Mùa Hạ thường có những cơn giông bất chợt. Những tiếng sấm đùng đoàng và các tia chớp xé ngang trời. Không khí đang oi bức dịu lại cùng những hạt mưa ào ạt. Mưa mướt mát, xối xả. Những mái ngói trầm mình đầy nhẫn nại, chịu đựng và gánh gồng cả cơn mưa. Những lớp mái ngói ấy khiến tôi nhớ tới những mái chùa ngày xưa. Những mái chùa bền bỉ trải qua bao cơn nắng, cơn mưa, thầm lặng, đón nhận và bình thản.
Thế rồi, mưa ngớt, tạnh hẳn và nắng lại xiên xiên ngang qua khung cửa. Cái nắng sau mưa hiền hòa và yếu ớt, nhẹ nhàng, lặng lẽ. Chiều buông nhanh hơn trên nền trời diệu vợi. Lũ chim líu ríu gọi nhau về tổ, những chú sâu nhỏ cũng an tâm bò ra tìm chút trong lành cuối ngày trước khi mặt trời khuất bóng.
Ánh trăng dần lên. Tôi nhớ những mùa trăng ngày thơ bé. Những mùa trăng nghiêng chênh chếch rọi qua khe cửa sổ mỗi đêm. Ánh đèn dầu chênh chao chẳng thể nào bao dung hào sảng như ánh trăng ngày hè.
Tôi thích ngồi bên hiên chùa thật yên, có khi chẳng vì điều gì cả. Chú điệu ngày xưa là vậy, thường bó gối ngồi lặng yên mà chẳng màng đến sách kinh. Chú điệu ấy hay thích suy tư, đặc biệt là vào những buổi trăng tròn. Bầu trời của những đêm hè bao giờ cũng thăm thẳm cao vời, ánh trăng thì thật trong, thật đầy. Trăng chảy tràn trên mái ngói phủ rêu và những xác lá nằm im ắng nơi sân chùa. Trăng rơi thật hiền trên vai áo thầy tôi. Hình ảnh in sâu trong tâm trí tôi chính là một bức tranh đêm thật đẹp. Bức tranh có khói hương bảng lảng, có thầy, có ánh trăng, có cả những trang kinh và chén trà nhỏ tỏa hương yên lành, đơn sơ.
Những chú dế ẩn mình cất tiếng, những cây mộc, cây ngâu tỏa hương thoang thoảng ngọt lành. Bóng trăng treo trên nền trời cao rộng. Tối cứ nhớ mãi, thương mãi những bình yên dịu dàng ấm áp như thế. Tuổi ấu thơ và những tiếng mõ vang vang trong đêm u tịch, thầy tôi và khoảng sân chùa phủ rêu dưới bóng trăng loang.
Ánh trăng và những nắng mưa cứ thế nối tiếp nhau làm nên ngày tháng, làm nên tuổi thơ tôi và làm ra cả những đổi thay tiếp nối vô tận trong cõi nhân sinh. Tạo vật vốn dĩ nương vào nhau mà sinh khởi, tiếp nối.
Người ta thường nói, sự sống và cái chết gần trong gang tấc. Chúng chỉ có một ranh giới mỏng manh ở một hơi thở vào ra. Hơi thở vào rồi dừng lại hay hơi thở ra xong rồi dừng lại là cả một kiếp người cũng khép lại. Thế nên, nhắc tới vô thường, người ta thường cảm thấy bất an là vậy. Nhưng nếu đứng từ một góc khác để nhìn lại, vô thường mới chính là một màu nhiệm của sự sống.
Giống như những cơn mưa rào mùa hạ sau cái nắng chói chang oi ả, mưa rồi tạnh. Đất trời sau một cơn giông gió ào ạt xối xả mưa ấy lại mát lành, trong sạch hơn. Cỏ cây mướt mát bừng dậy sau mưa. Không có vô thường, làm sao có thể trải qua những mưa và nắng, những ngày và đêm, những đổi thay nối tiếp nhau như thế?
Giáo lý Phật đà thường nhắc tới hai chữ “vô ngã” và “vô thường”.
Vô ngã có nghĩa là không có ai, không có cái gì có thể tồn tại biệt lập. Vạn vật trong vũ trụ này vốn dĩ do nhân duyên nương vào nhau mà biểu hiện hay ẩn tàng. Giống như hơi nước nhờ có ánh mặt trời mà làm thành mưa, mưa xuống tạo nên sông suối ao hồ, tạo nên cả những cánh hoa rực rỡ trong nắng, những chén trà tỏa hương thơm ngát. Mưa ấy, nắng ấy đi vào đất, vào cây tạo ra quả chín ngọt lành và rồi quả ấy lại dưỡng nuôi vạn vật, nuôi đất, nuôi cây. Không có một điều gì có thể tồn tại riêng biệt mà không nhờ vào những nhân duyên đắp đổi. Không có người con nào sinh ra mà không tiếp nối những màu tóc, nước da hay hạt giống từ trong tàng thức của tổ tiên, cha mẹ, của giống nòi và dân tộc mình.
Và vô thường lại cũng không ở ngoài cái thấy về vô ngã. Chính bởi có vô thường nên mới có sự tiếp nối, sinh khởi. Con người nhờ có vô thường mà lớn lên, lấy vợ lấy chồng và sinh con đẻ cái. Cây cối nhờ vô thường mà đơm hoa kết quả, đến cuối của một chu kỳ lại thành hạt và rồi trở về với đất, làm thành dưỡng chất nuôi đất, nuôi cây.
Nếu không có vô thường, làm sao người ta thấy được một đứa trẻ rồi sẽ lớn lên? Đứa trẻ ấy rồi sẽ đi vào cuộc đời, sẽ biết yêu thương, biết buồn vui và biết vun đắp, dựng xây cho cuộc đời của chúng tự an vui?! Đứa trẻ bởi có vô thường mà không mãi còn là đứa trẻ. Cũng như trong cuộc sống, bởi có vô thường mà nỗi buồn hôm nay có thể ngày mai sẽ chuyển hóa thành bản lĩnh, thành hiểu biết, thành yêu thương.
Niềm vui là vô thường và nỗi buồn cũng vậy. Vô thường chính là điều màu nhiệm trong cuộc đời, để con người được sinh ra, lớn lên, được sống, được trưởng thành và được già đi, được yên nghỉ sau khi đi hết một kiếp người.
Vô thường là để ta ý thức về cuộc sống hiện tại một cách sâu sắc hơn chứ không phải chỉ để bất an, lo sợ.
Phép lạ là đi trên mặt đất. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng chia sẻ điều này từ những ngày Ngài còn khỏe mạnh. Chúng ta cũng vậy. Không phải đợi đến khi nằm trên giường bệnh hay không thể đi bằng đôi chân của mình mới nhận ra điều đó. Ý thức về vô thường là ý thức về những điều màu nhiệm đang có mặt xung quanh mình. Nụ cười của những người thân, bạn bè, một ngọn gió mát, một ánh mặt trời, một nụ hoa thơm hay một đêm trăng sáng, v.v.. Tất thảy tạo vật có mặt đều chính là những vị Phật, những vị Bồ Tát đang cho mình hiểu thế nào là vô thường hay vô ngã. Một đóa hoa tàn, một ngày khép lại, một em bé mới sinh…
Hiểu vô thường để biết ơn vô thường. Hiểu vô ngã để biết trân quý và hết lòng với cuộc sống. Mình biết rằng mình vui thì không gian quanh mình dễ thương hơn. Mình có bình an và hạnh phúc thì cha mẹ, anh chị em bè bạn mình cũng cảm thấy bình an và có niềm vui khi nghĩ tới mình vậy. Mình không thể lấy mình ra khỏi cuộc đời của người thương mình và người mình thương là bởi vậy.
Thế nên, có mặt cho nhau không phải là ở gần sát bên nhau mà là ý thức sâu sắc về sự tương tức. Chúng ta là nhau. Chúng ta phải trân quý bản thân mình cũng như trân quý người thương, trân quý sự sống.
Mùa Hạ, mùa Bụt sinh. Nhắc vô thường để nhớ giữ một tâm thế an ổn với cái thấy thường hằng như sự vật đang là, không bị mắc vào những ảo tưởng “của ta, là ta”, “của người” hay “là người”. Trong ta, cũng như trong người và trong muôn vật đều có “Phật tính”, giác tính. Vậy thì những vụng về của ngày hôm nay, những khổ đau hay phiền muộn của hôm nay vốn không phải là “ta”, cũng không phải là “người”.
Chỉ là, cần phải trải qua, phải chứng nghiệm mọi cảm thọ và tâm hành trong đời để học hiểu bài học về vô ngã và vô thường, để học bài học về tình thương và thắp sáng “giác tính” vốn sẵn có trong mỗi người.
Những lớp sóng trên đại dương của sinh khởi, chúng xô nhau vào bờ rồi tan ra. Nhưng biển và sóng không phải là hai thực thể biệt lập. Những con sóng ấy dù có biểu hiện cách nào thì tính nước của nó và đại dương không thay đổi.
Cũng như ánh trăng và những nắng mưa cứ thế nối tiếp nhau làm nên ngày tháng, làm nên tuổi thơ tôi và làm ra cả những đổi thay tiếp nối vô tận trong cõi nhân sinh. Tạo vật vốn dĩ nương vào nhau mà sinh khởi, tiếp nối.
Nên chăng, con người chỉ cần sống bằng tất cả nhiệt huyết và lòng yêu thương, chỉ cần trân quý cuộc đời. Như lời thiền sư Nhất Hạnh từng nói trong bài thơ Bướm bay vườn cải hoa vàng ngày nào: “Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau”
và:
“Công trình xây dựng ngàn đời/ Nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất”
Mùa Phật đản 2022
Thích Tâm Hiệp