Biểu tượng về Hồ Chí Minh trên nhiều nẻo đường quốc tế

(PLVN) - Năm 1990, Đại hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các quốc gia thành viên kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Hồ Chí Minh nhân 100 năm Ngày sinh của Bác. Cái tên “Hồ Chí Minh” đã được đặt cho nhiều quảng trường, tượng đài, khu lưu niệm, trường học… ở nhiều nước trên thế giới, một lần nữa khẳng định tình yêu mến, cảm phục của bạn bè thế giới dành cho Người.

Những đại lộ đậm dấu ấn của Bác Hồ

Tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt cho nhiều đại lộ tại thủ đô các nước Nga, Pháp, Ý, Cuba, Burkina Faso, Mozambique, Ấn Độ… Rất nhiều người có thể không biết tới hình ảnh Bác Hồ có ý nghĩa rất quan trọng với nhiều dân tộc trên thế giới. Algeria là một ví dụ. Ít ai biết rằng nhân dân Algeria chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Cách mạng Giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 11/1954 cũng là thời điểm người Algeria bắt đầu phát động khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc trong 8 năm sau đó. Năm 1958, một phái đoàn quân đội Algeria cũng từng sang Việt Nam và được Bác Hồ tiếp đón chu đáo.

Sau này, chính quyền Algeria đã cho xây dựng Đại lộ Hồ Chí Minh (Avenue du Président Ho Chi Minh) tại quận Rais Hamidou của thủ đô Alger. Đại lộ này dài khoảng 3km, là con đường giao thông nằm trên trục Đông – Tây của thành phố, đi qua nhiều địa điểm quan trọng.

Nơi đây thể hiện tình cảm gắn kết giữa người Algeria và Hồ Chủ tịch cùng với nhân dân Việt Nam. Cứ mỗi dịp Quốc Khánh hay sinh nhật Bác hàng năm, người ta thấy nhiều người Việt khắp nơi trên đất nước Algeria quy tụ về nơi này.

Tại thủ đô Luanda của Angola cũng có một đại lộ chính mang tên của Hồ Chí Minh, đó là “Avenida Ho Chi Minh”. Được biết, con đường này nối liền với đường Cách mạng tháng 10, hướng ra sân bay Luanda. Dọc đại lộ Hồ Chí Minh, du khách có thể bắt gặp những cơ quan quan trọng của chính phủ nước này. Điểm cuối của đại lộ được ví như một “quảng trường” có thể ngắm toàn cảnh vịnh Luanda.

Nếu hỏi Hồ Chủ tịch có ý nghĩa như thế nào đối với người Angola thì có thể dẫn chứng đến một sự kiện vào năm 1975 – tại thời điểm này, Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới công nhận nền độc lập của Angola.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” chính là chân lý của Hồ Chí Minh; và quả thực, trong thời thế chiến tranh loạn lạc thì việc giành lại quyền tự chủ chính là khát vọng cháy bỏng nhất của các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ XX. Đối với người dân Angola, hình ảnh Hồ Chủ tịch là một trong những biểu tượng cho ý chí và khát vọng đó. Hiện nay, có khoảng 5 vạn người Việt sống và định cư tại quốc gia này.

Một căn nhà trên đại lộ Hồ Chí Minh ở Angola.
 Một căn nhà trên đại lộ Hồ Chí Minh ở Angola.

Nhân dân châu Phi, trong đó có nhân dân Mozambique vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1977, ngay sau khi giành được độc lập, cố Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Mozambique (ngày nay Cộng hòa Mozambique) Samora Machel đã lấy tên Hồ Chủ tịch để đặt tên cho một đại lộ ở Thủ đô Maputo.

Đó là một con đường dài hơn 1km đi ngang qua tòa thị chính của Thủ đô. Ngoài đại lộ Hồ Chí Minh, còn có những con đường khác mang tên Các Mác, Lênin. Đáng nói, trên đại lộ Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương cho trồng một hàng cây keo – loài cây biểu trưng “thịnh vượng, đẹp, sạch sẽ, an toàn và thân thiện” của thành phố Maputo, hay còn có tên khác là “Hòn ngọc của Ấn Độ Dương”.

Nói đến Ấn Độ chắc hẳn người ta sẽ nhớ tới mối quan hệ thâm tình giữa Hồ Chủ tịch và và cựu Thủ tướng Nehru của Ấn Độ. Năm 1958, trong chuyến thăm Ấn Độ, Bác Hồ được Thủ tướng Nehru tiếp đón thịnh tình, ân cần. Bởi mối gắn bó tình cảm, tại Ấn Độ có tới hai công trình được “mượn tên” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là đại lộ Ho Chi Minh Marg toạ lạc tại thủ đô New Delhi – nơi tập trung hàng ngàn, hàng triệu du khách. Vào năm 1990, hưởng ứng khuyến nghị của Đại hội đồng UNESCO, Hội đồng thành phố Kolkata và Ủy ban Tây Bengal đoàn kết Đông Dương – Việt Nam đã khánh thành con đường Ho Chi Minh Sarani nhân dịp 100 năm sinh nhật Bác.

Có lẽ ai cũng biết rằng trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin câu trả lời cho dân tộc mình. Khi nói về sự kiện này, Người hồi tưởng: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi như muốn nói to lên trước quần chúng đông đảo: - Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Không thể phủ nhận Lênin và đất nước Xô Viết đã có sự ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và nhận thức của Hồ Chủ tịch. Khi Lênin từ trần, Bác đã viết: “Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”.

Dù vậy, ít ai biết về điều ngược lại, đó là dấu ấn của Hồ Chủ tịch trên đất nước này. Tại thành phố Ulyanovsk (cách Moskva 893km), được biết tới là quê hương của vị lãnh tụ V.I.Lenin, có một đại lộ đã được đặt tên Hồ Chí Minh. Trên con đường này cũng có một bức tượng bán thân của Hồ Chủ tịch, nhằm thể hiện tình yêu mến của người dân địa phương đối với Bác Hồ và đất nước, con người Việt Nam.

Không thể thống kê được hết 

Theo báo cáo của Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”, Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam vẫn chưa thống kê đầy đủ số lượng của các con đường và cơ sở được mang tên Bác cũng như chưa nắm rõ hết được tình trạng của các cơ sở này.

Ấn Độ là nước đầu tiên có tên đường Hồ Chí Minh. Con đường này được đặt tên ngay sau cuộc tấn công Mậu Thân năm 1968 nhằm bày tỏ sự ủng hộ của chính quyền và đất nước Ấn Độ đối với cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc tại Việt Nam. Các con đường mang tên Hồ Chủ tịch đều xuất hiện tại thủ đô các nước như Cuba, Mozambique, Angola, Algeria, Nga,... Tại Ý có đến 21 con đường mang tên Hồ Chí Minh tại nhiều thành phố trên khắp đất nước. 

Tượng Hồ Chí Minh ở Cuba.
Tượng Hồ Chí Minh ở Cuba.

Palestine từng bày tỏ mong muốn được đặt tên Hồ Chí Minh cho một con đường tại Ramallah. Đại sứ quán tại Morocco kiến nghị vận động chính quyền Burkina Faso khôi phục lại tên đường Hồ Chí Minh cho đại lộ chạy qua dinh Tổng thống nước này hoặc đặt tên Hồ Chí Minh cho một con đường khác phù hợp. Cuba có 1 trường tiểu học, 1 trường cấp II, 1 trung tâm giáo dục hỗn hợp, 1 phòng tranh và 1 công viên được mang tên Bác.

Mexico có 1 giảng đường mang tên Hồ Chí Minh. Mông Cổ có 1 trường phổ thông mà trong khuôn viên trường có tượng Bác… Ngoài ra, còn có nhiều điểm lưu niệm, tưởng niệm Bác chưa chính thức nhưng được chính quyền và người dân địa phương trân trọng, lưu giữ.

Một khách sạn ở bang Boston, Masachusettes (Mỹ) tên là “Omni Parker” đã khẳng định Hồ Chủ tịch từng làm việc ở đây, hiện vật lưu giữ là chiếc bàn nơi Bác đã làm việc. Còn tại Berkeley, bang California (Mỹ), Công viên Frances Willard được các nhà hoạt động xã hội đặt tên là Công viên Hồ Chí Minh...

Đến nay, việc dựng tượng hay tượng đài tưởng niệm Bác đã được thực hiện tại khoảng 20 nước trên thế giới ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. Nhiều khu di tích tưởng niệm, bảo tàng, công viên mang tên Bác được xây dựng tại những địa phương Bác đã từng sống và hoạt động, chủ yếu ở Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Pháp. Trong đó, có 2 khu tại Lào, 4 khu tại Thái Lan, 8 khu và nhà tưởng niệm tại Trung Quốc…

Các hoạt động đặt bia tưởng niệm, gắn biển đồng ở những nơi ghi dấu tích Bác như: Số 9 ngõ Compoint, Paris (Pháp); ở London (Anh), Milan (Ý), New Heaven (Anh), Vladivostok (Nga), Kolkata (Ấn Độ), Viện bảo tàng Văn minh châu Á (Singapore), Cảng Phòng Thành, Nam Ninh (Trung Quốc)... 

Có thể thấy, mỗi nước, mỗi địa phương có những cách khác nhau để vinh danh, tưởng niệm về Bác Hồ. Tựu trung lại, đây cũng là cách để vinh danh, tưởng niệm Hồ Chủ tịch - Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam. Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, cũng là người có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.