10.000 người xuống đường
Ngày 5/6/2014, khoảng 10.000 người vô gia cư tại Brazil đã xuống đường rầm rộ ở TP.Sao Paulo. Cuộc biểu tình do nhóm Homeless Workers Movement đứng ra tổ chức để phản đối chi phí quá lớn lên đến nhiều tỉ USD đổ vào World Cup trong khi các trường học, hệ thống y tế và giao thông công cộng của Brazil vẫn còn hàng loạt các vấn đề cần phải sửa chữa, khắc phục.
Cuộc tuần hành quy mô lớn này diễn ra chỉ sau 1 ngày khi Tổng thống Brazil Dilma Rousself tuyên bố bà sẽ không tha thứ cho những cuộc bạo động làm gián đoạn kỳ World Cup đã 64 năm mới được tổ chức trở lại tại quê hương của Vua Bóng đá Pele. Cuộc biểu tình đã khiến một giao lộ chính tại TP.Sao Paulo bị tắc nghẽn và buộc phải đóng cửa.
Các cuộc biểu tình này diễn ra đúng 1 tuần trước trận khai mạc World Cup 2014 giữa đội chủ nhà Brazil và đội Croatia tại sân vận động Corinthians. Trong bối cảnh này, bà Tổng thống Rousself đã cam kết sẽ tăng cường thêm lực lượng an ninh và quân đội nhằm ngăn chặn mọi âm mưu phá hoại World Cup. Tuy nhiên, những tuyên bố từ chính phủ Brazil vẫn không xua đi được lo ngại về một lễ khai mạc tồi tệ do tình trạng biểu tình.
Năm 2013, hơn 1 triệu dân Brazil đã biểu tình rầm rộ phản đối ở TP.Rio de Janeiro khi chính phủ công bố những khoản chi phí khổng lồ cho World Cup 2014 và Thế vận hội Mùa hè 2016 được tổ chức ở nước này, trong đó có cả những cuộc đụng độ bạo lực cũng đã xảy ra giữa những người biểu tình trẻ tuổi và cảnh sát.
Các cuộc biểu tình từ đó cho đến nay có sự thu hẹp hơn về quy mô nhưng chưa khi nào dừng lại. Những nhóm tổ chức biểu tình đang đe dọa sẽ tổ chức nhiều cuộc xuống đường nữa trong suốt thời gian diễn ra World Cup 2014, làm dấy lên những lo ngại về an ninh cho người dân và du khách trong thời gian diễn ra giải bóng đá lớn nhất hành tinh.
Người biểu tình phản đối World Cup tại Brazil |
Trong lúc các cuộc xuống đường có xu hướng giảm bớt tính nghiêm trọng thì cuộc biểu tình của những người hoạt động trong các lĩnh vực công tại Brazil trong những tuần gần đây đã trở thành nỗi lo chính của những người chịu trách nhiệm tổ chức World Cup.
Một loạt các cuộc đình công của công nhân trong lĩnh vực giao thông công cộng, các cảnh sát, giáo viên cùng nhiều ngành nghề khác đã diễn ra trên khắp nước này. Điều này cho thấy các cuộc biểu tình đã có sự phát triển đến một mức độ mới, khó giải quyết hơn so với những cuộc biểu tình đơn thuần của người dân.
Cũng trong ngày 5/6, trong khi 10.000 người vô gia cư xuống đường thì những nhà điều hành mạng lưới tàu điện ngầm và xe buýt đã đình công ở Sao Paulo - thành phố sẽ diễn ra trận khai mạc của giải World Cup. Điều này đặc biệt nghiêm trọng vì các nhà chức trách Brazil cho rằng tàu điện ngầm sẽ là phương thức di chuyển chính để các cổ động viên bóng đá có thể tới sân vận động Itaquerao để cổ vũ cho trận đấu.
Còn tại TP. Rio de Janeiro, cuộc đình công của các giáo viên đã làm tắc nghẽn các tuyến phố chính của thành phố trong suốt giờ cao điểm buổi tối, khiến xe cộ ùn ứ khắp nơi.
Bà Carla Dieguez - một nhà xã hội học tại Trường Đại học Chính trị và Xã hội tại Sao Paulo - cho rằng, nếu các cuộc đình công này tiếp diễn, “tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra trong suốt kỳ World Cup”. “Chúng ta không biết liệu cuộc đình công này sẽ kéo dài trong bao lâu và liệu các công nhân tại những thành phố có tổ chức World Cup khác có tham gia đình công cùng hay không”, bà Carla nói về cuộc đình công của các công nhân điều hành xe buýt và tàu điện ngầm.
Hồi tháng 4 vừa qua, một cuộc xuống đường kéo dài 2 ngày của các cảnh sát tại Salvador - thành phố cũng sẽ diễn ra các trận đấu trong kỳ World Cup ở phía Đông Bắc Brazil - đã dẫn tới tình trạng leo thang các vụ cướp bóc và giết người. 1 tuần trước đó, cảnh sát tại TP.Fortaleza, cũng là một thành phố có diễn ra các trận đấu World Cup - đã nghỉ làm, khiến cho tình trạng cướp bóc, hôi của lan rộng tại thành phố này trong suốt 2 ngày.
Mới hơn, hồi tháng trước, cuộc đình công trong vòng 48 giờ của các lái xe buýt ở TP.Sao Paulo và Rio de Janeiro đã khiến hàng trăm ngàn người không thể đi làm và về nhà. Các cuộc đình công nói trên diễn ra khi lực lượng cảnh sát dân sự tại 14 bang của Brazil cũng đã ngừng làm việc 24 giờ để đòi tăng lương.
Theo thống kê, cho đến nay, các cuộc đình công của cảnh sát đã ảnh hưởng đến ít nhất 6 thành phố có tổ chức các trận đấu World Cup: gồm Rio de Janeiro, Sao Paulo, Salvador, Manaus, Recife và Belo Horizonte.
Khó ngăn chặn
Trong lúc này, các đặc vụ liên bang - những người chịu trách nhiệm giám sát việc nhập cảnh ở các sân bay quốc tế, và những cảnh sát viên cấp bang có nhiệm vụ duy trì trật tự trên các tuyến phố - cũng tuyên bố họ có thể sẽ đình công trong kỳ World Cup bất chấp một lệnh của Tòa án tối cao yêu cầu họ không được ngừng công việc trong suốt giải đấu.
Có thể thấy rõ, nhà chức trách và tòa án Brazil không thể buộc công nhân trong các lĩnh vực dịch vụ công thiết yếu đối với World Cup tiếp tục đảm nhận công việc. Điển hình như đêm 4/6, một thẩm phán đã yêu cầu những người điều hành tàu điện ngầm ở Sao Paulo làm việc hết công suất trong giờ cao điểm và 70% năng lực trong thời gian còn lại. Tuy nhiên, các thành viên trong hiệp hội các nhà điều hành tàu điện ngầm đã bỏ phiếu vẫn tiếp tục đình công, bất chấp lệnh của thẩm phán buộc hiệp hội này phải trả đến 44.000 USD mỗi ngày nếu phớt lờ phán quyết.
Anh Pedro Araujo - một tài xế xe tải - cho rằng cuộc đình công của các công nhân, công chức, viên chức trong thời gian qua nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. “Ngoài việc phản đối World Cup, nhiều người trong số họ đang lợi dụng cơ hội này để tăng lương. Họ đang sử dụng World Cup làm công cụ để đạt được mục tiêu”, anh Araujo nói.