết được khó khăn trong công tác di dời, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi lũ lụt xảy ra. Chương trình xây nhà vượt lũ đã thể hiện cơ chế, chính sách và cách làm rất phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Theo ông Trần Văn Tài - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình, kể từ khi triển khai chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây nhà phòng tránh lụt bão vay vốn NHCSXH theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay, Chi nhánh đã chủ động tiếp cận, khuyến khích các hộ nghèo xây nhà chống lũ và hiện đã giải ngân cho vay được gần 68% số hộ theo đề án.
Trao đổi với PLVN, ông Tài khẳng định: “Sau trận lũ lịch sử vừa qua, những lũ mà NHCSXH tỉnh Quảng Bình hỗ trợ cho người dân đã phát huy hiệu quả rất tốt, giảm thiểu thiệt hại về tín mạng, tài sản cho bà con. Hiện chúng tôi đang rà soát lại tình hình thiệt hại để xin Trung ương bổ sung nguồn vốn giúp bà con khắc phục hậu quả sau lũ và có đồng vốn để tái sản xuất, sớm ổn định cuộc sống”.
“Mặt khác, miền Trung là vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt tôi rất mong Nhà nước cần có sự quan tâm và đưa ra những giải pháp căn cơ hơn đối với những vùng có mưa bão thường xuyên như Quảng Bình. Các bộ, ngành cần nghiên cứu để kéo dài chương trình cho vay hộ nghèo về xây dựng nhà ở, nhà vượt lũ để phòng chống thiên tai, kể cả việc xem xét nâng mức cho vay. Đồng thời, cần mở rộng đối tượng hộ cận nghèo cũng có thể vay chương trình này” – ông Trần Văn Tài chia sẻ thêm.